Khởi xướng từ năm 2013, Gặp gỡ mùa thu do đạo diễn Phan Đăng Di, nhà sản xuất Trần Bích Ngọc và nhà làm phim Nguyễn Mỹ Dung sáng lập. Lần đầu tiên tổ chức, sự kiện đã quy tụ nhiều nhà làm phim trẻ ba miền Bắc - Trung - Nam, các nhân vật hoạt động trong ngành điện ảnh trong nước và cả đạo diễn gốc Việt – Trần Anh Hùng – về nước tham gia giảng dạy.
Sự kiện này nhằm phát triển, đoàn kết điện ảnh Việt Nam, mở rộng giao lưu – đối thoại với các nền điện ảnh trong khu vực và tìm cơ hội cho các nhà làm phim trẻ đưa những câu chuyện của mình lên màn ảnh rộng. Dù chỉ là một hoạt động thuần túy phi lợi nhuận, Gặp gỡ mùa thu thu hút sự quan tâm của nhiều người làm phim.
Nếu như năm ngoái, lớp học của đạo diễn Trần Anh Hùng được gói gọn trong chưa đầy 10 người thì năm nay, Gặp gỡ mùa thu đã mở thêm lớp học quay phim. Đạo diễn Phan Đăng Di tỏ ra vui mừng khi năm thứ hai tổ chức, sự kiện này đã thu hút những vị khách nước ngoài đầu tiên, gồm nhà quay phim Kim Hyung Koo – đạo diễn hình ảnh của hai bộ phim nổi tiếng đến từ Hàn Quốc là Memories of a Murder và The Host (Quái vật sông Hàn), nhà quay phim Lee Doo Man của phim Spellbound (Lời nguyền tình yêu), ông Paolo Bertolin – giám tuyển phụ trách khu vực Đông Nam Á của LHP Venice và ông Benjamin Illos đến từ LHP Cannes.
14 học viên được lựa chọn vào hai lớp Đạo diễn và Quay phim cùng các học viên dự thính được đưa ra một khu resort biệt lập và có gần một tuần cùng các giáo viên. Nhà làm phim trẻ Trung Rwo cho biết: “Chúng tôi đã có gần một tuần trong ‘ngôi nhà chung’ đầy ấm áp với thầy Trần Anh Hùng. Những bài giảng của thầy đã truyền cảm hứng mạnh mẽ và làm tăng thêm quyết tâm cho chúng tôi thực hiện bộ phim của riêng mình”.
Lớp học của đạo diễn Trần Anh Hùng được tổ chức sáng tạo với không gian ngoài trời và địa điểm là bể bơi. Vị đạo diễn Mùi đu đủ xanh say sưa truyền cảm hứng cho các học trò thông qua những câu chuyện điện ảnh. Anh cũng cho các học viên xem một số bộ phim chọn lọc và phân tích kỹ lưỡng nghệ thuật kể chuyện, phong cách của từng phim. Trần Anh Hùng muốn các nhà làm phim trẻ phải hiểu nhiều hơn về văn hóa cũng như các lĩnh vực khác để có thể thực sự chạm vào được điện ảnh.
Sau 6 ngày “bị cách ly”, các nhà làm phim trở về thành phố Đà Nẵng sẵn sàng cho những buổi Pitching (thuyết trình dự án phim) để xin tài trợ và tham dự đêm Gala tổng kết cùng các nhân vật hoạt động trong ngành công nghiệp điện ảnh.
So với lần đầu tiên, Chợ dự án kịch bản phim của Gặp gỡ mùa thu năm thứ hai đã chuyên nghiệp hơn với ba khu vực gồm Dự án Phim thương mại (Entertainment Film World), Phim ngắn (Short Film) và Phim nghệ thuật (Art House Film Corner). Nhiều ý tưởng gây ấn tượng, nhiều câu chuyện thể hiện góc nhìn xã hội đương đại qua con mắt người trẻ và nhiều tia sáng hy vọng, quyết tâm được nhen nhóm sau những buổi Pitching này. Những con số như 30 triệu đồng, 50 triệu đồng chưa thể đủ để thực hiện một bộ phim nhưng lại là những món quà đáng khích lệ để các nhà làm phim trẻ có động lực hoàn thành tác phẩm của mình.
Gặp gỡ mùa thu năm thứ hai cũng đã diễn ra hai buổi hội thảo với chủ đề Tiếng nói của các nhà quay phim: Hợp giác giữa các nhà quay phim Việt, hiện trạng và triển vọng cùng diễn đàn Tiếng nói đạo diễn: Các đạo diễn Việt chung tay chống nạn vi phạm bản quyền trong điện ảnh. Nhà làm phim người Anh, Joe Lawlor, sau khi tham dự LHP Quốc tế Hà Nội lần thứ ba, cũng có mặt ở Đà Nẵng trong buổi workshop với chủ đề Từ ý tưởng kịch bản đến sản xuất phim.
Trong đêm Gala bế mạc hôm 29/11, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, ông Huỳnh Đức Thơ, cũng bày tỏ niềm tự hào khi thành phố biển xinh đẹp của miền Trung trở thành nơi diễn ra sự kiện này thường niên. Ông cũng hy vọng trong tương lai không xa, Đà Nẵng có thể tổ chức được những sự kiện điện ảnh với quy mô lớn hơn, và tiến tới là LHP Quốc tế Đà Nẵng trong một tương lai không xa. Khởi nguồn từ ba nhà làm phim trẻ, có thể nói Gặp gỡ mùa thu đang từng bước chuyên nghiệp hóa, trở thành một sự kiện được các nhà làm phim trẻ Việt Nam mong đợi hàng năm.
Chính những cuộc gặp gỡ giữa ngày cuối thu tràn đầy nắng gió ở thành phố biển Đà Nẵng, với ánh mắt đầy háo hức của các bạn trẻ yêu điện ảnh khi chia sẻ câu chuyện của mình sẽ mở ra một giấc mơ cho phim độc lập Việt Nam. Đó là giấc mơ được vươn tầm ra thế giới, được sống hết mình với điện ảnh mà chẳng cần biết tới quá khứ hay tương lai, như nhà làm phim lừng danh người Italy – Federico Fellini – từng nói về điện ảnh: “There is no end. There is no beginning. There is only the infinite passion of life” (Không có kết thúc. Không có bắt đầu. Chỉ có ở đó niềm đam mê vô tận của cuộc sống).
Nguyên Minh