Tính từ Tết Nguyên đán đến nay, điện ảnh Việt Nam đã cho ra mắt 7 bộ phim “16+” (không dành cho khán giả dưới 16 tuổi), gồm Cô dâu đại chiến 2, Mất xác, Đoạt hồn, Hiệp sĩ mù, Bước khẽ đến hạnh phúc, Lạc giới và mới đây nhất là Hương Ga. Những tác phẩm này đều có những cảnh hoặc khêu gợi giới tính, hoặc bạo lực - kinh dị.
Trước đây, phim Việt gần như không phân loại độ tuổi. Những tác phẩm bị liệt vào danh sách “có yếu tố bạo lực - sex, vi phạm thuần phong mỹ tục” sẽ không thể ra rạp. Nhưng từ khi gia nhập WTO, luật điện ảnh sửa đổi đã cung cấp thêm công cụ cho việc kiểm duyệt, tạo cơ hội cho nhiều bộ phim "nhạy cảm" đến được với công chúng. Các tác phẩm điện ảnh bắt đầu được phân loại khán giả.
Năm 2007, phim kinh dị Mười do Việt Nam hợp tác với Hàn Quốc trở thành tác phẩm trong nước đầu tiên được gắn mác “16+” vì có yếu tố kinh dị, máu me. Tiếp theo sau, các phim như Trung úy, Bi đừng sợ, Giữa hai thế giới… cũng đều phải giới hạn độ tuổi khán giả trước khi ra rạp.
Với mác “16+”, các nhà làm phim Việt có cơ hội mở rộng đề tài và cách thể hiện. Việc phân loại này cũng khiến cho quy trình kiểm duyệt phim trở nên cởi mở hơn trước. Đạo diễn Lưu Huỳnh chia sẻ: “Sự xuất hiện nhiều phim Việt Nam được dán nhãn 16+ phần nào cho thấy sự cởi mở của Hội đồng thẩm định Trung ương trong vấn đề duyệt phim. Thay vì cấm, việc phân loại độ tuổi giúp cho khán giả tìm đến bộ phim phù hợp với mình hơn”.
Với những bộ phim không dành cho khán giả dưới 16 tuổi, người xem được thông báo ngay từ quầy bán vé. Trước khi vào phòng chiếu, họ cũng được kiểm tra chứng minh thư để xác nhận có đủ tuổi thưởng thức bộ phim hay không.
Thu Phương, một khán giả 31 tuổi ở Hà Nội, cho biết: “Tôi nghĩ việc phân loại các phim là một cái lợi cho cả các nhà làm phim lẫn khán giả. Các đạo diễn có thể mạnh tay hơn ở những phim thuộc thể loại tâm lý ly kỳ, hành động, kinh dị để phục vụ cho mục đích sáng tạo nghệ thuật. Bên cạnh đó, khán giả ở độ tuổi trưởng thành mong muốn được thưởng thức một bộ phim phù hợp cũng sẽ có những lựa chọn cho riêng mình. Một số lượng lớn phim kinh dị rùng rợn hay tâm lý tham gia các liên hoan phim lớn như Cannes hay Venice là phim được xếp loại chứ không dành cho khán giả đại chúng".
Tuy nhiên, việc gắn mác “16+” với các phim Việt vẫn còn nhiều bất cập. Việc đánh đồng tất cả những phim có yếu tố nhạy cảm như sex, bạo lực, kinh dị vào chung một “rọ” có thể tạo nên những phản ứng trái chiều.
Đạo diễn Lưu Huỳnh tỏ ra phân vân về cách dán mác “16+” mà theo anh là chưa chặt chẽ như hiện nay. “Phim Hiệp sĩ mù của tôi được làm theo thể loại giả tưởng, cảnh đánh đấm trong phim tuy nhiều nhưng rất tiết chế ở các chi tiết máu me và không có những cảnh quá sốc. Vì thế, việc bị dán nhãn ‘16+’ chung với các phim khác có đề tài giới tính nhạy cảm (như Lạc giới) là chưa thỏa đáng lắm”, Lưu Huỳnh chia sẻ.
Theo anh, việc dán nhãn “16+” hoặc “18+” cho một bộ phim trong nước sẽ dẫn đến hai khả năng: “Có thể khán giả tò mò tìm đến bộ phim để xem vì sao bị dán mác, nhờ vậy mà phim thu hút được lượng lớn khán giả. Nhưng ngược lại, đây cũng là con dao hai lưỡi vì phim có thể mất đi một lượng khán giả nhất định”.
Theo khảo sát tại các cụm rạp của CGV - hệ thống rạp chiếu phim lớn nhất trong nước hiện nay, tỷ lệ khán giả đi xem phim ngoài rạp trong độ tuổi từ 18 đến 29 chiếm 71%. Thống kê ở Trung tâm Chiếu phim Quốc gia (Hà Nội) cũng cho thấy khán giả dưới 16 tuổi chiếm gần 40% và chủ yếu đi xem phim vào ban ngày, lượng khán giả trên 16 vẫn vượt trội với hơn 60%.
Chính vì tỷ lệ phần trăm khá chênh lệch, lượng khán giả trên 16 vẫn chiếm phần đông nên việc dán nhãn cho một bộ phim thường kích thích, lôi kéo lượng người xem tới rạp hơn. Anh Thành, một khán giả 24 tuổi ở TP HCM, nhận định: “Tâm lý người Việt thường rất tò mò. Có thể một phim Việt ra rạp mà nhìn poster hay trailer không mấy hấp dẫn thì khó kéo được người xem ra rạp. Nhưng giả dụ nó được gắn thêm mác ‘16+’ thì sẽ có rất nhiều người hiếu kỳ, chờ đón các cảnh nóng hay cảnh bạo lực”.
Ngoài ra, dựa vào mác 16+, nhiều nhà sản xuất sẽ có thể khai thác sâu vào các yếu tố câu khách, giật gân để phục vụ cho mục đích thương mại. Trào lưu này được đánh giá là dễ nhận thấy khi các phim giới hạn độ tuổi của Việt Nam gần đây đều ít gây được ấn tượng tốt về chất lượng nghệ thuật.
Trên thế giới, việc phân loại phim ở mỗi nền điện ảnh là khác nhau nhưng hệ thống phân loại phim của Hiệp hội Điện ảnh Mỹ được coi là phổ biến nhất. Hệ thống này chia các phim làm 5 mác, gồm “G” (Dành cho mọi đối tượng), “PG” (Một số hình ảnh có thể không thích hợp cho trẻ em), “PG-13” (Trẻ em dưới 13 tuổi cần có cha mẹ hay người giám hộ xem kèm), “R” (Không dành cho người dưới 16 tuổi mà không có cha mẹ xem kèm) và “NC-17” (Không dành cho khán giả dưới 17 tuổi).
Trong một cuộc họp hồi đầu năm nay, Cục Điện ảnh từng tuyên bố dự kiến vào tháng 2/2015 sẽ có hệ thống phân loại phim chi tiết hơn, thay vì chỉ có hai loại là phim cho tất cả khán giả và phim “16+” như hiện nay.
Nguyên Minh - Thoại Hà