Nhận giải "Nữ diễn viên chính xuất sắc" ở Quả Cầu Vàng, Frances McDormand diện váy xanh đậm, bất chấp khán phòng tràn ngập những bộ trang phục đen để hưởng ứng phong trào chống quấy rối tình dục. Frances nói rằng dù ủng hộ phong trào, bà không phải típ người dễ chiều theo ý người khác. Ở BAFTA, bà lại khước từ trang phục thuần đen để diện đồ ba màu đỏ, hồng, đen.
Ở giải Independent Spirit Awards - ngay trước thềm Oscar, Frances nói say sưa: "Tôi chỉ biết là hôm nay mình phải chửi thề. Anh có biết khó thế nào để không chửi thề trong mấy tháng qua không? Chương trình giải thưởng này cứ kéo dài mãi". Trước đó, ở Quả Cầu Vàng, nhà đài cũng phải kiểm duyệt một phần bài phát biểu nhận giải của bà bởi những từ nhạy cảm.
Trong suốt chiến dịch Oscar, nữ diễn viên sinh năm 1957 hiếm khi đến dự các bữa tiệc hay buổi ra mắt phim để quảng bá bản thân. Điều này rất khác với Meryl Streep hay Jennifer Lawrence - những minh tinh luôn biết cách xây dựng hình ảnh qua các hoạt động bên lề. Frances thậm chí không trang điểm khi xuất hiện trước truyền thông và tự ví von rằng khuôn mặt mình nhăn nheo như "bản đồ" (trên New York Times).
Frances McDormand chia sẻ với tạp chí: "Tôi không bao giờ tham gia hoạt động báo chí và quảng cáo mà chỉ làm việc trong giới hạn của nghề diễn. Tôi làm vậy bởi đó là cách sống của tôi. Khi có người xin chữ ký, tôi sẽ từ chối và nói mình đã từ bỏ những việc như vậy". Giữa cuộc phỏng vấn, một phụ nữ Pháp đến xin chụp hình chung với nữ diễn viên. Bà từ chối nhưng hỏi tên người hâm mộ, nhìn người này hồi lâu rồi ôm lấy cô ta.
"Tôi không làm diễn viên để được chụp hình. Tôi làm diễn viên để được là một phần của sự tương tác giữa người và người", Frances nói. Trước đó, minh tinh cũng nhất định khước từ lời đề nghị đến thăm nhà của phóng viên New York Times.
Những hành động trên thể hiện rõ con người của Frances McDormand: cứng rắn và bất cần dư luận. Sinh năm 1957 ở Illinois (Mỹ), nữ diễn viên không biết cha mẹ mình là ai. Khi một tuổi rưỡi, bà được hai vợ chồng nhà McDormand nhận nuôi. Ở độ tuổi gần 20, Frances được trao cơ hội gặp lại mẹ ruột nhưng từ chối. Bà thừa nhận việc bị các đấng sinh thành chối bỏ là yếu tố tác động lớn đến tâm lý của bà. Do công việc, bố nuôi bà thường xuyên chuyển chỗ ở của gia đình, từ Georgia, Kentucky, Tennessee, trước khi định cư ở Monessen (Pennsylvania, Mỹ). Dù vậy, nữ diễn viên được giáo dục tốt, tốt nghiệp ngành nghệ thuật ở đại học Yale.
Ban đầu, Frances hoạt động mạnh hơn ở mảng kịch, nhưng rồi chuyển hướng sang điện ảnh. Bà giải thích trên New York Times: "Nếu còn ở sân khấu, tôi sẽ được giao các vai chính truyền thống. Nhưng ở Hollywood, vẻ ngoài giúp tôi nhận các vai diễn khác biệt". Trong 36 năm sự nghiệp, bà toàn đóng các vai gai góc như người vợ bị đánh đập trong Mississippi Burning hay người vợ của một cựu binh chiến tranh Triều Tiên định tự tử trong Chattahoochee.
Frances McDormand kết hôn với đạo diễn Joel Coen năm 1984. Trong sự nghiệp, bà cộng tác nhiều nhất với anh em đạo diễn nhà Coen (sáu phim). Một trong số đó - Fargo (1996) - giúp Frances giành giải Oscar "Nữ diễn viên chính xuất sắc". Trong phim này, bà thể hiện nhân vật cảnh sát Marge đang mang bầu nhưng phải bước vào một vụ án phức tạp. Đạo diễn Joel Coen cho biết muốn phá vỡ các nguyên tắc cũ kỹ trong việc xây dựng cảnh sát. Chất giọng, dáng đi và lối ăn vận của nhân vật dễ gây cười, nhưng đây lại là cảnh sát giỏi và nghiêm túc trong công việc.
* Một cảnh trong "Fargo"
Điểm thú vị là trong Three Billboards Outside Ebbing, Missouri - phim được dự đoán giúp bà có Oscar thứ hai, nữ diễn viên lại hóa thân người phụ nữ chống cảnh sát. Minh tinh thủ vai một người mẹ có con gái bị hiếp rồi giết. Phẫn uất bởi cảnh sát không thể tìm ra hung thủ, bà thuê ba tấm biển quảng cáo trên đường để ghi lời chỉ trích chính quyền. Nhân vật - tên Mildred - bạo lực, ăn nói đốp chát, gây rối khắp nơi trong bộ đồ nhân viên thợ máy. Tuy nhiên, người xem dần nhận ra bên dưới sự bất cần là nỗi đau khi không thể bảo vệ con gái.
Frances McDormand cho biết lấy cảm hứng từ các phim của John Wayne, John Ford và Marlon Brando để thể hiện kiểu nhân vật xuất hiện đột ngột, không cần giới thiệu rõ xuất thân mà khán giả vẫn có thể cảm được. Nữ diễn viên chuyển đổi cảm xúc đa dạng, từ các cảnh ăn nói bỗ bã đến những màn diễn nội tâm. Frances McDormand được giới phê bình hết mực khen ngợi và liên tiếp chiến thắng ở các giải tiền Oscar. Nhiều báo Âu Mỹ xem như cuộc đua nữ chính đã kết thúc và chuyển sang dự đoán xem Frances có... chửi thề khi nhận Oscar hay không.
* Trailer "Three Billboards Outside Ebbing, Missouri"
Ngoài chuyên môn, nhiều ý kiến cho rằng vai diễn của bà ca ngợi nữ quyền và chống xâm hại tình dục. Nữ diễn viên không phủ nhận điều này: "Tôi không thể hiện quan điểm chính trị, nhưng nhiều ý tưởng nữ quyền của tôi tình cờ truyền tải qua vai diễn. Khi đóng nhân vật nữ, tôi có cơ hội thay đổi cách mọi người nhìn họ", bà nói.
Frances McDormand không đứng ngoài phong trào, chỉ là lối sống dị biệt khiến bà không phô trương quan điểm quá nhiều trước truyền thông. Minh tinh có lẽ không cần một bộ váy đen ở Oscar để phản đối nạn quấy rối và xâm hại tình dục, bởi chính vai diễn của bà đã là đại diện nổi trội cho tinh thần này. Nhân vật Mildred - ở khía cạnh nào đó - là nạn nhân gián tiếp của nạn xâm hại tình dục, với con tim không bao giờ lành lặn, mãi mãi tổn thương bởi ký ức đau buồn.
Ân Nguyễn