Nhiều người tò mò hỏi Khánh Hòa, không biết cái tên của chị có liên quan gì đến biển hay không, mà tại sao chị lại luôn gắn với ca khúc về biển, về Trường Sa đến thế. Thực ra, Khánh Hòa sinh ra ở một vùng quê nghèo Thanh Hóa, hiện làm việc tại Nhà hát ca múa nhạc Thăng Long. Mọi người thường gọi chị là "cô ca sĩ chịu khó đi Trường Sa", vì để tới Trường Sa không phải dễ dàng, nhất là với phụ nữ vốn không quen sóng gió và những điều kiện khắc nghiệt trên biển.
![]() |
Diễn viên Lâm Tùng và Khánh Hòa trong một cảnh quay thể hiện mối tình của cô gái với người chiến sĩ trên đảo Trường Sa. |
Lần đầu tiên Khánh Hòa ra Trường Sa là tháng 4/2009. Ngay trong chuyến đi đó chị đã ấp ủ ý định trở lại Trường Sa hàng năm để mang tiếng hát động viên tinh thần các chiến sĩ nơi đầu sóng ngọn gió. Chị khẳng định nếu ai đã tận mắt nhìn thấy biển Trường Sa thì sẽ thấy không nơi nào biển đẹp như thế. Tình người Trường Sa vô cùng ấm áp, nồng hậu, những người lính đảo tuy chịu nhiều hy sinh gian khổ nhưng vẫn rất lạc quan, yêu đời. Mỗi lần nghe tin có bão biển là chị lại nôn nóng gọi ra Trường Sa để thăm hỏi..
Cũng vì tình yêu đặc biệt với nơi hải đảo xa xôi, Khánh Hòa quyết định làm album "Gần lắm Trường Sa" theo cách đầu tư một mốc lớn cho cuộc đời nghệ thuật của mình. Chị mất gần 2 năm để theo đuổi dự án này, trong đó một năm làm các thủ tục xin phép để quay ở đảo và thủ tục cho êkíp quay phim hơn mười người ra đảo. Chờ đợi rất lâu, nhưng cuối cùng Khánh Hòa cũng được chấp nhận. Ngày nhận được quyết định chị khóc vì sung sướng.
Ban đầu, Khánh Hòa lựa chọn cả 7 ca khúc về Trường Sa nhưng NSƯT Việt Hương - đạo diễn DVD - khuyên chị nên chọn hai ca khúc khác là: Đừng ví em là biển, Sao biển bên cạnh 5 ca khúc Sức sống Trường Sa, Mùa xuân nơi Trường Sa, Thời gian của đời, Tiếng hát nơi đảo xa, Gần lắm Trường Sa để album mềm mại, không chỉ phục vụ các chiến sĩ Trường Sa mà còn dành cho nhân dân cả nước.
![]() |
Các chiến sĩ hải quân đến chúc mừng Khánh Hòa ngày họp báo ra mắt album. |
Trong album, được đầu tư dày công nhất là ca khúc Sức sống Trường Sa. Khánh Hòa thuyết phục nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên viết đồng dao và nhờ các em nhỏ đang sinh sống và học tại Trường Sa thể hiện. Theo Phạm Xuân Nguyên, để sáng tác một bài đồng dao không hề đơn giản. Ông phải cân nhắc, lựa chọn và phát triển từ những câu đồng dao gần gũi: "Nu na nu nống, đánh trống phất cờ". "Nghe tới đánh trống phất cờ là đã gợi tới cái hào khí của người Việt Nam" - nhà phê bình chia sẻ.
"Gần lắm Trường Sa" được thực hiện trong vòng một tháng trời. Để có những thước phim quay ngoài biển, Khánh Hòa và êkíp phải dậy từ 2 - 3h sáng và làm việc đến tận tối muộn vì thời gian eo hẹp và điều kiện di chuyển trên biển rất khó khăn.
Trong những ngày lăn lộn quay hình giữa nắng gió khốc liệt của Trường Sa, nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của những người lính đảo, Khánh Hòa càng thêm yêu đảo nhỏ sâu sắc hơn. Chị mong muốn tình yêu Trường Sa của mình sẽ lan truyền tới nhiều người khác qua những gì chị thể hiện trong album. Đây cũng là món quà tinh thần mà chị gửi tặng các cán bộ chiến sĩ và nhân dân huyện đảo.
* Clip "Gần lắm Trường Sa" |
Huy Phạm