Cuộc trò chuyện với độc giả trong nước của Du Tử Lê được tổ chức nhân dịp ông ra mắt tập thơ Giỏ hoa thời mới lớn do LiênViệtBooks xuất bản. Tại buổi này, họa sĩ Lê Thiết Cương cũng trưng bày các bức tranh minh họa in kèm trong tập thơ.
Tập Giỏ hoa thời mới lớn gồm 138 bài, được chọn lọc trong số tác phẩm từng xuất hiện từ thời Du Tử Lê mới bắt đầu làm thơ. Trong đó, đa số là các bài thơ được phổ nhạc và được nhiều người yêu thích như: Khúc thụy du, Tình sầu Du Tử Lê, Khúc thêm cho Huyền Châu (Trên dấu tình sầu), Kiếp Sau, Xin giữ lại đời cho nhau (Ơn em), Về từ vô vọng... Trong sách có các phụ bản ảnh về tranh sơn dầu, màu nước của tác giả và một số tranh minh họa của Lê Thiết Cương.
Hơn nửa thế kỷ sáng tác, thơ của Du Tử Lê thay đổi theo thời gian, nhưng âm điệu của lời thơ và ý tứ vẫn luôn tuôn trào, lúc nỉ non, khi chua xót. Trong Giỏ hoa thời mới lớn, độc giả có thể cảm nhận lại Khúc thụy du của một thời xa lắm theo thể ngũ ngôn: “như con chim bói cá/ tôi lặn sâu trong bùn/ hoài công tìm ý nghĩa/cho cảnh tình hôm nay”. Hay: "em rầu rầu sương cỏ/ hồn mưng mưng mây mù/ mắt bơ phờ cõi nhớ” (bài Về từ vô vọng).
Hoặc: “người không về nên tôi chẳng buồn đi/ bao nhiêu dự tính có ra gì/ bèo trôi từng lớp trên lưng sóng/ tôi quá chân rồi tôi giết tôi” (Khi người về), “chỉ nhớ người thôi đủ hết đời/ bàn tay dư mấy ngón chia phôi!/ (tặng nhau ngón chính không đeo nhẫn)/ và, những chia phai đầy tuổi tôi/ chỉ nhớ người thôi đủ hết đời/ như trời nhớ đất (rất xa xôi)/ nắng mưa nhớ mãi hàng hiên, đợi/ Thư nhớ hồi âm. lệ nhớ môi” (Chẳng chiến chinh mà cũng lẻ đôi)
Du Tử Lê có hơn 300 bài thơ được phổ nhạc giúp ông trở thành một trong những nhà thơ có sáng tác được phổ nhạc nhiều nhất và được nhiều thế hệ khán giả, độc giả yêu thích. Ông tên thật là Lê Cự Phách, sinh ngày 10 tháng 11 năm 1942 tại Kim Bảng, Hà Nam. Ông từng có thơ đăng trên hai nhật báo Los Angeles Times (1983) và New York Times (1994). Thơ của ông được chọn dich và phê bình trong cuốn Understanding Vietnam của giáo sư Neil L. Jamieson. Cuốn này được dùng để làm tài liệu giảng dạy tại nhiều đại học ở Mỹ và châu Âu. Ông cũng là một trong hai nhà thơ Việt Nam có thơ dịch và phê bình trong cuốn La Rage D'Etre Vietnamien của tác giả Jean Claude Pomonti (Nhà xuất bản Seuil de Paris, 1975).
Du Tử Lê còn là một trong 6 nhà thơ Việt Nam thuộc thế kỷ 20 có thơ được chọn in trong Tuyển tập thi ca thế giới - từ thời Thượng cổ đến hiện tại (World Poetry - An Anthology of Verse From Antiquity to Our Present Time, NXB W.W. Norton, New York, Mỹ, tái bản 1998). Ông cũng có một số thơ, văn được chọn để giảng dạy tại vài đại học ở Mỹ và châu Âu từ năm 1981.
Ông đã xuất bản 58 tác phẩm, như: Thơ Du Tử Lê (1964), Tình khúc Tháng mười một (1965), Tay gõ cửa đời (1967), Thơ Du tử Lê (1967-1972), Đời mãi ở Phương Đông (1974), Thơ tình Du Tử Lê (1996), Ở chỗ nhân gian không thể hiểu (1985-1989), Đi với về cũng một nghĩa như nhau (1992), Chấm dứt luân hồi em bước ra (1993), Biệt khúc (2013)…
Hiện ông cùng gia đình sống tại miền nam California, Mỹ.
Thất Sơn