Sách chia làm ba phần chính, gồm những chuyện xảy ra trong gia đình Nhật Nam và những khám phá về tuổi “teen” của tác giả. Trong hai phần đầu: Bố tớ, Mẹ tớ, Nhật Nam nói về tình cảm, những bài học mà bố mẹ dạy dỗ và dành cho cậu. Thông qua những sự việc xảy ra từ buổi ấu thơ, những kiến thức được cậu tích lũy trở thành hành trang để cậu tự tin bước sang tuổi teen. Cậu bé 13 tuổi nói về tuổi mới lớn thông qua chính quá trình phát triển tâm sinh lý của mình trong phần ba Welcome tuổi dậy thì.
Đỗ Nhật Nam sinh năm 2001, nổi tiếng là cậu bé giỏi ngoại ngữ, dịch sách, viết sách từ khi nhỏ tuổi, tham gia dẫn chương trình được nhiều em nhỏ yêu mến. Nhiều bậc phụ huynh luôn đặt ra câu hỏi làm thế nào để có thể nuôi dạy một đứa con "thần đồng" như thế? Câu trả lời có trong Bố mẹ đã cưa đổ tớ của Nhật Nam. Sách giúp ta hiểu sâu hơn hai chữ “thần đồng” của Đỗ Nhật Nam thực chất chỉ có 1% tố chất được thừa hưởng từ bố mẹ, còn lại 99% là nỗ lực của bản thân cậu bé cùng mối gắn kết nhuần nhuyễn giữa ba người trong gia đình cậu: bố, mẹ, và con trai.
Đọc sách, có thể cảm nhận được Nhật Nam có bậc phụ huynh mẫu mực, luôn dạy con những điều hay lẽ phải. Đó là câu chuyện về người bố dạy con về tính kiên nhẫn, tình yêu thiên nhiên, hay cách chấp nhận thất bại để bước qua nó… Trong khi đó, mẹ là người giúp Nhật Nam cảm nhận được sự yêu thương và niềm hạnh phúc. Trong phần Mẹ tớ, người kể chuyện thay đổi thành người mẹ, kể những suy nghĩ, tình cảm của mình dành cho con trai thông qua những mẩu chuyện như Sự tích cái trán, Chuyện tình, Noel của con…
Tới phần ba, Welcome tuổi dậy thì, qua những bài viết như Những bài học đầu tiên về giới tính, Giữ vệ sinh cơ thể và chăm sóc sức khỏe tinh thần, Tìm hiểu về tình yêu, Tự vệ bản thân, Những mối quan hệ khi bước vào tuổi dậy thì... Nhật Nam khái quát được quá trình phát triển tâm sinh lý của bản thân cậu.
Ba phần sách có ba giọng văn khác biệt rõ nét. Ở phần đầu, giọng kể của Nam về những chuyện thuở ấu thơ có phần hài hước, nhí nhảnh. Sau đó, giọng văn của Nhật Nam trở nên tình cảm, xúc động trong các câu chuyện của mẹ. Trước những dòng nhật ký mẹ viết cho Nam, cậu nói: “Con cũng muốn nói: Mẹ ơi, con yêu mẹ vừa đủ để hiểu vết chai trên đôi bàn tay mẹ. Con yêu mẹ vừa đủ để hiểu cái vội vàng tất bật của mẹ khi đưa con đi học, khi đi chợ nấu cơm, khi dọn nhà, sân vườn mỗi buổi. Con yêu mẹ vừa đủ để hiểu là: con luôn cần mẹ!”
Ở phần cuối, Nhật Nam thể hiện những quan sát tinh tế, sự am hiểu các kiến thức, kỹ năng sống và già dặn trong cách diễn đạt. Không chỉ miêu tả quá trình thay đổi tâm lý, sinh lý của một cậu bé bước vào tuổi dậy thì, cậu bé còn đưa ra những kiến nghị đối với bậc phụ huynh để có thể tìm được tiếng nói chung trong gia đình ở giai đoạn này. Nam viết: “Mong bố mẹ đừng ngại chia sẻ: Việc chia sẻ của bố mẹ với con cái về những chủ đề 'nhạy cảm' không làm cho chúng mình 'bị kích thích' mà chỉ làm cho vấn đề trở nên đơn giản và ngày càng dễ nói”.
Trước khi viết cuốn Bố mẹ đã cưa đổ tớ, Đỗ Nhật Nam từng thực hiện hai cuốn sách Những con chữ biết hát và Tớ đã học tiếng Anh như nào. Cậu cũng dịch những tác phẩm cho thiếu nhi như Mặt trời mọc, mặt trời lặn, hay những cuốn “khó nhằn” như Tôi tư duy tôi thành đạt.
Lam Thu