Đạo diễn Đỗ Đức Thành chỉ đạo một cảnh quay trong phim Những ngọn nến trong đêm. |
- Điều gì đã thôi thúc anh làm phim truyền hình "Ngoại tình"?
- Đơn giản bởi đấy là hiện thực của cuộc sống. Tôi nhận thấy khi thời kinh doanh mở cửa, người ta được nhiều thứ vật chất mà vô tình cũng làm đổi thay nhiều giá trị nhân bản. Con người sống khe khắt, lạnh lùng hơn. Áp lực của đồng tiền đã khiến những điều bình dị của đời thường biến mất. Tôi đã nhìn thấy, nghe bạn bè kể và góp nhặt dần những mẩu chuyện về gia đình và những tác động của xã hội để hình thành nên ý tưởng làm kịch bản phim Ngoại tình.
- Ở bộ phim này anh sẽ đề cập đến những khía cạnh gì?
- Tôi mong muốn thoả mãn người xem ở nhiều khía cạnh, nhưng tập trung nhất vẫn muốn lý giải cái sự ngoại tình. Tại sao có người đàn ông cưới một cô vợ hoàn hảo từ nhan sắc đến trí tuệ mà vẫn đi ngoại tình? Rất đơn giản vì người ta đòi hỏi hơn một người đàn bà, đó có thể là người mẹ để được vuốt ve, người con để cho họ quyền chiều chuộng. Cách giải quyết ổn thoả mà ai cũng nhận thấy là phải biết hy sinh. Thực tế không phải vậy, người ta luôn dễ dàng đẩy mình đi xa hơn điều tốt lành và vì thế họ dễ vấp phải sai phạm, dẫn đến sự tan vỡ trong gia đình.
- Anh đã chuẩn bị những gì cho “Ngoại tình”?
- Bộ phim này khá dài, từ 7 đến 10 tập. Tôi mời 3 nhà viết kịch bản cùng tham gia, mỗi một tác giả sẽ tập trung vào một thế mạnh, người chuyên về kinh tế, người chuyên về tâm lý, và người quán xuyến bối cảnh chung. Tôi đang cố gắng để khởi quay vào tháng 8. Tôi tin chắc nếu có sự phối hợp ăn ý giữa êkíp làm phim, Ngoại tình nhất định sẽ thu hút sự chú ý của các "quý ông". Họ sẽ xem phim và "soi gương" trong đấy, vì dù ít dù nhiều bóng dáng cô nàng tình nhân của họ sẽ xuất hiện, thậm chí đó chỉ là nhân tình trong tâm tưởng.
- Bỏ quay phim, chuyển sang làm đạo diễn, anh được biết đến qua các phim "Vùng trời bình yên", "Những ngọn nến trong đêm", "Con nhện xanh", phim nào cũng thấy bóng dáng nhà báo. Vì sao vậy?
- Tôi tốt nghiệp đạo diễn năm1991, đi học vài “cua” ở nước ngoài, như ở Australia học về kỹ thuật sản xuất truyền hình, sang Mỹ học làm quảng cáo. Vốn có chút thích thú làm báo, tôi theo nghề này hai năm, và vì thế phần nào tôi cũng hiểu về nghề. Với lại, sự sắc sảo cộng thêm nhiều tình huống thú vị của người làm báo cho phép bộ phim dẫn dắt câu chuyện hay hơn.
Trần Lan