Biên kịch cho dự án là Việt Linh - nhà làm phim gạo cội của điện ảnh Việt. Tác phẩm kể về Tùng Nhân (Quý Bình đóng) - một chàng MC nổi tiếng sống hạnh phúc cùng người yêu Phương Thùy (Quỳnh Chi). Một ngày nọ, anh bỗng phát hiện mình có đứa con trai riêng tên Bin (bé Gia Bảo đóng) với bạn gái cũ. Do đang vướng vòng lao lý, mẹ đứa bé gửi cậu cho Tùng Nhân chăm sóc.
* "Ở đây có nắng" ca ngợi tình cha con
Tùng Nhân giằng xé nội tâm bởi nếu nhận đứa trẻ sẽ ảnh hưởng lớn đến hình ảnh của anh trước công chúng. Long (Trương Thanh Long) - quản lý của anh - tìm cách giải quyết sự cố, còn Phương Thùy ghét đứa trẻ ra mặt. Trong khi chờ Tùng Nhân quyết định, cậu bé phải tạm ở với một người phụ nữ khác. Nửa đầu phim là cuộc đấu tranh nội tâm của Tùng Nhân. Nửa sau phản ánh cuộc sống của hai cha con anh sau khi MC nhận nuôi đứa trẻ.
Bé Gia Bảo (11 tuổi) và Ngân Chi (sáu tuổi, thủ vai một bé gái bạn của Bin) là điểm sáng của phim với lối diễn tự nhiên và dạn dĩ. Gia Bảo thể hiện hình ảnh đứa trẻ thiếu vắng tình thương, hay mặc cảm bởi không có cha còn mẹ bị tù tội. Những cảnh giận dữ hay tủi thân được bé diễn đạt tự nhiên. Còn Ngân Chi gây ấn tượng bởi sự lí lắc, dễ thương làm khuấy động không khí phim. Tạo hình và tính cách vai diễn của bé khá giống với nhân vật của bé Kim Thư trong phim Nắng (2016) - một phim thành công về đề tài gia đình có sự góp mặt của cây hài Thu Trang.
Trong khi đó, dàn diễn viên người lớn có phần lạc tông, nhất là ở vai Tùng Nhân và Phương Thùy. Những cái trừng mắt của Quý Bình, điệu bộ chua ngoa của Quỳnh Chi được đẩy lên quá mức, khiến nhân vật lúc nào cũng như sẵn sàng nổi cáu. Tác phẩm vì thế hay bị bẻ vụn thành các màn tranh cãi, đôi co của họ. Ngoài ra, gương mặt và phong thái của Quỳnh Chi không hợp với mẫu nhân vật có suy nghĩ hơi ngây ngô. Diễn ổn định nhất chỉ có Trương Thanh Long trong vai người trợ lý điềm tĩnh, chăm chút từng chuyện nhỏ nhặt cho Tùng Nhân.
Tác phẩm ca ngợi tình cha con thắm thiết, tình bạn gắn bó, lồng ghép một số yếu tố châm biếm showbiz khá thú vị. Tuy nhiên, cách dàn dựng của Đỗ Nam - nhà làm phim trẻ sinh năm 1990 - khiến thông điệp phim có phần khó cảm. Kịch bản cài cắm nhiều chi tiết làm bước ngoặt câu chuyện, nhưng lối xử lý của đạo diễn khiến không có tình huống nào nổi bật, kể cả tiết lộ mang ý nghĩa tháo nút thắt đường dây câu chuyện ở hồi ba.
Nhìn chung, phim tận dụng tối đa những câu thoại sắc sảo vốn là điểm mạnh của biên kịch Việt Linh. Nhưng câu chuyện được trình bày, giải quyết bằng lời lẽ quá nhiều mà thiếu đi những cảnh quay đắt giá để "chốt" cảm xúc người xem. Đây là điểm trừ so với hai tác phẩm thiếu nhi gần đây là Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của Victor Vũ và Khi con là nhà của Vũ Ngọc Đãng.
Một số trường đoạn kéo dài lê thê, như đoạn Tùng Nhân một mình nuôi Bin - vốn chỉ là chuỗi chắp nối nhiều cảnh sinh hoạt đời thường. Vai diễn người phóng viên muốn hại anh xuất hiện rồi rời khỏi câu chuyện đột ngột. Nhân vật Phương Thùy cũng biến mất ở nửa chừng phim. Lúc này, mâu thuẫn thay đổi từ xung đột giữa Tùng Nhân - Phương Thùy sang một vấn đề khác ở hồi ba, khiến tác phẩm có phần chệch hướng.
Ở đây có nắng khởi chiếu từ ngày 12/1.
Ân Nguyễn