- Vài năm trở lại đây, khán giả thấy anh xuất hiện nhiều trên màn ảnh nhỏ. Cơ duyên nào đưa anh trở lại với nghiệp diễn?
- Khi dòng phim thị trường lắng xuống, tôi trở thành nhạc công, ca sĩ đi diễn khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Thời bấy giờ có phong trào giao lưu ca nhạc giữa diễn viên và khán giả. Tôi biết chơi một số nhạc cụ nên vẫn có đất dụng võ trong khi nhiều bạn diễn viên khác khá khó khăn để thích ứng với cuộc sống mới.
Sau đó tôi được mời đóng trong các phim cổ tích dành cho thiếu nhi. Vài năm trở lại đây, phim truyền hình sản xuất nhiều, nhờ những quan hệ cũ, tôi được mời đóng phim trở lại. Hiện tại, mỗi năm, tôi đóng tới hàng chục phim truyền hình.
- Nhiều diễn viên cùng thế hệ với anh đã từ bỏ sự nghiệp điện ảnh. Vì sao anh vẫn kiên trì theo đuổi?
- Tôi từng thử những công việc khác nhau ngoài diễn xuất. Có thời gian tôi bỏ mối quần áo may gia công rồi mua đi bán lại vài ngôi nhà nhỏ. Nhưng công việc đó không kéo dài được lâu vì tôi thấy bản tính nghệ sĩ không hợp với những toan tính kiểu con buôn. Cuối cùng, tôi quay trở lại với sở trường diễn xuất.
Hiện nay, nhu cầu sản xuất phim truyền hình nhiều. Ngoài thù lao, tôi còn có cơ hội gặp gỡ đồng nghiệp, bạn bè, học hỏi những diễn viên, đạo diễn trẻ về khả năng sáng tạo của họ.
- Anh nói sao về thù lao diễn xuất của diễn viên hiện nay?
- So với thời kỳ hoàng kim của dòng phim thị trường những năm 1990, thù lao làm phim hiện nay nhiều hơn, do mỗi diễn viên cùng lúc chạy được nhiều phim. Nhưng so với mặt bằng chung của xã hội, sau khi trừ đi các khoản chi phí như phục trang, phương tiện đi lại, sinh hoạt hàng ngày, số dư không được bao nhiêu.
Cách đây hơn 20 năm, thù lao của chúng tôi được tính bằng cây vàng. Khi đó, số lượng vai diễn không nhiều nhưng diễn viên có nhiều “của để dành” do giá cả thị trường thấp. Sau mỗi bộ phim, mỗi diễn viên có thể dư ra đến vài cây vàng.
- Hơn 20 năm theo đuổi nghiệp diễn, ngoài một vài vai diễn ấn tượng, tên tuổi anh chưa thật sự nổi bật. Anh nghĩ sao về điều này?
- Tôi vốn xuất thân từ sân khấu, được làm diễn viên điện ảnh đã là một cơ duyên lớn trong sự nghiệp diễn xuất. Ngay từ thời đóng chung với Lý Hùng, Lê Công Tuấn Anh, Việt Trinh…, tôi luôn nhận vai phản diện. Mỗi diễn viên phù hợp với từng dạng vai, có thể do dung mạo và hình thức, hay do diễn xuất của tôi không thích hợp với những vai kép đẹp. Thời chúng tôi, khán giả còn chưa phân biệt rõ đâu là nhân vật trong phim, đâu là diễn viên ngoài đời nên mỗi khi ra đường, tôi gặp phản ứng dữ dội lắm. Có lẽ vì bị khán giả ghét nhiều nên tôi chưa có cơ hội nổi danh trong hình ảnh kép đẹp của điện ảnh.
Thực ra, tôi không có tham vọng nổi đình nổi đám. Đối với người diễn viên, trong sự nghiệp diễn xuất, có một, hai vai diễn được khán giả ghi nhớ và khắc sâu là tôi vui rồi. Hiện nay, tôi thấy nhiều bạn trẻ vừa xuất hiện đã ngay lập tức nổi tiếng, sau đó cũng nhanh chóng chìm xuống. Tôi muốn nhiều năm sau, khi nhắc đến Công Hậu, khán giả vẫn nhớ đến tôi qua một vài vai diễn. Từ lâu, tôi không còn sống bằng hào quang quá khứ. Tôi luôn tâm niệm vừa làm vừa học để bắt kịp nhịp độ thời đại. Đó là lý do tôi đi học đạo diễn.
- Anh nói sao về việc đã tốt nghiệp đạo diễn hơn ba năm, số phim anh chỉ đạo sản xuất chỉ đếm trên đầu ngón tay?
- Thực ra tôi nhận được khá nhiều lời mời làm đạo diễn phim truyền hình, nhưng tôi dành tâm huyết nhiều hơn cho phim truyện nhựa, đặc biệt là đề tài lịch sử. Sau thành công của phim Con đường giác ngộ trong Liên hoan phim Vesak 2014, tôi có thêm quyết tâm đưa lịch sử Việt Nam đến gần hơn với khán giả. Hiện tôi đã nhận lời đạo diễn một phim truyện nhựa nói về cuộc đời vua Trần Nhân Tông. Phim chưa bấm máy vì tôi còn phải thực hiện công đoạn khảo sát bối cảnh, phục trang cũng như tính toán mọi khâu cho phù hợp với chi phí đầu tư của nhà sản xuất.
Trong khi chưa bắt tay làm phim điện ảnh, tôi nhận đạo diễn phim truyền hình để lấy ngắn nuôi dài. Sắp tới, tôi sẽ bấm máy hai phim truyền hình, một phim 40 tập và một phim ngắn 90 phút.
- Anh cân nhắc thế nào khi trên thực tế, đề tài lịch sử khá kén khán giả?
- Tôi đã nghiên cứu kỹ những lý do thành công của phim lịch sử nước ngoài và nguyên nhân thất bại của phim lịch sử trong nước. Vì vậy, tôi tự tin khi có thể dung hòa những yếu tố trên trong phim của mình.
Một điều khiến tôi khá bức xúc, đó là người Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ, thuộc làu sử Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… nhưng lại mù mờ kiến thức về lịch sử Việt Nam. Ngay chính các con tôi cũng vậy, chúng tiếp nhận lịch sử Việt Nam một cách khiên cưỡng, trong khi đất nước mình có rất nhiều câu chuyện, nhân vật lịch sử hay. Tôi có tham vọng, bằng kiến thức điện ảnh tích lũy trong nhiều năm, tôi sẽ đem đến cách tiếp cận mới cho khán giả Việt Nam đối với đề tài này.
- Theo anh, thế nào là một bộ phim lịch sử hấp dẫn?
- Có nhiều yếu tố để làm nên một bộ phim lịch sử hấp dẫn. Trước hết, phục trang, bối cảnh phải đẹp, các cảnh quay, góc quay phải thể hiện sự hoành tráng, hùng vĩ. Tất nhiên, khi đưa lịch sử vào phim, tôi phải có chút hư cấu, nếu áp đặt đúng những kiến thức trong sách giáo khoa, bộ phim hẳn sẽ rất khô khan.
Tôi đặc biệt chú ý đến mạch cảm xúc trong phim. Câu chuyện trong phim phải khiến khán giả xúc động thật sự. Ngoài ra, tôi cũng cố gắng lồng ghép tình huống hài hước đan xen với những khoảng lặng cảm xúc. Tôi tin, một bộ phim chạm đến cảm xúc khán giả sẽ thành công.
Châu Mỹ thực hiện