Bao giờ cho đến tháng mười phát hành năm 1984 được coi là một trong những phim kinh điển của điện ảnh cách mạng Việt Nam. Ngày 15/9/2008, CNN đánh giá đây là một trong 18 bộ phim châu Á xuất sắc mọi thời đại.
Phim nói về sự hy sinh cao cả của Duyên - một phụ nữ có chồng hy sinh ngoài chiến trường (diễn viên Lê Vân thủ vai). Cô giấu gia đình, làng xóm chuyện chồng đã mất để bố chồng già yếu khỏi suy sụp trước cái chết của hai con trai trên chiến trường. Đảm nhận vai liệt sĩ Nam - chồng Duyên - là diễn viên Đặng Việt Bảo (còn gọi là Đặng Lưu Việt Bảo). Chỉ xuất hiện thoáng qua trong vài phân đoạn nhưng gương mặt điển trai, khắc khổ cùng ánh mắt bất động của một người chết do anh thủ vai ám ảnh người xem. Những câu thoại của nhân vật này cũng là thông điệp chính của bộ phim: "Những người ngã xuống vì đất nước chỉ mong người sống được hạnh phúc".
Trước vai liệt sĩ Nam, Đặng Việt Bảo đã tham gia phim Tội lỗi cuối cùng, Anh và em... cùng nghệ sĩ Phương Thanh. Anh quen thuộc với khán giả màn ảnh rộng thập niên 1980 trong dạng vai bộ đội, công an, công nhân. Trong Bao giờ cho đến tháng mười, ban đầu nam diễn viên được giao vai thầy giáo Khang nhưng anh thích vai ít thoại, diễn bằng ánh mắt nhiều hơn của nhân vật Nam.
"Tôi quyết định làm cho mắt bất động để miêu tả sự bất lực của một người đã chết. Tôi cũng dặn Lê Vân chỉ đưa tay trước má tôi như đang chạm vào chứ không đặt hẳn tay lên má bởi hai người đang ở trong cảnh âm dương cách biệt", Đặng Việt Bảo nhớ lại.
Anh tâm sự rằng cảnh Duyên gặp Nam ở bến sông lên hình có vài giây nhưng êkíp phải dọn bờ sông mất cả buổi chiều vì khi nước rút, lòng sông lộ ra nhiều rác thải và mảnh sành, vỏ chai. Toàn bộ chi phí dọn dẹp, nam diễn viên dùng thù lao đóng phim của mình để trả chứ đoàn phim không cho phép phát sinh kinh phí. "Tôi muốn mỗi cảnh quay có mình đều phải hoàn hảo từ bối cảnh đến khung hình", anh nói.
Nhận ra tố chất đạo diễn của Đặng Việt Bảo, năm 1986 hãng phim truyện Việt Nam cử anh đi học đạo diễn bên Nga trong 10 năm. Trở về Việt Nam năm 1996 cũng là khi hạnh phúc riêng đổ vỡ. Nam diễn viên và vợ chia tay sau 10 năm "xa mặt cách lòng". Đặng Việt Bảo nuôi con trai lớn, con gái nhỏ ở với mẹ. Năm 2003, khi hai con sang Mỹ định cư với mẹ, đạo diễn chuyển từ Hà Nội vào Sài Gòn sinh sống. Anh thành công trong vai trò đạo diễn của nhiều phim gây tiếng vang như Chuyện làng Nhô, Ảo ảnh trắng, Cỏ đuôi gà, Thứ ba học trò, Gió nghịch mùa...
Hơn 20 năm sống đơn độc, diễn viên điển trai năm xưa tìm cách quên nỗi cô đơn bằng công việc và những thú vui dân dã. Thời gian đầu mới vào Sài Gòn, cứ cuối tuần, Việt Bảo lang thang các tỉnh miền Tây để tìm vui. Chính anh cũng không ngờ những chuyến đi bụi đó giúp anh có thêm trải nghiệm và kiến thức để làm một loạt phim về miền Tây sau này. Ngoài ra, để bản thân không có thời gian trống, Đặng Việt Bảo mua một mảnh đất rộng xa thành phố, nhờ nông dân quanh đó dạy mình cách chăn nuôi, trồng trọt. Ngoài thời gian trên phim trường, anh thường xuyên có mặt ở trang trại làm nông.
"Tôi nuôi nhiều chim bồ câu và ngỗng. Qua thời gian, chúng sinh sản nhiều. Tôi không dám ăn những con vật mình nuôi nên toàn đem cho. Nuôi mà không bán vì chỉ mong có việc làm để giết thời gian, khỏi phải đối diện với sự đơn độc", nghệ sĩ nói.
Việt Bảo tâm sự 10 năm học đạo diễn bên Nga khiến anh quyết tâm theo đuổi nghề đến cùng và không muốn bị xao nhãng vì bất cứ điều gi khác trong cuộc sống. Khoảng thời gian này cũng rèn cho anh nếp sống tự lập và khả năng tự chăm sóc bản thân nên không thấy hẫng hụt khi phải sống một mình.
Thêm một lý do khiến đạo diễn quyết định không tái hôn là vì ngại bắt đầu lại quy trình lấy vợ, sinh con mà không biết trước có bất trắc nào xảy ra với cuộc hôn nhân thứ hai. "Tôi chọn giải pháp yêu mà không cưới", anh cười.
Dành toàn bộ thời gian, công sức cho phim ảnh, Đặng Việt Bảo có nhiều trăn trở trước thực trạng làm phim hiện nay.
Ngoài chuyện cắt xén chi phí từ nhà sản xuất, đạo diễn thấy tiếc cho nhiều đề tài hay, nhiều tài năng diễn xuất bị bỏ ngỏ. Anh cho rằng sở dĩ phim truyền hình hiện nay không thu hút khán giả một phần do kỹ năng xử lý của đạo diễn. Trước hết, đạo diễn phải vững về lý luận, từng đóng phim, từng trải nhiều kinh nghiệm mới đủ lập luận để thuyết phục nhà sản xuất và diễn viên.
"Tôi nhiều lần thuyết phục nhà sản xuất chọn diễn viên theo ý mình. Chẳng hạn, họ chê cô diễn viên này không cân xứng với người đóng cặp rất cao to. Tôi nói lại rằng chính ngoại hình thấp bé của cô ấy mới là lợi thế. Khi họ hôn nhau, tôi sẽ cho cô ấy đứng trên bậc thềm. Khi họ cãi nhau, cô ta sẽ nhảy choi choi từ đất lên ghế... Làm vậy mới tạo hiệu ứng hình ảnh và nhà sản xuất đã đồng ý", đạo diễn chia sẻ.
Anh cũng nói về trường hợp của diễn viên Trương Minh Cường khi vào vai Thế Danh trong phim Gió nghịch mùa: "Ban đầu Cường chỉ là diễn viên đóng quảng cáo. Có lần cậu ấy xin bồi thường cho đoàn phim để bỏ vai vì phó đạo diễn khiến cậu ấy ức chế không diễn được. Nhưng khi làm việc với tôi, Cường rất thoải mái và tự tin diễn xuất. Sau Gió nghịch mùa, làm việc với đạo diễn khác, cậu ấy không bật lên được với vai nào nữa. Do vậy, vai trò của đạo diễn rất quan trọng với một bộ phim".
Với quan điểm như vậy, Đặng Lê Việt Bảo tạo cơ hội cho nhiều sinh viên, diễn viên điện ảnh mới ra trường có khả năng diễn xuất. Diễn viên Nguyệt Ánh chia sẻ: "Không học thầy Đặng Lưu Việt Bảo ngày nào nhưng tôi luôn coi đạo diễn là thầy. Trên phim trường, thầy không ngồi yên trước màn hình như một số đạo diễn khác mà vất vả thị phạm cho diễn viên. Nhiều phim tôi nhận lời tham gia cũng vì có thầy làm đạo diễn, dù dạng vai đó tôi đã lặp đi lặp lại nhiều năm".
Châu Mỹ