Đạo diễn Quang Bình (áo vàng) và đạo diễn người Singapore. |
- Cảm giác của anh khi đem phim ra mắt tại Pháp?
- Thú thật là hồi hộp và lo lắng lắm. Tôi tới các buổi chiếu Vũ khúc con cò để xem phản ứng của khán giả. Thường khi xem các phim khác, không khí trong rạp rất vui vẻ, nhưng với phim này, thấy mọi người ngồi im phăng phắc, tôi thấy khá lo. Căng thẳng nhất là khi hết phim, phần generic dài đến 5 phút, khán giả vẫn im lặng, không thấy ai nhấp nhổm đứng lên. Chỉ đến khi có tiếng vỗ tay, tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Một tờ báo về điện ảnh của Pháp nhận xét: "Phim không có sự hằn học về chiến tranh, đây là tác phẩm đáng xem và khi xem xong thì đáng để chúng ta suy nghĩ".
Một cảnh trong phim. |
Khi Vũ khúc con cò ra mắt tại LHP Paris, khán giả rất quan tâm tới bộ phim này và họ thường ở lại sau buổi chiếu để trao đổi với đoàn làm phim. Bởi trước đây, họ chỉ được xem những bộ phim về chiến tranh VN của Mỹ và các nước khác chứ chưa được xem phim do phía VN thực hiện. Tuy nhiên, hai ngày đầu chiếu ngoài rạp, mỗi ngày chỉ bán được 100 vé, bằng với lượng vé của phim Chicago, cũng đang phát hành tại đó. Có nhiều lý do khách quan như bệnh dịch SARS, rồi chiến tranh Iraq... Nhà phát hành gọi điện cho tôi: "Phim không tốt lắm, nếu cứ tình hình này thì sẽ không chiếu tiếp nữa". May mắn là 2 ngày tiếp sau, khán giả kéo đến kín rạp và họ dự kiến tiếp tục chiếu thêm tại 8 rạp ở Paris. Trước đây, phim VN chỉ có Chung cư, Những người thợ xẻ và Mùa ổi được phát hành chính thức tại Pháp.
- "Vũ khúc con cò" có thể gây tò mò với khán giả nước ngoài, nhưng nhiều khán giả VN nhận xét rằng phim rời rạc, lắp ghép quá nhiều với tư liệu..., anh nghĩ sao?
- Tôi mong muốn làm một bộ phim cho người nước ngoài xem để có thể hiểu và đồng cảm với tâm hồn VN. Thành ra có nhiều cảnh phải diễn giải cho người nước ngoài hiểu, nhưng đối với khán giả VN lại thành ngớ ngẩn. Ví dụ, đoạn đầu phim, tôi muốn kể một sự tích con cò nên thơ nhưng sau phải hủy bỏ, thay đổi bằng cảnh chiến tranh VN như thế nào, có bao nhiều người chết, bao nhiêu người thương vong để người nước ngoài có thể hình dung được toàn cảnh cuộc chiến khốc liệt. Nhiều trường đoạn muốn đẩy sâu thêm nhưng đành phải đưa theo dạng tư liệu.
Một cảnh trong phim "Vũ khúc con cò".
- Nhiều người không muốn thành lập hãng phim tư nhân vì phim làm ra ít khán giả lại còn chịu đủ loại thuế, sao anh lại dũng cảm tiên phong vậy?
- Hiện tại, mọi người lập hãng phim tư nhân vì tình yêu với nghệ thuật nhiều hơn là nghĩ tới lợi nhuận. Tất nhiên, trước mắt, tôi sẽ làm một số phim tài liệu nhỏ, phim quảng cáo để tồn tại, sau đó sẽ làm phim nhựa về tuổi trẻ, về cuộc sống và những gì gần gũi với tôi. Gồng mình để làm phim về chiến tranh như Vũ khúc con cò dường như là một điều quá sức. Có thể, tôi sẽ làm một bộ phim truyền hình dài tập cho Hãng phim truyền hình TP HCM. Xu hướng chung bây giờ của điện ảnh thế giới là đồng sản xuất. Các hãng phim tư nhân có thể cộng tác với hãng phim nhà nước, hoặc cộng tác với nhau cùng sản xuất.
Thu Hương thực hiện