Vị đại diễn tài ba này cho rằng nếu không dám thử nghiệm và sáng tạo thì sẽ không có được nghệ thuật chân chính.
- Công ty anh lần lượt đưa được Dàn nhạc giao hưởng Berliner Symphoniker trình diễn tại Hà Nội (năm 2012); Nhạc trưởng Maxim Fedotov và cặp song tấu Yuri Bashamet và Galina Petrova trình diễn những tuyệt phẩm cổ điển tại Hà Nội và TP HCM (năm 2013) và bây giờ là sự kiện nhà hát ballet Talarium Et Lux tới Hà Nội công diễn “Hồ thiên nga”. Vì sao anh lại lựa chọn tập trung vào phân khúc nghệ thuật cao cấp?
- Chúng tôi lựa chọn phân khúc nghệ thuật cổ điển vì cho rằng mình có cơ hội và tiềm năng với các dự án đó (nhân lực sản xuất, đối tượng khách hàng sẵn sàng đồng hành). Chúng tôi tránh theo trào lưu, đồng thời cũng không sa đà vào chuyện người ta đã làm thành công cái này thì mình phải đi ngược dòng cho khác biệt. Nếu không thông qua con đường ngoại giao, với mỗi dự án các đoàn quốc tế đến Việt Nam cần hai yếu tố. Thứ nhất, họ có lịch diễn tại Việt Nam vào thời điểm mong muốn, hai, có khách hàng tại Việt Nam yêu nghệ thuật và đồng hành về tài chính (đây là yếu tố thách thức và quyết định nhất với dự án dạng này), vì dù họ không đặt nặng vấn đề tài chính thì phần hậu cần, di chuyển cho những dự án tương tự là một con số rất lớn. Về nghệ thuật, chúng tôi rất vui khi có Bùi Công Duy- một nghệ sĩ uy tín của dòng nghệ thuật cổ điển tại Việt Nam đồng hành để tư vấn và lựa chọn những dự án nghệ thuật nên đầu tư.
-“Hồ thiên nga” biểu diễn tại Việt Nam kết hợp giữa nghệ thuật ballet với các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, hình ảnh minh hoạ không gian ba chiều… Nhưng khán giả toàn tòng của nghệ thuật cổ điển chưa chắc đã dễ chịu với kiểu “mix” ngôn ngữ giải trí hiện đại như vậy. Anh lý giải sao về sự sáng tạo này?
- Tôi phải nhắc lại quan điểm của mình, bản chất nguyên sơ nhất của nghệ thuật là vốn được sinh ra để phục vụ nhu cầu giải trí của con người. Việc mix các yếu tố mang tính công nghệ vào nếu có cũng để tăng tính giải trí, chứ không để làm bộ môn nghệ thuật đó bớt cao quý. Vì vậy, tôi cũng không ngại làm điều đó với nhạc cổ điển, và tôi cũng không có vấn đề gì các ý kiến trái chiều vì mỗi người có một quan điểm. Từ lâu các nhà hát lớn trên thế giới đã liên tục mang các vở opera kinh điển ra để thí nghiệm các công nghệ mới. Những Ring hay Magic Flute, Madama Butterfly... vài năm lại có một phiên bản thí nghiệm. Nên điều mà Talarium Et Lux đang làm với ballet không có gì là “khiếm nhã”. Vì họ đang đi theo xu hướng chung của thế giới, với mong muốn duy nhất là mang các bộ môn nghệ thuật hàn lâm trong đó có ballet tới lượng công chúng lớn nhất có thể.
- Các nghệ sĩ của Talarium Et Lux trình diễn Hồ thiên nga trên nền nhạc playback mà không có dàn nhạc, tại sao vậy?
- Với kinh nghiệm của một đạo diễn đồng thời là người làm kinh doanh, tôi cho rằng họ “cất” dàn nhạc đi với hai lý do. Đầu tiên, họ muốn cơ cấu của đoàn được tinh giản tối đa để có thể lưu diễn linh hoạt đến toàn thế giới (một trăm người khác hẳn với hai trăm người trong việc thương lượng các hợp đồng biểu diễn). Tiếp đó, với công nghệ biểu diễn họ đang đưa vào thì cái họ cần tập trung có lẽ là ballet, vì rõ ràng điều họ đang làm là một vở ballet mang hơi hương Contemporary Classic chứ không phải là một vở diễn nguyên bản. Nếu bạn định thưởng thức một vở ballet với những giá trị nguyên gốc từ phông màn sân khấu vẽ tay của các nghệ nhân, cho tới một dàn nhạc biên chế đầy đủ và các diễn viên theo phong cách kinh điển thì bạn sẽ thắc mắc. Nhưng nếu chúng ta muốn thưởng thức giá trị của ballet theo một cách mới thì bạn nên rộng lòng, vì rõ ràng không có bất kỳ quy định nào là phải làm như này mà không được làm thế khác trong nghệ thuật - cho dù đó là nghệ thuật cổ điển và điều quan trọng là thế giới họ làm những điều này thường xuyên từ lâu rồi.
- Một nhà sản xuất show và events uy tín có nói, lớp khán giả ưu tú ở Việt Nam đã có nhưng họ thật khó lường. Là đạo diễn đắt show cao cấp (kể cả chương trình nghệ thuật và thương mại), góc nhìn về “khán giả ưu tú” của anh thế nào?
- Tôi cho rằng một khán giả ưu tú trước hết phải là người được đi nhiều, xem nhiều, không chỉ xem nhiều thứ mà xem từng thứ với rất nhiều phiên bản khác nhau để có sự so sánh, giống như bạn thưởng thức rượu vang vậy, đa phần chúng ta đều “mê tín” các dòng rượu vang đến từ những vùng làm rượu lâu đời (old world) vì nó kinh điển, nhưng chẳng lẽ vì điều đó mà chúng ta phủ nhận những giá trị của những chai rượu ngon đến từ những vùng làm rượu mới, với những công nghệ mới (new world). Từ những điều giản dị như vậy bạn sẽ có trải nghiệm và thẩm mỹ tốt, để nhìn nghệ thuật bằng cái nhìn hiền hậu và cởi mở hơn, để hiểu rằng nếu không có hoặc không dám sáng tạo hay thử nghiệm, sẽ không có nghệ thuật.
Linh Hân