Trong bối cảnh kịch nói TP HCM phát triển khó khăn, sân khấu Hồng Hạc của Việt Linh chọn hoạt động theo yêu cầu của khán giả chứ không diễn định kỳ như trước. Đạo diễn kỳ cựu nói đây là cách chị duy trì điểm diễn. Thành lập từ 12/2015, Hồng Hạc ưu tiên các kịch bản đậm chất văn học như: Thiên Thiên (đạo diễn: Việt Linh, Phạm Hoàng Nam), Tro tàn rực rỡ (đạo diễn Lê Thụy), Giờ của Quỷ (đạo diễn Hồng Ánh)...
- Vì sao chị thay đổi cách hoạt động sân khấu của mình?
- Quyết định này mang tính tình thế. So với nhiều điểm diễn ở TP HCM, Hồng Hạc vẫn là sân khấu mới, lại chọn phong cách kén khán giả, diễn định kỳ không cân đối được thu chi. Chúng tôi quan niệm phương thức hoạt động nào cũng được, miễn nghệ sĩ được làm nghề nghiêm túc và sản phẩm có chất lượng. Hồng Hạc luôn tích cực đi tìm cơ hội đó. Lời mời của khách sạn The Myst (quận 1, TP HCM) hôm tháng 12 năm ngoái với vở Eugenie Grandet và Đại học Võ Trường Toản (Hậu Giang) với vở Tấm và hoàng hậu (lưu diễn ngoài trời vào ngày 11 và 12/1) mở ra triển vọng cho các sân khấu kịch nói chung, tạo nét tích cực cho các cơ sở kinh doanh, giáo dục cũng như khán giả địa phương.
- Nhiều sân khấu đóng cửa vì lỗ. Chị cầm cự thế nào?
- Tôi cố gắng giữ sân khấu dĩ nhiên vì đam mê, nhưng còn vì các bạn trẻ đồng nghiệp - những người tin tưởng và tìm thấy ở Hồng Hạc môi trường nghệ thuật nghiêm túc. Những mất mát tài chính cá nhân là có thật, thậm chí rất lớn, nhưng những thứ tôi nhận được cũng lớn, là niềm vui sáng tạo, là tình nghĩa, là trông thấy khán giả yêu Hồng Hạc ngày một đông hơn... Tôi sẽ rất tiếc nếu phải chia tay sân khấu này vì sức khỏe, gia cảnh.
Tôi vốn yêu sân khấu và có kiến thức căn bản trong chương trình học điện ảnh ở Nga. Khi sức khỏe không cho phép tiếp tục làm phim, tôi chuyển qua sân khấu như bước rẽ nhẹ nhàng, hợp lý. Làm sân khấu ít tốn tiền, tốn sức hơn điện ảnh. Tôi tiếp tục được sáng tác, vẫn thấy mình còn hữu ích cho xã hội. Về học thuật, sân khấu và điện ảnh có nhiều nét tương đồng, nên tôi không gặp nhiều trở ngại, thậm chí hứng thú được thử sức trong những vận hành, quan hệ mới.
- Gia đình, đồng nghiệp đồng cảm thế nào với công việc của chị?
- Gia đình thì... thôi rồi Họ thích thú và khổ sở vì "cơn mê" sân khấu của tôi. Tôi thấy thật may mắn khi có họ bên cạnh. Đồng nghiệp, dù chỉ gặp nhau qua mỗi chương trình, ai cộng tác với Hồng Hạc cũng làm việc với trách nhiệm cao nhất - không phải do thù lao mà vì sự quyến rũ của dự án. Cũng có vài quan hệ khúc khuỷu, nhưng nói chung ấm áp, hào hứng. Tôi cảm ơn và yêu quý tập thể này, chỉ tiếc không đủ khả năng hoạt động đều hơn.
Sự tồn tại của Hồng Hạc không thể không nhắc tới những mạnh thường quân vô vụ lợi. Bằng tình yêu nghệ thuật và sự chia sẻ khó khăn của êkíp, họ đã cách này, cách khác giúp sân khấu mà không đòi hỏi gì. Anh em chúng tôi biết ơn họ, nhất là những người đã giúp mình trong giai đoạn khai sinh.
- Theo chị, đâu là nguyên nhân của hiện trạng sân khấu ảm đạm?
- Có nhiều lý do: khuynh hướng giải trí của khán giả thay đổi, con người chật vật, bận bịu sinh kế, quỹ thời gian dành cho nghệ thuật quá ít, cả sự xao lãng chất lượng của chính nghệ sĩ. Nhưng khiếm khuyết sâu xa hơn có lẽ do giáo dục Việt Nam không chú ý hướng trẻ em tiếp cận sân khấu kịch như các nước phát triển. Chính tôi có rất nhiều người quen trí thức, kinh tế khá giả nhưng không thích hoặc không thấy cần xem kịch. Thế hệ nối tiếp thế hệ, sân khấu èo uột là dĩ nhiên.
- Tâm lý xã hội tác động gì đến quan điểm nghệ thuật của chị?
- Chúng tôi rất cần khán giả nhưng không chủ trương "ăn khách" bằng mọi giá, chỉ thỏa hiệp một số thay đổi. Thay đổi rõ nhất là chính sách lưu diễn. Khi lưu diễn, chúng tôi phải chấp nhận hao phai vài hiệu ứng, còn lại vẫn là cách diễn tự nhiên, chân thực. Tôi vẫn bảo lưu quan điểm làm kịch sân khấu mang chất văn học, kịch điện ảnh
- Chị nói gì với diễn viên - những người cũng đang chật vật để trụ lại với nghề?
- Trở thành diễn viên là tổng hợp của năng khiếu, kiến thức và tôi luyện, theo đó năng khiếu và tôi luyện quan trọng hơn. Học sinh ra trường đông nhưng diễn viên giỏi không nhiều lắm. Giỏi ở đây là sức diễn có nội lực chứ không phải thuần thục. Rất tiếc các bạn trẻ tài năng thật sự không thoát khỏi sự quay cuồng sinh kế của xã hội. Để làm nghề nghiêm túc, họ phải cố gắng xoay xở, chấp nhận thiệt hại vật chất. Họ rất cần sự động viên, ghi nhận của công chúng, cụ thể là khán giả mua vé xem kịch.
- Điều gì thôi thúc chị giữ nhiệt huyết với nghệ thuật?
- Chệch ra khỏi truyền thống gia đình, tôi vốn yêu thích nghệ thuật từ nhỏ nhưng chưa xác định lĩnh vực cụ thể. Gặp lại cha trong chiến khu lúc ông làm biên kịch cho xưởng phim Giải phóng, cô nữ sinh 17 tuổi có dịp làm quen điện ảnh và yêu thích nó. Giới tính theo tôi không giữ vai trò quá lớn trong sáng tác điện ảnh, đặc biệt thời đại kỹ thuật số. Cá tính nghệ thuật quyết định sản phẩm. Điện ảnh không chỉ đồng nghĩa với quy mô, hoành tráng, mà đòi hỏi sự sâu sắc, tinh tế. Phụ nữ sẽ biết chọn cái phù hợp, như biết hoàn tất bữa ăn ngon trong điều kiện hạn chế. Khó nhất với đạo diễn nữ có lẽ là sự phân bố thời gian cho đời sống gia đình, bởi họ không đủ ích kỷ để quên thiên chức.
Mỗi người có một cách nghỉ ngơi, hưởng thụ cuộc sống riêng. Với tôi, hưởng thụ cuộc đời cao nhất là được xả thân với công việc mình yêu thích. Xung quanh ta biết bao người như thế và tôi thấy họ hạnh phúc. Tôi sẽ duy trì sân khấu ổn định và tìm êkíp kế thừa. Nếu tìm được đầu tư, tôi quay lại điện ảnh cùng con gái - có bằng thạc sĩ kinh tế nhưng chuyển sang học đạo diễn điện ảnh và mới tốt nghiệp cách đây nửa năm. Tôi vẫn còn chờ bộ phim sau cuối, mang nhiều ý nghĩa của mình.
Kha Miên