Anh Lê Tuấn Nghĩa - con trai cố nghệ sĩ - cho biết cha anh bị ho, khó thở từ ngày 5/8, sau đó xét nghiệm cho kết quả dương tính với nCoV. Tối 9/8, ông thở khó nhọc, được gia đình đưa vào bệnh viện Chợ Rẫy nhưng trở nặng rồi mất. Gia đình đạo diễn đang hoàn tất thủ tục hỏa thiêu. Anh Tuấn Nghĩa nói mẹ (70 tuổi) cùng em gái (42 tuổi) của anh hiện đều mắc Covid-19.
Nghệ sĩ Trịnh Kim Chi - học trò cố đạo diễn - bàng hoàng bởi trước đó một ngày, chị nghe người nhà báo tin ông đã tỉnh táo hơn. Trong ký ức của chị, đạo diễn tận tâm, hết lòng với học trò. Hồi đầu năm, khi sân khấu chị lưu diễn vở Rặng trâm bầu ở một số quận huyện, đến điểm diễn gần nhà ông ở quận 8, đạo diễn nhờ người dìu đi xem tác phẩm. Ông còn vào hậu trường tặng hoa, khuyên chị ráng bám trụ với kịch nói. Mỗi lần nghe tin chị mở lớp, ông nói: "Đợi khi nào thầy khỏe sẽ qua 'chỉ cho vài chiêu'". Chị nói: "Dù không trực tiếp học ông ở trường Sân khấu Điện ảnh, tôi vẫn được thầy hướng dẫn, dựng nhiều vở, từ đó làm bệ phóng cho tôi bước vào nghề".
Đạo diễn Lê Văn Tĩnh sinh năm 1935, là thầy của nhiều thế hệ diễn viên kịch như Hồng Vân, Minh Nhí, Mỹ Uyên... Ông có hơn 65 năm kinh nghiệm dạy học, dàn dựng, sáng tác kịch bản cho kịch, phim truyền hình. Thời trẻ, ông từng tham gia kháng chiến Pháp. Năm 1944, ông đã theo cha vào chiến khu. Ông tập kết ra Bắc năm 17 tuổi, được phân công về Đoàn Văn công Khu 5, sau đó ra nước ngoài tu nghiệp sáu năm về ngành đạo diễn. Khi về nước, ông làm công tác quản lý nhiều đoàn văn nghệ như Bông Hồng, Phước Chung...
Năm 1979, đạo diễn về dạy tại trường Nghệ thuật Sân khấu 2 (nay là Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP HCM). Ông dựng hàng trăm vở kịch, cải lương như: Quẫn, Hôn lễ đảo chìm, Người con gái Sài Gòn, Lý Ngư vọng nguyệt, Di hận chiến tranh, Cái bóng... Vở cải lương Bản tình ca quê mẹ - do ông dàn dựng - từng đoạt huy chương vàng Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 1995. Cuối đời, ông vẫn ấp ủ kịch bản Nam mô a di đà, hãy sống nhé con, mẹ đợi - lên án nạn bắt cóc trẻ em.
Tam Kỳ