- Cảm hứng nào thúc đẩy anh chuyển thể tác phẩm danh tiếng "A Gentle Creature" của nhà văn Nga Fyodor Dostoyevsky thành bộ phim Dịu dàng?
- Tôi muốn làm một phim về miền Tây Nam Bộ, có thể mô tả chân thực cuộc sống ở đó. Khi đọc truyện ngắn A Gentle Creature, tôi bị cuốn hút bởi thuật miêu tả tâm lý nhân vật xuất sắc của Dostoyevsky. Hoàn cảnh xã hội và tâm lý chung của nước Nga thế kỷ 19 trong truyện khiến tôi không thể ngưng nghĩ đến Đồng bằng sông Cửu Long, về điều kiện kinh tế, xã hội, chính trị. Tôi nảy ra ý định tạo bối cảnh theo phong cách nghệ thuật Gothic tại Đồng bằng sông Cửu Long Việt Nam thời hiện đại. Nhưng lúc ấy tôi chưa thực đủ tự tin để đưa một tác phẩm như thế vào phim, nên cứ day dứt không biết mình chuyển nó thành phim thế nào, thậm chí có nên không.
Khi chuyển qua những dự án khác, tự đưa mình vào những công việc ít phức tạp hơn thì tôi lại cảm thấy tội lỗi, có lẽ tôi chưa cố gắng hết sức. Tôi càng khó tập trung vào những dự án kia hơn và mong muốn đưa những nhân vật trong truyện đi vượt thời gian và không gian.
- Phim "Dịu dàng" của anh khác những phiên bản châu Âu từng được chuyển thể như thế nào, như "Une Femme Douce" (1969) của Robert Bresson?
- Trước khi làm phim, tôi cũng có xem qua Une Femme Douce nhưng xem sơ sơ vì không muốn bị ảnh hưởng nhiều. Tôi giữ cốt truyện trong phim mới sát với những gì Dostoyevsky mô tả hơn những bản chuyển thể trước của các nhà làm phim thế giới. Tôi đảm bảo mình đã bao quát nhiều chi tiết từ truyện gốc của nhà văn hơn một số đạo diễn trước.
- Anh làm thế nào để chuyển hóa một câu chuyện rất Nga thành bộ phim mang hồn Việt?
- Việc này không quá khó bởi lúc đọc truyện tôi đã hình dung ngay được hình ảnh con người và bối cảnh văn hóa Tây Nam Bộ. Câu chuyện này lại hợp một cách đáng ngạc nhiên với những kinh nghiệm tôi có được sau thời gian sống và làm việc ở miền Tây. Để phù hợp với bối cảnh bản địa, tôi cho nhân vật nam chính là người theo đạo, học giáo lý Thiên Chúa nhưng lại bỏ đạo để về làm nghề cầm đồ. Truyện gốc nhân vật này có quá khứ là lính.
Điều khó nhất với tôi là viết thoại sao cho thật. Tôi lo và gắng làm một phim về sự mất giao tiếp, sự im lặng trong một mối quan hệ tình yêu, vợ chồng. Tôi không muốn câu chuyện mang màu bạo lực vì như thế bộ phim sẽ rất khó làm.
- Anh có mua bản quyền chuyển thể truyện gốc của Dostoyesky?
- Không, vì truyện gốc là câu chuyện "công cộng", tôi không cần mua bản quyền. Tuy nhiên, tôi luôn chắc chắn bản thân tôn trọng văn gốc cũng như có những vinh danh, công nhận đúng đắn.
- Anh nghĩ bản thân mình hiểu ý đồ của nhà văn Dostoyesky tới mức độ nào trong câu chuyện này?
- Chúng ta không bao giờ dám nói bản thân hiểu một nhà văn hoàn toàn. Văn kinh điển chính là như thế, mỗi người một cách nhìn, một cách diễn giải. Đây chỉ là diễn giải của tôi về Dostoyesky, không có đúng hay sai. Ở câu chuyện này, tôi cho rằng bản chất là sự tự mâu thuẫn của con người - điều không dễ nhận ra. Sự tự mâu thuẫn trong mỗi người rất tự nhiên và nếu ta không hiểu được thì cuộc sống của ta không bao giờ bình yên hết.
- Tại sao anh chọn Dustin Nguyễn và Thanh Tú vào hai vai diễn trong phim?
- Dustin được chọn bởi vì anh ấy có phong cách diễn xuất điện ảnh mà tôi ưng và ngay từ đầu tôi đã biết anh ấy sẽ hợp với nhân vật này - người chồng cầm đồ hà khắc. Tôi đã xem nhiều phim anh ấy đóng. Ở trên trường quay, Dustin có nhiều kinh nghiệm nên rất biết diễn theo máy quay.
Còn Thanh Tú là một lựa chọn rất may mắn. Hồi tuyển diễn viên, nhân vật nữ của phim rất khó tuyển. Tôi tìm nhiều mà chưa được nên cũng gặp áp lực. Rồi hôm Kiều Trinh đến thử vai cho nhân vật người dì trong phim, cô ấy mang theo cả con gái, chính là Thanh Tú. Nhìn thấy Thanh Tú, tôi liền hỏi ngay đó là ai rồi đề nghị diễn thử. Tú là một lựa chọn rõ ràng bởi tôi thấy chất tự nhiên ở cô ấy hợp thật sự với tính cách nhân vật nữ chính. Tôi cần một nữ diễn viên có thể truyền tải được cảm xúc của người miền Tây.
- Tương tác màn ảnh của Dustin Nguyễn và Thanh Tú trong "Dịu dàng" rất có xúc tác và gây ngạc nhiên. Trước đây, diễn xuất của Ngô Thanh Vân và Trần Bảo Sơn trong "Ngôi nhà trong hẻm" cũng được đánh giá cao. Anh có thể chia sẻ kinh nghiệm làm việc với diễn viên để có diễn xuất tốt như vậy trên trường quay?
- Tôi thường để diễn viên nắm bắt nhân vật của họ. Chúng tôi làm việc với nhau sao cho cả đạo diễn và diễn viên đều hiểu nhân vật. Điều này giúp họ truyền tải cảm xúc một cách tự do và thành thật. Quá trình làm việc với diễn viên là quá trình mang tính hợp tác mà tôi thấy rất thoải mái và điều đó đã cho kết quả tốt trên hình.
- Từ phim đầu tay "Bụi đời", "Ngôi nhà trong hẻm", "Bẫy cấp 3", giờ là "Dịu dàng", dường như anh không có thể loại thống nhất. Cá tính làm phim mà anh đang hướng tới là gì?
- Mỗi phim là một thử thách với chính bản thân tôi. Tôi không nghĩ sẽ làm phim nào hai lần. Tôi luôn tìm cách học hỏi và trưởng thành qua mỗi phim.
- Không ít ý kiến chỉ trích anh cường điệu hóa chi tiết trong phim đến mức khó tin, như "Ngôi nhà trong hẻm" có chi tiết đặt quan tài trẻ nhỏ trong nhà. Anh nghĩ sao nếu bị khán giả chỉ trích với những cảnh mạnh tay như vậy?
- Tôi nghĩ phim tốt cần phải làm khán giả thấy bị động chạm, khiến họ tò mò và tìm hiểu nguyên nhân vì sao nhân vật lại làm thế. Đó là lý do chúng ta đi xem phim bởi một phần của phim ảnh là xem những gì phấn khích mà không phải lúc nào cũng có ngoài đời.
- Phim "Bẫy cấp 3" và "Rừng xác sống" của anh đều bị cấm chiếu ở Việt Nam vì không phù hợp. Anh rút ra kinh nghiệm gì để qua cửa kiểm duyệt nước nhà?
- Không phim nào giống phim nào và với mỗi phim tôi đều cố tập trung để thích nghi với kiểm duyệt, nhằm mang đến sản phẩm tốt nhất cho khán giả.
- Được gọi là đạo diễn phim kinh dị nhưng trông anh khá lành. Điều gì khiến anh kể được những câu chuyện rùng rợn vậy?
- Vẻ bề ngoài biết nói dối! Trên thế giới có những đạo diễn ngoài đời rất sợ các sinh vật gớm ghiếc nhưng lại làm phim hay. Tôi biết đạo diễn kinh dị gốc Malaysia James Wan (Saw, Ám ảnh kinh hoàng) rất sợ nhện.
Thực ra, tôi là người tò mò, luôn muốn học những thứ mình không hiểu. Với mọi phim dù là kinh dị hay tình cảm hay hài, tôi cũng tò mò và muốn biết thêm về nó.
Vũ Văn Việt thực hiện