- Anh chuẩn bị ra sao cho phim "Cuộc đời của Yến" kể về người phụ nữ nông thôn nửa thế kỷ trước?
- Tôi nói chuyện nhiều với ông bà, bố mẹ về cuộc sống thời đó. Nhờ đó, không khí ngày ấy ngấm dần vào tôi. Sự chuẩn bị lớn nhất của tôi là không ngừng nghĩ về phim của mình trong một năm rưỡi. Do sinh ra ở thành phố, tôi có cảm xúc rất mạnh mỗi khi về những vùng thôn quê hay miền núi Tây Bắc. Những cảm xúc đó dẫn dắt tôi đến với tinh thần của những người dân nơi ấy.
Tôi cũng cùng êkíp nghiên cứu sách, truyện, phim và mạng internet. Trong vài tháng cùng nhau đi chọn bối cảnh ở làng quê, chúng tôi tranh luận và tìm ra cách thể hiện tinh thần thôn quê Bắc bộ những năm giữa thế kỷ 20 trên phim.
- "Cuộc đời của Yến" bội thu nhất tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 19, có cả giải "Bông Sen Bạc cho phim truyện điện ảnh". Anh nói sao nếu nói thành tích này một phần do anh được ưu ái vì là con trai của Cục trưởng Cục Điện ảnh - Ngô Phương Lan?
- Tôi nghĩ mọi người nên dành thời gian đi xem phim nhiều ở rạp. Đây không phải là phim giải trí. Tôi mong khán giả vào xem với thời gian và tâm trạng thật thoải mái, để đồng cảm được với nhân vật. Nhân vật của tôi không bao giờ bế tắc. Dù có nghèo khổ, bị đối xử bất công đến đâu, họ vẫn có mục đích sống. Tôi muốn nhấn mạnh sự hy sinh, vươn lên và nỗi khát khao được yêu thương của người phụ nữ.
- Anh nói gì trước các nhận định rằng phim mang chất văn học và không có tính điện ảnh cao?
- Đó là chuyện bình thường. Điện ảnh là nghệ thuật tổng hợp và phổ biến nhất. Ai cũng có quan niệm điện ảnh riêng. Bộ phim nhận được sự quan tâm là điều tôi vui nhất.
- Anh tính đến những yếu tố nào trong sáng tạo để cân bằng về doanh thu cho tác phẩm nhà nước đầu tư này?
- Nhà nước đầu tư làm phim nhưng không kinh doanh. Mục đích lớn nhất là tác phẩm đến được với nhiều khán giả. Điều đó phụ thuộc vào nhiều yếu tố: cách kể chuyện, âm nhạc, âm thanh, hình ảnh và diễn viên của phim. Làm khâu nào tôi cũng tự hỏi khán giả có thích thế này không.
- Anh có trách nhiệm thế nào khi làm các phim được rót vốn từ Nhà nước?
- Tôi cố hết sức đưa phim của mình đến với nhiều khán giả. Hồi tôi làm Và anh sẽ trở lại năm 2013 - một bộ phim về đề tài miền núi, tôi không chỉ đưa nó đến với những khán giả trong nước mà còn tới nhiều khán giả nước ngoài. Một nhạc sĩ người Australia sau khi xem phim đã viết thư cho tôi và ngỏ lời hợp tác trong những dự án mới. Với Cuộc đời của Yến, tôi đang hết mình như vậy.
- Anh nghĩ gì khi công chúng chê phim nhà nước đặt hàng nặng tính tuyên truyền và không tốt chuyên môn?
- Tôi thực sự buồn. Tôi đồng ý có những phim chưa tốt về chuyên môn nhưng có những phim rất xúc động và được làm kỳ công. Điểm yếu lớn nhất của các hãng phim Nhà nước là quảng bá và truyền thông. Điều đó khiến nhiều người không có cái nhìn đúng về các phim và chê theo hiệu ứng số đông.
Trong liên hoan phim vừa qua, nhiều khán giả miền Nam khá bất ngờ khi xem các bộ phim Nhà nước. Nhiều người nói với tôi họ không nghĩ phim lại tốt và cũng dễ xem như vậy. Hy vọng trong tương lai, bài toán phát hành cho phim Nhà nước tìm được lời giải hay nhất.
- Gắn bó qua các dự án được Nhà nước đầu tư, anh thấy dòng phim đã thiết thực đến đâu?
- Phim Nhà nước thường làm về những đề tài mà phim tư nhân hay tránh bởi gặp sức ép doanh thu như lịch sử, cách mạng, nông thôn và cả dân tộc miền núi, biển đảo... Bạn cứ thử tưởng tượng một nền điện ảnh không có những đề tài đó thì sẽ như thế nào.
Đối với khán giả vùng sâu vùng xa hay ở các tỉnh thành, những bộ phim được chiếu miễn phí hoặc với giá vé "vừa túi tiền" là những món ăn tinh thần không thể thiếu. Ở khía cạnh này, những bộ phim Nhà nước gần như rất quen thuộc với họ. Việc bộ phim được phát hành, ra rạp chỉ là một "nhiệm vụ" nhỏ.
Lấy ví dụ bộ phim Và anh sẽ trở lại của tôi. Nhiệm vụ lớn nhất của phim là phục vụ được những đồng bào dân tộc còn nghèo khó. Tôi sẽ không bao giờ quên những đêm đi cùng đoàn chiếu bóng lưu động, được bà con hồ hởi đón tiếp rồi cùng xem phim với họ trên một màn chiếu ngoài trời. Gió lạnh thấu nhưng những bếp lửa xung quanh cùng những tiếng cười của họ đã cho tôi hiểu ý nghĩa của việc mình đang làm.
Vũ Văn Việt