- Anh giải thích sao về phim "Cô gái đến từ hôm qua" lấy bối cảnh năm 1997 nhưng trang phục và nhiều cảnh phim quá hiện đại?
- Tôi nghĩ có lẽ nhiều người tưởng tượng năm 1997 là xưa lắm, nhưng thật ra cũng chỉ gần đây thôi. Truyện gốc xuất bản năm 1988, nhưng khi lên phim tôi để các nhân vật học lớp 12 vào năm 1997 - cùng tuổi với tôi. Phần phục trang được lấy từ hình ảnh trên các trang báo tuổi học trò nổi tiếng nên tôi tin chúng hợp với mốc thời gian.
Về mặt hình ảnh, tôi xác định không làm một phim hoài niệm dĩ vãng, mà muốn tạo cảm giác như câu chuyện đang xảy ra. Có lẽ mọi người trông chờ một phim diễn ra cách đây 20 năm phải có lớp màu bạc, nhưng Cô gái đến từ hôm qua dùng màu hiện đại. Chiếc lá của năm 1997 và 2017 thì đều có màu xanh như nhau thôi.
* Tình yêu tuổi học trò trong "Cô gái đến từ hôm qua"
- Phim còn bị chê vì có các cảnh vay mượn phim Mỹ. Anh nói sao?
- Việc làm giống phim Mỹ ở một số cảnh không phải đạo nhái mà là ý đồ của tôi. Thế giới tưởng tượng của nhân vật Thư trong phim là phương tiện để lồng vào những cảnh "tribute" (tri ân) - thủ pháp quen thuộc trong điện ảnh - cho các phim học trò nổi tiếng. Về chuyện này, tôi muốn mượn ý của đạo diễn nổi tiếng Quentin Tarantino: "Ai yêu thích tôi thì xem đó là tri ân, ai ghét thì cho đó là đạo nhái".
- Vì sao anh không đổi êkíp diễn viên mà vẫn chọn lại Miu Lê, Ngô Kiến Huy - hai gương mặt từng đóng phim anh trước đó?
- Tôi tin vai diễn của cả hai mang màu sắc mới so với Em là bà nội của anh hay các phim trước. Lúc đầu, tôi cố tìm các diễn viên đúng lứa tuổi học trò, nhưng họ chưa đáp ứng được yêu cầu diễn xuất. Vì vậy, tôi quay lại với Ngô Kiến Huy và Miu Lê. Tôi tin khả năng chuyên môn của họ át được ngoại hình quá tuổi. Trên trường quay, cách trang điểm, phục trang cũng giúp hai diễn viên "ăn gian tuổi". Ngoài ra, tôi để các nhân vật hơi mập một chút để tạo cảm giác trẻ hơn.
Việc diễn viên lớn tuổi đóng vai học sinh là bình thường ở dòng phim học đường Hollywood hay phim 3 Idiots của Ấn Độ. Vấn đề chủ yếu vẫn là diễn xuất và câu chuyện. Nếu khán giả bị thuyết phục, họ sẽ tin vào nhân vật.
- Cơ duyên nào khiến anh chuyển thể "Cô gái đến từ hôm qua" - truyện của Nguyễn Nhật Ánh?
- Sau Em là bà nội của anh, tôi phát triển một phim về truyền hình thực tế, nhưng dừng lại bởi thấy câu chuyện có nội dung hơi tiêu cực. Lúc này, đơn vị sản xuất mời tôi chuyển thể Cô gái đến từ hôm qua. Dựa trên khảo sát, đây là một trong hai truyện của Nguyễn Nhật Ánh được nhiều người muốn làm phim nhất (sau Mắt biếc).
Thật ra, tôi thích làm truyện Thằng quỷ nhỏ hơn. Tuy nhiên, Cô gái đến từ hôm qua khiến tôi bồi hồi liên tưởng đến thời học sinh của mình. Đây cũng là một trong những tác phẩm hiếm hoi của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh có kết thúc có hậu nên cuối cùng tôi nhận lời.
Tôi không đặt nặng việc làm phim từ kịch bản gốc hay chuyển thể. Câu chuyện là nguyên liệu để tạo ra một tác phẩm điện ảnh và có thể được dẫn đến từ bất kỳ đâu. Sự sáng tạo của đạo diễn sẽ thể hiện trong cách kể. Tôi có ba dự án đang rất muốn thực hiện và đều dựa trên câu chuyện có sẵn.
* Vũ Cát Tường hát nhạc phim
- Anh gặp khó khăn gì khi chuyển thể tác phẩm văn học nổi tiếng?
- Về mặt cá nhân, tôi rất thích cuốn này nên không muốn làm hỏng nó (cười). Về chuyên môn, truyện Nguyễn Nhật Ánh nhẹ nhàng, văn phong hay, nhưng không có nhiều kịch tính cần thiết cho một tác phẩm điện ảnh. Tôi phải thêm vào nhiều tình huống để phim có cao trào, nếu không khán giả sẽ chán. Nhà văn xác định rõ truyện và phim tách biệt nhau nên để cho tôi tự do sáng tạo. Có những lúc tôi lưỡng lự, anh bảo tôi cứ tự tin làm theo ý mình.
Chuyện tình của lớp trưởng Chiêu Minh và thầy giáo Lực được tôi sáng tạo để thêm thắt cho câu chuyện. Quyết định này được tôi cân nhắc nhiều lần trước khi thực hiện. Tôi muốn phim không chỉ nói về vẻ đẹp tuổi thanh xuân, mà còn phải gợi cảm giác rằng thời tươi đẹp đó sắp qua, thể hiện qua những đổ vỡ đầu đời.
- "Em là bà nội của anh" - tác phẩm của anh năm 2015 - đạt doanh thu 100 tỷ đồng. Điều này gây áp lực gì cho anh ở phim mới?
- Từ đầu, tôi nói với nhà sản xuất rằng phim này không phải dạng "bom tấn" mà là một phim nhẹ nhàng. Khi làm, tôi không đặt kỳ vọng gì về mặt thương mại vì doanh thu phim ở Việt Nam đôi khi còn do may rủi. Nhiệm vụ của tôi là tạo ra một tác phẩm khơi gợi được cảm xúc của khán giả, còn gánh nặng tiền bạc có lẽ đơn vị đầu tư sẽ quan tâm hơn. Nhưng ít nhất, tôi mong phim hòa vốn, vì nếu lỗ thì khó thực hiện dự án tiếp theo (cười).
Cô gái đến từ hôm qua là một trong hai phim Việt cạnh tranh với 21 phim ngoại trong tháng 7. Đây là cuộc chiến không cân sức bởi chi phí nhập phim ngoại rẻ hơn nhiều so với sản xuất phim Việt nên dễ hòa vốn hơn. Nước ta cũng chưa có các chính sách bảo trợ phim nội như các quốc gia khác, ví dụ như Trung Quốc có hạn ngạch chỉ 34 phim Hollywood được chiếu. Đây là thiệt thòi lớn cho nhà làm phim Việt Nam.
Ân Nguyễn thực hiện