- Sau ba năm định cư ở nước ngoài, anh vừa tái xuất trong nước với chương trình Tài - Tiếu - Tuyệt. Nhiều nghệ sĩ Việt tìm mọi cách để được đi lưu diễn nước ngoài, vì sao anh lại trở về biểu diễn tại Việt Nam?
- Có nhiều lý do để các nghệ sĩ trong nước muốn đi lưu diễn. Có người chưa ra khỏi biên giới Việt Nam nên muốn ra ngoài cho biết, có người muốn ra nước ngoài lấy oai và chút danh phận để dễ dàng về nước biểu diễn. Riêng tôi và một số nghệ sĩ hải ngoại khác luôn mong muốn được làm nghệ thuật trên chính quê hương mình. Gu thưởng thức của khán giả hải ngoại rất khác. Họ thiên về những sản phẩm "mì ăn liền", có tính giải trí cao. Khán giả trong nước đòi hỏi cao hơn thế. Cho nên, làm nghệ thuật ở Việt Nam tôi được mặc sức sáng tạo với đam mê của mình.
Trước khi về, tôi cũng do dự lắm. Trong ba năm tôi vắng mặt, có quá nhiều nghệ sĩ hài xuất hiện, tôi phân vân không biết khán giả quê nhà còn yêu quý mình không. Sau lần tái ngộ đầu tiên, thấy khán giả vẫn dành tình cảm cho mình, tôi quyết định trở lại. Hơn một năm qua, tôi chỉ về Mỹ ba tháng. Hiện tại, các con tôi đã lớn, vợ tôi cũng đã quen với môi trường sống mới. Thời gian này, tôi có điều kiện hơn để chuyên tâm hoạt động nghệ thuật. Phần lớn thời gian tôi ở Việt Nam để biểu diễn phục vụ bà con. Về lâu dài, tôi muốn gắn bó với khán giả quê hương.
- Thù lao diễn hài trong nước ảnh hưởng thế nào đến quyết định trở về của anh?
- Thù lao một suất diễn ở Việt Nam chỉ bằng một nửa so với diễn ở hải ngoại nhưng tần suất lại nhiều hơn. Thành ra đêm nào tôi cũng được đứng trên sân khấu. Trong nghề này, phải diễn thường xuyên, người nghệ sĩ mới có cơ hội trau dồi khả năng, nắm bắt xu hướng và thị hiếu khán giả để bổ sung khả năng diễn xuất.
Ở nước ngoài, tôi diễn nhiều lắm chỉ hai suất một tuần. Những ngày còn lại trong tuần tôi lang thang cà phê cùng bạn bè mà không có cơ hội trau dồi bản thân. Bên đó, tôi có rất nhiều thời gian dành cho gia đình trong khi đi diễn ở Việt Nam, cả năm, may ra tôi ăn với vợ con được vài ba bữa cơm. Được đứng trên sân khấu hàng đêm, giao lưu cùng khán giả, thỏa sức tung các mảng miếng gây cười cùng đồng nghiệp mới là lý do chính khiến tôi trở lại.
- Một số nghệ sĩ trở về bằng cách xuất hiện liên tiếp trong các gameshow truyền hình. Anh nói sao về trường hợp của mình?
- Khi trở về, tôi cũng nhận được nhiều lời mời tham gia làm giám khảo, đạo diễn nhiều chương trình truyền hình nhưng tôi từ chối. Ngoài diễn hài và viết kịch bản, tôi không thực sự tự tin với những công việc khác. Tôi từng đạo diễn nhiều tiểu phẩm hài cho anh em, bạn bè nhưng không khi nào tôi để tên mình trong mục đạo diễn. Tôi muốn khán giả luôn nhớ đến mình với tư cách là diễn viên hài.
- Anh nghĩ sao nếu nói thế hệ của anh đã lỗi thời so với thị hiếu thưởng thức nghệ thuật của khán giả hiện nay?
- Tôi không bao giờ tự cho rằng mình đã lỗi thời, dù so với thế hệ chúng tôi, kịch bản hài hiện nay chạy theo trào lưu mà ít đọng lại thông điệp trong lòng khán giả. Ở thời của chúng tôi, mỗi kịch bản là một câu chuyện chỉn chu. Chúng tôi dùng tiếng cười để đề cập đến những vấn đề cả xã hội đang quan tâm. Sau mỗi câu chuyện, luôn là những thông điệp mà mỗi khán giả tự đúc rút bằng kinh nghiệm sống và khả năng cảm thụ của mình.
Các tác phẩm hài hiện nay nhắm nhiều đến đối tượng khán giả trẻ bằng cách chạy theo những trào lưu đang thịnh hành. Khán giả ngày nay cũng quá căng thẳng vì công việc, họ không thích đi xem hài rồi về phải suy nghĩ, trăn trở. Những tác phẩm hài xen bi kén khán giả nhưng có sức sống lâu bền hơn những tác phẩm chạy theo trào lưu. Bởi những gì thuộc về trào lưu sẽ nhanh lên, nhanh xuống.
- Anh xử lý những tiểu phẩm của mình thế nào để chứng tỏ sự hợp thời?
- Tôi đang cố gắng dung hòa cách dựng kịch bản truyền thống của mình với các trào lưu đang nổi lên hiện nay. Tôi cũng chịu khó cập nhật thông tin hàng ngày để nắm bắt thị hiếu khán giả. Trong những tiểu phẩm của mình, tôi sử dụng phần lớn âm nhạc thay cho thoại. Hình thức này còn được gọi là ca kịch. Từng này tuổi nhưng tôi vẫn hát rất ngọt những bài đang nổi hiện nay như Bốn chữ lắm, Em của ngày hôm qua, Chắc ai đó sẽ về...
- Anh nói sao về sức hút của những tác phẩm này so với sản phẩm của nhiều danh hài đang lên?
- Tôi không sợ sự cạnh tranh vì mỗi nghệ sĩ có lượng khán giả của riêng mình. Ở tuổi này, khi đứng trên sân khấu, tôi biết tác phẩm của mình đã thành công đến 50% nhờ cái tên Bảo Chung, 50% còn lại phụ thuộc vào diễn xuất của tôi. Giống như Hoài Linh vậy, chỉ cần cái tên xướng lên, mức độ thành công của chương trình đã được đảm bảo. Chưa khi nào tôi ham ganh đua, vì để diễn được hài, bạn phải có năng khiếu. Ai có tài, người đó cứ lên. Tôi rất cảm kích vì ngày càng có nhiều diễn viên trẻ tài năng nối nghiệp chúng tôi.
Nghệ sĩ hài Bảo Chung tên thật là Nguyễn Văn Lâm, sinh năm 1955 tại TP HCM. Từ một diễn viên cải lương, dưới sự dìu dắt của danh hài Văn Chung, Bảo Chung đã trở thành nghệ sĩ nổi tiếng những năm 1990 với các tác phẩm Số đỏ, Giấc mơ Bao Công, Trúng số độc đắc... Bảo Chung hướng tiếng cười đến những thói hư tật xấu, đả kích những tiêu cực của xã hội. Trong sự nghiệp của mình, nghệ sĩ đoạt các danh hiệu, giải thưởng như: "Một trong 10 danh hài được yêu thích nhất" năm 1992, huy chương vàng trong cuộc thi "Danh hài TP HCM" trong 2 năm 1996 và 2000. |
Châu Mỹ thực hiện