Trang Sina ngày 11/8 cho biết từ cuối tháng 7, nhiều người Trung Quốc bức xúc vì chiếc áo phông in tên thành phố của các quốc gia trên thế giới. Các tên Bắc Kinh, Thượng Hải được in cùng hàng "Trung Quốc" còn tên Hong Kong, Macau lần lượt được in cùng hàng "Hong Kong", "Macao".
Nhà mốt cho biết đã ngừng bán mẫu áo trên toàn thế giới đồng thời tiêu hủy chúng. Trên Weibo, hãng này xin lỗi người Trung Quốc: "Sai sót trong quá trình thiết kế dẫn đến một số thành phố không được đặt cùng tên quốc gia. Đây là lỗi của chúng tôi. Chúng tôi xin lỗi và sẽ rút kinh nghiệm. Chúng tôi yêu Trung Quốc".
Nhiều người nước này không chấp nhận lời xin lỗi. Diễn viên Dương Mịch hôm nay cho biết chấm dứt hợp tác với thương hiệu vì thiết kế "sỉ nhục dân tộc". Cô ký hợp đồng quảng cáo với Versace hồi tháng 6, là người Trung Quốc đầu tiên làm đại sứ của nhà mốt này.
Trên Weibo và nhiều diễn đàn, hàng trăm nghìn bình luận chỉ trích thương hiệu, cho rằng nhà mốt cố tình khiêu khích, bôi nhọ Trung Quốc: "Cút đi", "Tẩy chay Versace", "Các người kiếm tiền của người Trung Quốc nhưng rõ ràng chẳng tôn trọng chúng tôi"...
Versace là hãng thời trang xa xỉ hàng đầu thế giới, thành lập năm 1978 bởi nhà thiết kế Gianni Versace (1946-1997), có trụ sở chính tại Milan, Italy. Hãng sản xuất quần áo, phụ kiện, nước hoa, mỹ phẩm, nội thất. Giám đốc sáng tạo hiện nay là Donatella Versace - em gái của Gianni Versace. Trong lần phỏng vấn với tạp chí Vogue năm ngoái, Donatella Versace nói điều cô muốn học nhất là tiếng Trung Quốc. Cuối năm ngoái, Versace bán thương hiệu cho Michael Kors (tập đoàn thời trang của Mỹ) với giá hơn hai tỷ USD.
Trước Versace, nhà mốt Italy Dolce&Gabbana cũng bị người Trung Quốc tẩy chay khi nhà thiết kế Stefano Gabbana của hãng lộ đoạn tin nhắn trong đó ông kèm biểu tượng phân khi nói về nước này.
Hong Kong, Macau từng là thuộc địa của Anh, Bồ Đào Nha, lần lượt được chuyển giao về Trung Quốc năm 1997, 1999 và cùng hưởng quy chế "Một nước hai chế độ". Trong đó, các quyền tự trị và tự do như hệ thống tòa án riêng biệt của đặc khu này vẫn được duy trì. Tình hình chính trị ở Hong Kong đang bất ổn khi người dân ở đây liên tục biểu tình, đình công vì dự luật dẫn độ sửa đổi "Người phạm tội bỏ trốn và Hỗ trợ pháp lý lẫn nhau về vấn đề hình sự". Dân Hong Kong lo ngại luật này sẽ khiến cư dân có thể trở thành nạn nhân của một hệ thống pháp lý khác. Nhiều người gọi đây là động thái thân Bắc Kinh và bày tỏ nghi ngờ về tính công bằng và minh bạch của hệ thống tư pháp Trung Quốc đại lục.
Nghinh Xuân