Phát sóng năm 2000, phim truyền hình Giao thời (kịch bản: nhà văn Nhật Tuấn, đạo diễn: Phan Hoàng) phản ánh đời sống Sài Gòn thay đổi nhộn nhịp những năm sau bao cấp, chuyển sang nền kinh tế thị trường. Phim xoay quanh gia đình bà Lân với ba cô con gái: Kiều Hạnh, Kiều Khanh, Kiều Lan.
Phim dài 38 tập - kỷ lục về số tập phim truyền hình lúc bấy giờ, và được khen ngợi khi khai thác thẳng thắn nhiều góc cạnh nhạy cảm trong cuộc sống hiện đại. Tác phẩm tạo bước đệm cho nhiều diễn viên nổi tiếng hơn trong nghề.
Trương Ngọc Ánh
Nhân vật cô con thứ Kiều Khanh là một cô gái có nhan sắc, lanh lợi nhưng tính tình thực dụng. Kiều Khanh khát khao có một cuộc sống giàu sang, song lại kết hôn với một thủy thủ nghèo. Thời gian chờ chồng đi tàu viễn dương về, cô cặp với một người đàn ông giàu có, được tạo điều kiện để kinh doanh. Chạy theo đồng tiền, cô vấp ngã bởi cám dỗ. Từ đây, nhiều bi kịch xảy ra.
Với Trương Ngọc Ánh, Kiều Khanh là một nhân vật "đo ni đóng giày". Trước đó, cô đã đóng các vai tương tự trong Giã từ dĩ vãng, Đồng tiền xương máu... Thành công của Giao thời giúp Trương Ngọc Ánh có nhiều cơ hội hơn trong nghề diễn. Cô ghi dấu ấn trên truyền hình lẫn điện ảnh qua các phim Lục Vân Tiên, Áo lụa Hà Đông... Những năm gần đây, cô đóng vai chính kiêm vai trò nhà sản xuất trong một số phim hành động như Hương ga, Truy sát... Sau cuộc hôn nhân không thành với diễn viên Trần Bảo Sơn, cô hẹn hò cùng diễn viên Việt kiều Kim Lý một thời gian rồi chia tay cuối năm 2016. Hiện cô làm mẹ đơn thân của con gái - bé Bảo Tiên.
Hiền Mai
Với nhân vật chị cả Kiều Hạnh, Hiền Mai có một trong những vai đáng nhớ nhất sự nghiệp, cũng là vai phản diện hiếm hoi của cô. Hạnh cảm mến họa sĩ Thành, nhưng vì ham giàu sang, cô kết hôn với một giám đốc rồi trở thành bà chủ. Sau bộ phim, Hiền Mai cho biết nhiều khán giả ghét lây cô vì nhân vật quá mưu mô, thủ đoạn.
Trước đó, cô nổi tiếng với vai cô giáo Mai dịu dàng, nhân hậu trong phim Tuổi thần tiên, hay series truyện cổ tích Việt Nam năm 1997 - 1999.
Sau khi kết hôn vào năm 2003, Hiền Mai hạn chế đóng phim để chăm sóc tổ ấm. Chồng diễn viên làm việc trong ngành dầu khí ở nước ngoài. Họ có một con trai 15 tuổi, sống quây quần trong biệt thự 200 m2 ở quận 2, TP HCM.
Ngô Mỹ Uyên
Trong ba chị em, Kiều Lan là người duy nhất không vướng vào cám dỗ tiền bạc. Dù là vai phụ, Ngô Mỹ Uyên gây ấn tượng với khán giả nhờ khuôn mặt bầu bĩnh, nét diễn ngây thơ. Mỹ Uyên đăng quang Hoa hậu Điện ảnh 1994. Giải thưởng này tạo bước đệm cho sự nghiệp của Mỹ Uyên, giúp cô được mời diễn thời trang và đóng phim. Cô bắt đầu được biết đến khi tham gia vai nữ sinh trong Áo trắng sân trường - đóng chung cố diễn viên Lê Công Tuấn Anh.
Năm 2001, Mỹ Uyên sang Mỹ định cư và rẽ hướng làm ảo thuật gia. Trong vai trò mới, cô gặt hái ít nhiều thành công. Năm 2010, cô thủ vai hoàng hậu Nghi Lan, mẹ vua Lê Long Đĩnh trong phim Khát vọng Thăng Long. Cô kết hôn cùng một người gốc Italy và sinh hai con gái. Hiện, thi thoảng cô về nước dự sự kiện, diễn thời trang.
Quyền Linh
Vai họa sĩ Thành - một công nhân nghèo nhưng tốt bụng, ngày vẽ tranh, tối vá xe ở vỉa hè và rất yêu Kiều Hạnh. Thành chân chất, một lòng đam mê hội họa. Tuy vậy, chuyện tình đẹp giữa anh và Hạnh kết thúc khi cô chạy theo giàu sang. Trước khi đóng Giao thời, Quyền Linh đã là một trong những tài tử nổi tiếng của làng phim truyền hình miền Nam, với các tác phẩm: Người Hà Nội, Những nẻo đường phù sa, Đồng tiền xương máu...
Sau Giao thời, Quyền Linh chỉ tập trung đóng vài phim như Lục Vân Tiên, Khi đàn ông có bầu, Người gác mộ... rồi rẽ hướng làm MC. Ở lĩnh vực mới, anh tiếp tục thành công khi dẫn các chương trình Vượt lên chính mình, Bạn muốn hẹn hò... Anh kết hôn với chị Dạ Thảo năm 2005, có hai con gái là Lọ Lem và Hạt Dẻ. Ở tuổi 50, bên cạnh công việc, anh miệt mài với những dự án thiện nguyện.
Xem tiếp: Vai của NSƯT Minh Đức và Chi Bảo trong phim "Giao thời"
Tam Kỳ