Nghệ sĩ Thanh Hoàng. |
- Với những khán giả chưa hề biết "Dạ cổ hoài lang", anh giới thiệu vở kịch của mình như thế nào?
- Tôi nói, hãy thử xem đi. Cổ mà không cổ vì chuyện kịch diễn ra ở một nơi có đời sống hiện đại nhất - nước Mỹ. Câu chuyện hiện đại của tôi lại được kể theo lối xưa cổ điển, có đầu có cuối, có khóc có cười cho dễ xem. Một người ông lành mạnh, minh mẫn trốn nhà thương điên mà ông đang bị nhốt về nhà, tính làm đám giỗ cho người vợ đã khuất. Ông thấy đứa cháu nội - một thiếu nữ - đang bày tiệc. Những tưởng cháu nhớ bà, nhưng không phải, cô gái ấy nhớ người yêu của mình. Cô làm tiệc sinh nhật của chính mình để chờ người bạn trai tới chúc mừng. Trên sàn diễn, bạn sẽ thấy có những lúc tiệc sinh nhật lẫn vào một đám giỗ người chết. Chuyện khấn vái lẫn vào chuyện làm tình. Sự hỗn độn ấy buộc người ông phải theo anh bạn già (kẻ tình địch xưa) của mình bỏ trốn lên sân thượng một cao ốc chọc trời giữa ngày tuyết lạnh, chỉ để ca Dạ cổ hoài lang cho thấu trời nỗi nhớ quê hương. Chỉ vậy thôi mà ông phải đổi bằng chính mạng sống của mình. Những người làm Dạ cổ hoài lang chúng tôi muốn gõ một tiếng trống, báo độ lạnh chết người kia.
- Cái lạnh kia là cao trào của xung đột nào trong không ít xung đột và mâu thuẫn người xem có thể thấy trong vở diễn?
- Tất cả những mâu thuẫn vừa kể, trong độ sâu sắc khác nhau đều có trong ý tưởng kịch bản, trong mảng miếng dàn dựng của đạo diễn, trong nhấn nhá của diễn viên... Nhưng chúng tôi muốn tích hợp tất cả vào một mâu thuẫn lớn hơn, đó là mâu thuẫn giữa hai nền văn hóa Đông và Tây, giữa hai cực muôn đời âm và dương của cuộc đời này. Xét cho cùng, trong toàn vở diễn, làm gì có va đập chính với tà, tiêu cực và tích cực. Trong các vai diễn, không ai cực tốt cũng không ai cực xấu, họ không phân biệt thiện ác, ai ai cũng hiền lương và đang bị đời sống thúc ép tới mức hóa thành cực đoan.
Kịch kết trong hố sâu ngăn cách giữa hai tòa nhà, một bên trẻ, một bên già, một bên Tây, một bên Đông. Và bão tuyết thì đang gào thét. Đây là một cái kết mở. Chúng tôi muốn dừng ở hố sâu ngăn cách để kêu gọi sự hội nhập.
- Còn đóng góp của khán giả vào "Dạ cổ hoài lang" ngoài việc họ bỏ tiền mua vé vào xem?
- Phải nói ngay rằng việc xếp hàng mua vé, đăng ký mua vé, gọi điện mua vé... và quan trọng nhất - bỏ tiền mua vé là đóng góp lớn nhất vào việc nuôi sống Dạ cổ hoài lang tới tuổi diễn thứ 10. Trong khi chúng ta đang đẩy mạnh việc xã hội hóa sân khấu, đang giảm dần, tiến tới xóa bỏ bao cấp của Nhà nước cho những hoạt động văn hóa đa chức năng, trong đó có chức năng giải trí, thì sức sống của Dạ cổ hoài lang đã khẳng định việc khó kia có thể thực hiện.
Trong một đêm diễn, khi Phương Linh trong vai cô cháu gái nhổ những chân nhang cúng bà nội vứt đi, một khán giả ngồi hàng ghế đầu đứng lên, bạt tai Phương Linh và thêm vào đoạn diễn lời thoại của chính mình: "Đồ con gái mất nết" thì đó là một lời khen, không chỉ riêng Phương Linh mà tất cả chúng tôi nhớ mãi.
Chúng tôi biết khán giả miền Bắc khó tính và đã chuẩn bị rất kỹ khi đưa Dạ cổ hoài lang ra Hà Nội biểu diễn báo cáo. Vậy mà, đêm diễn trước các bậc thày, các đàn anh, những bạn nghề... chúng tôi vẫn rất lo lắng, hồi hộp. Nhưng khi vở diễn kết thúc, đèn khán phòng bật sáng, chúng tôi đã nhìn thấy nước mắt của những khán giả rất chọn lọc kia. Đó là một kỷ niệm mà tôi không bao giờ quên!
- Tại nước ngoài đang có chuyện xâm hại bản quyền tác giả vở kịch, anh biết những gì về chuyện này?
- Tôi biết vừa qua Dạ cổ hoài lang đã diễn ở Mỹ. Theo lời giải thích của những người thực hiện thì xuất diễn này mang mục đích từ thiện. Và vì trước đó đạo diễn Hồng Phúc dựng lại Dạ cổ hoài lang với nhan đề Điệu buồn phương Nam nên họ nghĩ rằng việc tổ chức diễn là không có vấn đề gì. Ý kiến của tôi về việc này là tôi ủng hộ việc làm mang mục đích từ thiện. Là tác giả, tôi cũng mong muốn kịch bản của mình được giới thiệu rộng rãi cho kiều bào ở hải ngoại thưởng thức. Nhưng mọi chuyện nên có sự trao đổi bàn bạc trước với tác giả. Đặt tôi vào sự đã rồi là không nên.
(Theo Thế Giới Mới)