Buổi chiều mưa rả rích, bên phím piano trong căn nhà năm tầng ở Tây Hồ (Hà Nội), nhạc sĩ Phú Quang ngâm nga lời ca khúc mới nhất - Một mình: "Một mình sẽ một mình thôi. Tìm câu ca cũ hát chơi một mình".
Hàng ngày, vợ đi làm, chỉ còn ông ra vào với cây đàn ở phòng khách. "Sáng sáng đi cà phê, chiều ở nhà viết nhạc", Phú Quang miêu tả cuộc sống thường nhật. Rảnh hơn thì ông đọc sách văn học để tìm thêm nguồn cảm hứng sáng tác. Bữa trưa nhạc sĩ dùng bữa cơm do người giúp việc nấu, thi thoảng con gái - nghệ sĩ piano Trinh Hương - ở gần sang ăn cùng.
Vài năm nay, nhạc sĩ nhiều lần trải qua bạo bệnh, ốm "thập tử nhất sinh", từng nhập viện vì tai biến, bị chẩn đoán có khối u ở họng. Cuối năm ngoái, khi chuẩn bị thực hiện đêm nhạc Trong miền ký ức, ông đi xem bóng đá về bị cảm lạnh. "Tôi tưởng mình đã ra đi rồi nhưng may mắn vẫn ở lại với khán giả", ông nói.
Thời gian một mình nhiều nhưng nhạc sĩ không cô độc bởi khi ông ốm đau, người vợ thứ ba, kém Phú Quang 20 tuổi, luôn túc trực. "Mỗi khi tôi đổ bệnh, cô ấy gần như không ngủ. Chỉ cần nghe thấy tôi trở mình, cô ấy tỉnh để xem chồng cần gì", Phú Quang nói. Vợ ông làm trong ngành ngân hàng, hâm mộ các tác phẩm của ông. Hai người dần cảm mến nhau bởi chung đam mê âm nhạc, hội họa, hợp gu trang trí, sắp đặt nhà cửa, cùng thích lối sống giản dị, gần gũi thiên nhiên. Tổ ấm của họ vì thế có giếng trời tràn ngập nắng, bể cá, vườn cây và nhiều bức tranh, tượng thuộc các trường phái khác nhau. Ông đùa: "Bà xã chịu được tính dở hơi, ẩm ương của tôi".
* Phú Quang chia sẻ về vợ
Đến với nhau ở cái tuổi "đã toan về già", Phú Quang nói vợ chồng ông tôn trọng công việc, cuộc sống và những điều riêng tư của nửa kia. Mười mấy năm bên nhau, họ hiếm khi giận, nếu có, ông thường nhường nhịn vợ. Nhạc sĩ hạn chế chia sẻ ảnh của vợ một phần vì bà xã ngại, phần vì không muốn khán giả bàn luận đến chuyện riêng tư.
Vợ chồng ông đều có con riêng. Mỗi khi ai đó hỏi về con cái, Phú Quang kể: "Tôi có bốn con, cô út đang học ở nước ngoài". Cô út là con gái riêng của vợ ông, năm nay 16 tuổi. Khi cô còn ở Việt Nam, Phú Quang thường đưa đón con đi học. "Tôi nghĩ mình cho đi cái gì sẽ nhận lại cái ấy thôi. Vì thế, tôi rất thương con, chưa từng nghĩ cháu không phải ruột thịt của mình. Cháu rất tình cảm, hay trò chuyện, tâm sự với tôi. Khi sang Anh du học, cháu biết mua quà đến thăm nhà bạn bè của bố. Bạn bè tôi kể con chu đáo, ngoan ngoãn, khiến tôi rất tự hào", Phú Quang nói.
Nhạc sĩ nói âm nhạc là liều thuốc tinh thần, giúp ông chống lại bệnh tật, tuổi già. Ở tuổi 69, có khi, vì đãng trí, ông phải lên xuống năm tầng thang máy trong nhà để tìm điện thoại, chùm chìa khóa bỏ quên. Thế nhưng, mỗi khi ngồi bên cây đàn piano trong phòng khách hay hàn huyên với bạn bè về nghệ thuật, ông trở nên hoạt bát, nhớ rõ từng câu chuyện.
Nhiều năm qua, dù mệt hay bận rộn, Phú Quang luôn tự phổ nhạc toàn bộ tác phẩm. "Giống như khi ra đường, tôi phải tự tay chọn quần này mặc với áo kia, đội với mũ gì. Người khác lựa hộ lại không hợp ý tôi. Bài hát cũng vậy", Phú Quang nói. Mỗi dịp cuối thu đầu đông, ông đều đặn tổ chức hai, ba đêm nhạc ở Hà Nội. Nhạc sĩ tự chăm chút từ khâu nhỏ đến lớn - lên kịch bản, phối khí ca khúc, tập cùng ban nhạc, thiết kế poster, định giá vé... Ông ví von: "Tôi làm việc như người 40 tuổi, không phải vì tham mà vì giao cho người khác không yên tâm".
Nhạc sĩ miêu tả mình là "ông già khó tính" trong công việc. Trong buổi tập gần đây với Ngọc Anh 3A để chuẩn bị cho liveshow ở Hà Nội, dù ca sĩ mới từ Mỹ về, cổ họng bị khô, ông vẫn yêu cầu trình bày một lượt các tiết mục. Ngọc Anh kể làm việc với Phú Quang nhiều năm, chị vẫn bị áp lực. "Hát nhạc của chú đầu tiên là phải đúng lời, đúng nốt, nếu sai, chú sẽ mắng mỏ ngay", Ngọc Anh nói.
Nhạc sĩ nhớ ca từ từng nhạc phẩm trong gia tài 600 ca khúc, "chỉ cần ai hát sai một từ, một nốt là phát hiện ngay". Ông kể: "Trước đây, ca sĩ Ngọc Tân thường nhầm lời của tôi. Bài Hà Nội ngày trở về có câu: 'Vội vã trở về, vội vã ra đi/ Chẳng thể nào qua hết từng con phố'. Ông ấy hát thành: 'Vội vã trở về, vội vã ra đi/ Chẳng thể nào qua hết một con phố'. Tôi mới nói: 'Ông hát thế hóa ra nhân vật trữ tình mắc tật à mà không đi qua nổi một con phố'".
Ông cũng "chỉnh" Ngọc Tân khi chuyển lời bài Thương lắm tóc dài ơi từ "Một mình lênh đênh dòng đời đục trong" thành "Một đời lênh đênh, một đời đục trong". Nhạc sĩ kể: "Lần đó, tôi nói thẳng: 'Tôi ca ngợi người phụ nữ bất hạnh. Ông hát thế khác nào ca ngợi cô gái làng chơi hoàn lương. Tôi đề nghị ông học đúng lời, nếu không thì đừng hát nữa'. Ngọc Tân giận tôi lắm nhưng từ sau ông ý chú ý ca từ hơn".
* Phú Quang, Ngọc Anh tập bài "Khúc mùa thu" cho liveshow 24/8
Nhạc sĩ còn nhiều dự án ấp ủ. Sau khi ra mắt cuốn Chuyện bình thường và những mảnh hồi ức chợt hiện năm 2016, ông muốn phát hành thêm vài cuốn tương tự. Ngoài ra, Phú Quang đau đáu làm một chương trình nghệ thuật về phố Khâm Thiên thời bom đạn năm 1972 - nơi lưu giữ tuổi thơ của ông, trong đó có cả những ký ức buồn.
"Tôi nhớ như in chuyện ông cắt tóc quen của mình, cô hàng xóm thân thiết... ra đi sau một đêm. Những mảnh tường đổ, tiếng khóc ai oán của những gia đình mất người thân... ám ảnh tâm trí tôi. Tôi mơ ước tái hiện những ký ức bi hùng ấy trong một chương trình với hàng trăm diễn viên. Tuy nhiên, tôi chưa đủ kinh tế để thực hiện", nhạc sĩ nói.
Hà Thu
Video: Nhật Quang