The Tale of The Princess Kaguya (Nàng tiên trong ống tre) là bộ phim hoạt hình mới do đạo diễn Isao Takahata chuyển thể từ tác phẩm văn xuôi dân gian có tên gọi Princess Kaguya (Kaguya-hime hoặc Taketori Monogatari). Princess Kaguya truyện gốc có từ thế kỷ 10 và được xem là tác phẩm văn chương cổ nhất Nhật Bản hiện còn. Nhà làm phim gạo cội Isao Takhata là tác giả của các phim Grave of the Fireflies (Mộ đom đóm), Only Yesterday và Pom Poko.
Câu chuyện huyền ảo về sự sống và cái chết
Cốt truyện Princess Kaguya gói trong thời lượng 137 phút, xoay quanh cuộc đời của cô gái bí ẩn Kaguya. Ở nơi sơn cước của nước Nhật cổ xa xăm nọ có lão tiều phu chuyên nghề đốn tre rừng mang ra chợ bán. Một hôm lão tìm thấy một nàng công chúa trong búp măng mọc trái mùa.
Cô công chúa nhỏ bằng ngón tay út được lão đặt tên là Kaguya. Khi lão mang cô bé về nhà, bà vợ già của lão liền có sữa. Lớn nhanh như thổi, Kaguya kết bạn với tụi hàng xóm bần hàn. Lũ nhóc hàng ngày chạy dọc triền núi hái hoa dại, hát cùng chim, vồ cóc nhái và hái trộm dưa.
Đến một ngày, lão tiều phu đưa cả gia đình lên kinh đô sống sau khi được trời ban cho những hạt vàng từ đọt tre rừng. Ở kinh đô, cô bé hoang dã học làm thiếu nữ quyền quý mặc dù đau đáu hoài nhớ về miền ký ức tuổi thơ. Nức tiếng vì xinh đẹp và tài hoa, Kaguya được 5 người đàn ông quý tộc đến cầu hôn. Kaguya yêu cầu họ tìm những sính vật lạ thường làm lễ cưới. Cả 5 người thất bại. Hoàng đế Nhật tìm đến cầu hôn, nhưng bất ngờ Kaguya khám phá ra thân phận thật...
Kaguya là một nhân vật khác thường trong truyện gốc được chuyển lên phim dài trong gần hai tiếng rưỡi nhưng không thừa chi tiết. Hành trình cuộc đời của Kaguya từ con gái nhỏ của cặp vợ chồng vô sinh bần hàn trên núi trở thành công chúa toàn sắc toàn tài của gia đình thịnh vượng là chuyện phi thường được chặt đều thành những khúc nhỏ, hấp dẫn người xem bởi kỹ thuật kể chuyện tài khéo.
Một phần tư đầu phim cuốn hút bởi các chi tiết vụn ngộ nghĩnh về quá trình ấu thơ rồi thành nhi đồng của một cô bé trong sáng như hạt nước rơi xuống từ trời. Một phần tư phim tiếp theo khiến người xem hồi hộp với những thử thách học thay đổi để thích nghi ở thành đô của cô gái sơn dã. Một phần tư phim sau đó là bài toán nan giải của những câu đố và lời đáp thông minh trong việc tìm chồng của người con gái. Một phần tư cuối cùng khiến khán giả choàng tỉnh vì các chủ đề chồng chéo được hé lộ.
Không ít mối nối trong kịch bản là những chi tiết bị cho phi lý với tư duy của người ưa logic nhưng lại là kỳ thú với óc tưởng tượng của người hồn nhiên, mộng mơ. Người kể chuyện thuộc thuở nhân loại sơ khai vẽ ra các cổ tích ngợp phép màu với không ít chi tiết ảo diệu đều là những kẻ vô danh, không ít trong số họ có cảnh sống nghiệt ngã hoặc thân phận cùng khổ. Dường như khi cuộc sống của kẻ yếu thế càng bi đát thì trí tưởng tượng của họ càng được đẩy lên bay bổng hết cỡ. Những hình ảnh huyền hoặc của trí tưởng tượng ấy đan thành lớp vỏ cốt truyện rắn chắc cho những chiêm nghiệm không thỏa hiệp đến mức cay đắng của tác giả, khi kiếm tìm bản chất hạnh phúc và sự tồn tại trần gian.
Hồi sinh xuất sắc trên bản hoạt hình điện ảnh mới
Đặc sắc bởi tính lớp lang của cốt truyện và thâm thúy trong chủ đề, Princess Kaguya từng không ít lần được chuyển thể thành kịch, phim hoạt hình dành cho tivi và điện ảnh. Theo công bố trên JapanToday, có tới 19 bộ phim, truyện ngắn, truyện dài và truyện tranh từng chuyển thể, lấy cảm hứng hoặc mượn nhân vật của truyện cổ này. Năm 1974, series hoạt hình đầu tiên về nhân vật công chúa Kaguya được sản xuất và phát trên truyền hình Nhật. Năm 1981 và 1982, một bộ series khác kể về nhân vật lấy cảm hứng từ nàng Kaguya ăn khách trên truyền hình Nhật, sau đó được chiếu lại trên truyền hình Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Italy, Mexico và Chile.
Trong truyện tranh Doraemon, họa sĩ Fujiko Fujio cũng tái tạo nhân vật Kaguya trong tập ngắn mang tên Girl Can (Chiếc hộp con gái). Trong tập đó, nhân vật Nobita sử dụng chiếc hộp hóa phép để sinh ra một cô gái. Nobita đặt tên cô bé là Kaguya rồi nuôi nấng em, dẫn đến cảnh oái oăm. Cuối cùng, cô bé được một cặp ông bà già đón nuôi vào đêm trung thu.
Năm 2014, sau khi Kaguya được tái hiện trong phiên bản điện ảnh trong The Tale of The Princess Kaguya, nhà sách Hobby Japan ra mắt loạt sách về nhân vật nữ mới dựa trên nàng Kaguya. Nhân vật mới có tạo hình mang gươm, được trang bị găng tay cùng bốt chân giống như siêu nhân Người Sắt của Marvel.
Bản chuyển thể điện ảnh The Tale of the Princess Kaguya làm hồi sinh truyện cổ bằng những nét vẽ hoạt hình có tính sáng tạo đột phá. Mọi khung hình trong phim đều có sự cân đối, hài hòa, chỉn chu. Các nét vẽ biểu cảm nhân vật nữ chính tiết giảm thành hai loại biểu cảm chính, một loại gồm những đường nét thanh mảnh khi muốn tạo cho nhân vật vẻ yêu kiều quý tộc và còn lại là những nét phóng khoáng rộng tay khi nhà làm phim nhấn vào tính cách hoang dã hồn nhiên trong con người cô gái.
Các mảng màu cũng được sử dụng một cách tiết chế, hầu hết đều thuộc tông màu sáng, tạo không khí vui tươi, sảng khoái. Những cảnh ngập tràn không gian thiên nhiên hoang sơ thu hút không kém những cảnh phồn hoa nước Nhật xưa. The Tale of the Princess Kaguya là một trong những tác phẩm cuối cùng của hãng hoạt hình Ghibli. Nếu hầu hết các phim hoạt hình trước của hãng sử dụng màu mạnh và các nét đậm, phim mới đột phá trong việc kiệm màu và chỉ sử dụng những đường nét nhạt. Nhờ việc tiết chế đường nét, không gian trong phim nhẹ nhàng, thanh thoát và nhiều tính thơ.
Âm nhạc trong phim là những bài ca hoặc bản đàn mang màu sắc dân gian, có không khí hồn nhiên, khi rộn rã yêu đời, khi réo rắt lắng sâu. Nếu The Tale of the Princess Kaguya là một bức tranh phong cảnh thiên nhiên về những bông hoa dại trên vùng núi mơ ước, nhạc phim giống như những tiếng suối róc rách không thể thiếu của bức tranh sơn thủy đó.
Nhạc nền được nhạc sĩ Joe Hisaishi soạn. Ca khúc chính trong phim, bản hoan ca Inochi no Kioku (Ký ức cuộc đời), vang lên nhiều lần và đóng vai trò then chốt với chủ đề câu chuyện.
Rút ruột tằm làm tác phẩm sau khi đi gần hết đời người, đạo diễn Isao Takahata nhận được sự ca ngợi nồng nhiệt của giới chuyên môn Nhật Bản và Bắc Mỹ. Trên chuyên trang điện ảnh Rotten Tomatoes, bộ phim được cho 100% điểm tích cực trong tổng số 58 bài bình đánh giá.
Đã giành được nhiều giải thưởng lớn nhỏ, The Tale of the Princess Kaguya đang hứa hẹn mang về giải Oscar 2015 dành cho "Phim hoạt hình hay nhất". Nếu giành giải, đây sẽ là lần thứ hai Nhật Bản được Viện Hàn lâm Mỹ vinh danh ở hạng mục Oscar cho phim hoạt hình, sau Spirited Away năm 2002.
Trailer phim "The Tale of the Princess Kaguya" |
|
Vũ Văn Việt