Nghệ sĩ thừa nhận "vật vã", thậm chí áp lực đến đổ bệnh khi làm show nhạc Trịnh - Bống là ai - theo phong cách jazz. Thế nhưng, bước lên sân khấu tối 11/3, Hồng Nhung làm chủ cuộc chơi âm nhạc do cô sáng tạo.
Ca sĩ dường như tìm lại được Bống của tuổi 23 mà theo lời cô nói là "điếc không sợ súng", ngẫu hứng ngân nga Còn mãi tìm nhau theo phong cách jazz và được Trịnh khen. Trong ba tiếng, "Bống" hát với sự rung cảm, từng trải, với những ký ức chưa từng phai mờ. Cô hòa theo tiếng nhạc, tung tẩy và tự do, lôi kéo khán giả cùng hát Ở trọ, Ru đời đi nhé, Cát bụi.
Hồng Nhung - "người đàn bà trẻ con" như Trịnh Công Sơn thường gọi - hát tựa như chơi đùa, như chính câu mà cô yêu thích trong Thuở Bống là người: "Bống đùa biển khơi. Bống đùa núi đồi. Bống đùa đùa tôi".
Hát Nhớ mùa thu Hà Nội, Hồng Nhung song ca cùng chính mình trong thước phim tư liệu năm 1997. Nhiều đoạn, ca sĩ xuống hàng ghế khán giả để theo dõi video về hình ảnh Bống của tuổi 23 "gầy, xấu, răng khểnh", chỉ có tiếng hát vang lanh lảnh. Khi hai phiên bản cùng cất tiếng, người nghe liên tục vỗ tay, xúc động khi thấy giọng hát nghệ sĩ giữ được phong độ qua thời gian.
Tự dẫn dắt chương trình, diva gợi kỷ niệm về "người thầy lớn của cuộc đời" cô - Trịnh Công Sơn.
Khi còn là sinh viên ngành tiếng Anh, Hồng Nhung hay được Trịnh Công Sơn dạy thêm tiếng Pháp. Cô không nhớ được nhiều, chỉ thuộc làu làu bài La vie en rose. Sau hai năm sống ở Paris, nghệ sĩ giờ không chỉ hát La vie en rose mà còn "bạo gan" hát nhiều bài nhạc Trịnh như Như cánh vạc bay, Bống bồng ơi bằng tiếng Pháp. "Các bản nhạc của anh Sơn khi được chuyển ngữ nghe rất tự nhiên bởi anh là người yêu mến văn hóa Pháp. Tôi cho rằng âm nhạc của anh đã vượt ra biên giới Việt Nam, trở thành thứ ngôn ngữ toàn cầu", Hồng Nhung nói.
Bài học lớn nhất cô học được từ ông là: "Nếu sáng mai, bước ra ngoài ngõ, nếu thấy ai vẫy tay với mình thì hãy vẫy lại họ. Bởi không ai biết hôm sau người đó có còn ở trên thế gian này hay không".
Những ngày ngồi ở quán cà phê De Flore ở đại lộ Saint Germain ở Paris, ngắm dòng người qua lại, Trịnh Công Sơn từng nói: "Anh ra đây chỉ để ngắm người". "Tôi thấy nhiều màu sắc, nhiều thân phận đi qua trước mắt, để cho mình hãy hát lên lời ca Ru đời đi nhé, biết ơn sự may mắn, món quà mình được cho, đó là vẫn còn thở vào hít ra nơi mặt đất", Hồng Nhung cho biết.
Ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh - em gái nhạc sĩ - cho biết: "Chương trình hay và công phu, cách thể hiện của Hồng Nhung và ban nhạc đều tuyệt vời. Giống như anh Trịnh Công Sơn, Hồng Nhung là người luôn muốn thử nghiệm những điều mới mẻ. Nghệ thuật luôn cần những sự sáng tạo như vậy. Blue jazz vang lên vẫn gần gũi, hay và hợp với nhạc Trịnh, đó là điều đáng quý".
Đêm nhạc ghi điểm ở phần nhìn, với sân khấu được thiết kế tối giản theo tông màu đen, trắng, bối cảnh chính là bức tranh nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vẽ Hồng Nhung thời trẻ. Hồng Nhung giải thích: "Cuộc sống chúng ta từng chỉ xuất hiện hai màu đen - trắng nhưng mỗi người có thể từ đó tô điểm thêm nhiều màu sắc, cung bậc".
Trong tiết mục mở đầu, ca sĩ xuất hiện sau tấm vải mỏng trong suốt, kết hợp kỹ thuật trình chiếu, đánh lừa thị giác người xem. Cô có màn treo người trên dải lụa, đứng trên bàn xoay. Các nhạc công, ca sĩ mặc trang phục tông trắng, đen do Thủy Nguyễn thiết kế, hài hòa sân khấu.
Hà Thu