Citizen Kane, ra mắt năm 1941, đứng đầu danh sách 100 Phim hay nhất do Viện phim Mỹ bình chọn vào các năm 1998 và 2007. Nó cũng được Viện lưu trữ phim quốc gia Mỹ đưa vào danh sách bảo tồn ngay từ đợt đầu tiên năm 1989. Bộ phim còn đứng đầu nhiều cuộc bình chọn khác của Editorial Jaquar, FIAF, France Critics, Romanian Critics, Time Out, Village Voice… Đặc biệt, Sight & Sound, cuộc bầu chọn uy tín nhất trong những cuộc bầu chọn phim xuất sắc (theo lời của nhà phê bình quá cố Roger Ebert), cũng vinh danh Citizen Kane là “Phim hay nhất mọi thời đại” trong 5 kỳ liên tiếp từ 1962 đến 2002.
Bộ phim kể về những vinh quang và cay đắng trong cuộc đời nhân vật Charles Foster Kane, ông trùm truyền thông Mỹ. Citizen Kane mở đầu bằng một thông tin làm chấn động toàn nước Mỹ: Charles Foster Kane đã chết. Trang nhất của tất cả các tờ báo ngày hôm đó đều đưa tin và điểm lại những sự kiện nổi bật trong cuộc đời Kane: Ông đã xây dựng đế chế truyền thông hùng mạnh bao gồm 37 tờ báo, hai nghiệp đoàn thông tấn, một đài phát thanh như thế nào? Kane đã tự ứng cử và suýt nữa trở thành Tổng thống Mỹ ra sao? Các tờ báo cũng không quên nhắc lại những năm tháng cuối đời, sống trong cô độc của Kane tại dinh thự Xanadu. Trước khi chết, Kane chỉ thốt lên đúng một từ, cho đến nay vẫn là điều bí ẩn: “nụ hồng” (Rosebud).
Là một phim tiểu sử nhưng lại tóm tắt toàn bộ cuộc đời của nhân vật chính ngay từ đầu phim, tưởng như chẳng còn điều gì mới vẻ về Kane để khán giả khám phá nữa. Bộ phim chỉ có thể vận hành nhờ một cái cớ là sự tò mò, sự tự không bằng lòng của một tờ báo. Vị tổng biên tập của báo ấy cho rằng “chỉ nói một người làm những gì là chưa đủ, chúng ta phải làm rõ thực sự con người ấy là ai”. Ông giao nhiệm vụ cho một phóng viên tên là Thompson đi điều tra ý nghĩa những lời cuối cùng của Kane. Bộ phim được kể theo mạch hồi tưởng của tất cả những người quen biết với Kane mà Thompson có thể liên hệ phỏng vấn.
Qua nhiều lời kể, chân dung của Kane dần hiện ra rõ nét. Đó trước tiên là một nhà báo có tư duy cởi mở, tân tiến, dám dấn thân trong nghề. Ông sẵn sàng ngủ ngay trong tòa soạn để trực tin. Nhiều lần, Kane thức trắng đêm để sửa bài cho kịp số báo hôm sau. Ông thu nạp người tài, tìm những phóng viên giỏi nhất về làm việc. Kane lập ra “Bản tuyên ngôn nguyên tắc nghề báo”: “Tôi sẽ trao cho mọi người ở thành phố này một tờ báo sẽ nói toàn sự thật. Tôi cũng sẽ trao họ một chiến sĩ đấu tranh cho quyền lợi của họ như là những người công dân và là những con người”.
Ông sẵn sàng đăng những bài điều tra sắc sảo, dù như vậy làm ảnh hưởng tới lợi ích của chính công ty mà ông làm cổ đông lớn nhất. Ông dám đăng bài chỉ trích cả Tổng thống Mỹ cho dù người vợ đầu của ông là cháu gái ruột của Tổng thống.
Khi một phóng viên dè dặt viết bài phê bình chê giọng hát opera của vợ ông dở tệ, Kane không những không tức giận mà còn phì cười tán đồng. Chính ông tự hoàn thành nốt bài báo theo hướng mà người phóng viên khởi xướng. Có lẽ vì quá đam mê nghề báo mà hai cuộc hôn nhân của Kane đều thất bại. Ông ít có thời gian quan tâm chăm lo tới gia đình. Ông về muộn, dành quá nhiều thời gian ở tòa soạn, bận rộn hơn cả thủy thủ.
Xem phim, khán giả không chỉ dành sự khâm phục cho Kane mà còn yêu mến anh chàng phóng viên xông xáo Thompson. Là người được tòa soạn giao cho nhiệm vụ tìm hiểu bí mật xung quanh “Rosebud”, Thompson không quản khó khăn, sẵn sàng đi đến tận cùng sự thật. Anh nghiên cứu hồi ký người đỡ đầu của Kane, phỏng vấn tất cả những người quen biết với nhân vật. Khi bị từ chối gặp mặt, Thompson cũng không nản lòng mà tìm mọi cách để thực hiện bằng được nhiệm vụ mà tòa soạn đã giao.
Dĩ nhiên, Citizen Kane không chỉ là một bộ phim về nghề báo. Đó còn là câu chuyện về những thăng trầm trong cuộc đời của một con người, về một nỗi “Tôi khao khát yêu người mà không sao yêu được”.
Bộ phim được xây dựng dựa trên cuộc đời của ông trùm truyền thông William Randolph Hearst. Vì lý do này, lịch sử điện ảnh phải ghi nhận lại một trong những trận đấu không cân sức nhất giữa truyền thông và nghệ thuật. Hearst đã giở mọi trò bẩn, tận dụng mọi quyền lực từ đế chế truyền thông của mình để nhấn chìm bộ phim.
Hearst công khai uy hiếp đe dọa ngành điện ảnh và cụ thể là hãng R.K.O bằng mọi cách. Các ông chủ hãng phim đã buộc phải họp khẩn cấp và đề nghị một khoảng tiền là 800.000 USD với dự tính mua đứt và tiêu hủy toàn bộ Citizen Kane. Hãng R.K.O từ chối lời đề nghị, Hearst bèn cấm tất cả mọi tờ báo, đài phát thanh, truyền hình thuộc tập đoàn Hearst bình luận hay thậm chí đề cập đến cái tên Citizen Kane. Rất nhiều rạp chiếu phim vì sợ hãi trước sức mạnh khổng lồ từ đế chế Hearst, đã đồng loạt rút phim lại. Đây là đòn chí mạng dẫn đến thất bại về doanh thu của phim. Không chỉ có thế, Hearst còn tác động đến ban giám khảo của Oscar năm đó. Mặc dù nhận được tới 9 đề cử, cuối cùng Citizen Kane phải ra về với duy nhất một giải dành cho kịch bản.
Câu chuyện xung quanh Citizen Kane là một ví dụ điển hình về sức mạnh khổng lồ của truyền thông. Trong trận chiến không cân sức ấy, Hearst và đế chế của mình đã tạm thời giành chiến thắng. Nhưng “cái gì của Ceasar thì trả lại cho Ceasar”, vinh quang phải được trả về kẻ xứng đáng.
Sau rất nhiều năm bị quên lãng, đến giữa thập niên 1950, bộ phim mới bắt đầu được chiếu lại trên truyền hình Mỹ. Giới phê bình đón nhận Citizen Kane một cách nồng nhiệt. Đây là một trong những bộ phim hiếm hoi nhận được 100% đánh giá tích cực trên Rotten Tomatoes, một website uy tín chuyên tổng hợp những nhận định của giới phê bình.
Cây bút Leonard của trang Movie Guide cho rằng đây là bộ phim “phá vỡ mọi quy tắc và sáng tạo thêm những quy tắc mới… Một bộ phim tuyệt tác theo mọi nghĩa”. Nhà phê bình nổi tiếng Roger Ebert gọi Citizen Kane là “Bộ phim vĩ đại nhất”.
Citizen Kane được tôn vinh vì cách kể chuyện đảo ngược trật tự thời gian, theo mạch hồi tưởng của nhân vật. Bộ phim cũng có nhiều đột phá trong quay phim như sử dụng góc quay thấp, cảnh quay có độ nét sâu, hậu cảnh cũng rõ nét như tiền cảnh. Nhiều trường đoạn của phim sử dụng cùng một bối cảnh, giữ nguyên nhân vật, chỉ thay phục trang và lời thoại. Bằng cách ấy, những thay đổi thay trong nhiều năm được rút gọn trong vài phút một cách mượt mà.
Nhà phê bình điện ảnh V.G.I Bijovitch từng dùng những lời có cánh để ca ngợi kịch bản phim: “Nó làm cho người ta sửng sốt về cái nhìn không giấu diếm, gan dạ vào cuộc đời, vì cái giọng tường thuật lạnh lùng và cay đắng, vì sự từ chối những ảo tưởng, vì sự sẵn sàng chờ đón một cách cứng rắn cái tồi tệ nhất”.
Nhắc đến sự thành công của Citizen Kane không thể nhắc đến “tổng công trình sư” Orson Welles. Ông là nhà sản xuất, đạo diễn, đồng tác giả kịch bản, kiêm diễn viên chính của phim. Welles nhận được giải thưởng “Thành tựu trọn đời” của Viện phim Mỹ năm 1975. Viện phim Anh cũng bầu chọn ông là đạo diễn vĩ đại nhất mọi thời đại.
Anh chàng phóng viên Thompson trong phim từng phát biểu rằng: “Không một từ nào có thể giải thích cuộc đời của cả một con người”. Tương tự, một bài viết nhỏ không thể nói rõ tầm vóc khổng lồ của một bộ phim.
Trailer phim "Citizen Kane" |
|
Anh Trâm