Với đa phần trẻ em, có lẽ những bài học đầu tiên về thế giới xung quanh, mở mang óc tưởng tượng đều đến từ những câu chuyện cổ tích hay lời ru của mẹ. Nhưng với chú nhóc Toto và rạp Paradiso thì lại khác, khi cậu bé chu du thế giới qua những thước phim cũ nát của rạp chiếu bóng này. Tuổi thơ và cả những ký ức đẹp đẽ nhất đầu đời của Toto đều gắn với Paradiso, trong đó ông già chiếu phim Alfredo là Andersen, đưa cậu nhóc cùng khán giả vào thế giới cổ tích diệu kỳ của điện ảnh.
Trailer phim "Cinema Paradiso" |
|
Ra mắt năm 1988 với tựa gốc là Nuevo Cinema Paradiso (tựa Việt: Rạp chiếu bóng thiên đường), bộ phim Italy này nhanh chóng được ưa thích và đến nay được coi như một tác phẩm kinh điển của điện ảnh thế giới với sự ghi nhận là Oscar "Phim nước ngoài hay nhất" năm 1989.
Đã gần ba thập kỷ trôi qua song nhiều thế hệ khán giả vẫn nhắc về bộ phim và tìm xem nó, đâu chỉ bởi những cảnh quay Italy tuyệt đẹp dưới bầu trời Địa Trung Hải hay phần nhạc nền hay đến nao lòng của nhà soạn nhạc vĩ đại Ennio Moricone. Họ xem Cinema Paradiso bởi nó không đơn thuần là một bộ phim mà chính là cuộc sống, với đủ những dư vị ngọt ngào đắng cay, những giấc mơ thời thơ ấu, những hoài bão tuổi trẻ và những ký ức đẹp của mối tình đầu... Họ xem để bất chợt được bắt gặp hình ảnh mình trong đó, với cậu bé, chàng trai, người đàn ông Salvatore...
Phim mở đầu vào thập niên 1980 với cảnh vị đạo diễn lừng danh Salvatore Di Vita (Jacques Perrin thủ vai) trở về nhà và được bạn gái cho biết mẹ ông vừa gọi điện để báo tin một người đàn ông có tên Alfredo vừa qua đời. Trong vẻ mặt bồi hồi xúc động, Salvatore lặng đi khi được hỏi rằng Alfredo là ai. Trong tâm trí ông lúc đấy còn đang hướng về mảnh đất quê hương Sicily, nơi mà ông đã không đặt chân tới trong suốt 30 năm qua, khi mà ông còn là một thằng nhóc được gọi trìu mến là Toto...
Ngày ấy, Thế chiến II vừa kết thúc được vài năm, làng quê Giancaldo vùng Sicily vẫn còn nghèo đói, lạc hậu. Trong số những gia đình vật lộn kiếm sống vì trụ cột gia đình đang phải đi lính ấy, có cả Toto (Salvatore Cascio) cùng mẹ và em gái. Mới 6 tuổi và có vóc dáng còi cọc hơn nhiều so với bạn bè cùng trang lứa nhưng cậu bé lại tỏ ra vô cùng thông minh, lanh lợi. Được cho làm trợ tế tại nhà thờ của cha xứ Adelfio (Leopoldo Trieste) nhằm uốn nắn bản thân và mang về thêm thu nhập cho gia đình nhưng Toto không hề tỏ ra hứng thú. Cậu chỉ là chính mình khi lẽo đẽo theo chân cha Adelfio tới rạp Paradiso của ông già Alfredo (Philippe Noiret) để thực hiện công đoạn "kiểm duyệt".
Ở mảnh đất hình chiếc ủng từng sản sinh ra những kiệt tác điện ảnh như I Ladri di bicicletta, 8 ½, La Dolce Vita hay sau này là La Vita è Bella ấy, từng có thời điện ảnh bị kìm kẹp đến mức khắt khe. Cha Adelfio yêu cầu Alfredo cắt bỏ hết những cảnh tình cảm âu yếm từ những phim của Hollywood hay những nước khác bởi tính "dung tục" của chúng có thể ảnh hưởng xấu tới những con chiên trong thị trấn. Ông già có nụ cười hiền hậu Alfredo phải chấp nhận cắt rời những cuộn phim để tách các cảnh mùi mẫn ra. Chính từ đây, mối lương duyên của Toto với rạp Paradiso bắt đầu và mở ra một tình bạn chênh lệch tuổi tác với người chiếu phim tốt bụng.
Cinema Paradiso là tấm vé trở về tuổi thơ đối với nhiều người, bởi có nhiều hình ảnh trong phim đủ sức khơi dậy cảm xúc, kỷ niệm trong lòng người xem. Trước khi các rạp chiếu xưa bị thay thế bởi truyền hình và sau này là mạng Internet, smartphone... từng có thời việc tụ tập để xem một bộ phim mới là niềm vui, hạnh phúc đối với cả làng xóm. Câu chuyện trong Cinema Paradiso cũng tương tự, khi người dân ở Giancaldo, từ già trẻ lớn bé, dân tri thức hay thất học cũng đều tới rạp Paradiso để được sống trong môn nghệ thuật thứ bẩy.
Ai có tiền thì đóng góp cho ông Alfredo, ai không có thì công kênh nhau để "coi cọp" qua vách nhỏ của rạp chiếu. Tại đây, khán giả cười, nói, khóc, vỗ tay vì những bộ phim tâm đắc, la ó vì phim đột nhiên bị cắt khi đang tới cao trào. Có những người thậm chí còn tới rạp để tận hưởng cảm giác cộng đồng hay để... ngủ. Dù với mục đích gì đi chăng nữa, vẻ đẹp của một thời mê đắm điện ảnh thâu đêm suốt sáng ấy đã trở thành hoài niệm đẹp với nhiều thế hệ và truyền đam mê tới nhiều cô, cậu bé - trong đó có Toto.
Kết thân với người chiếu phim già Alfredo, cậu bé nài nỉ được theo ông học nghề và được giữ lấy những đoạn phim bị cắt. Ông kiên quyết từ chối yêu cầu thứ hai và ban đầu không đồng ý cho Toto được theo bước mình bởi với ông, nghề chiếu phim là đam mê chứ sẽ không thể đem lại tương lai cho cậu bé sáng dạ này. Song cuối cùng Toto được ông cho phép phụ giúp trong công đoạn chiếu và chuẩn bị phim, bù lại cậu phải dạy cho Alfredo cách đọc - viết chữ, khi ông đã sống quá nửa đời người mà vẫn mù chữ.
Tình bạn giữa Alfredo và Toto "nhí" được đạo diễn Giuseppe Tornatore kể lại một cách không thể đẹp hơn, với những cảnh quay hai ông cháu ngồi cặm cụi ghép phim trong ánh đèn xanh nhạt của Paradiso và những trường đoạn Afredo chở Toto bằng xe đạp khắp thị trấn. Italy từng hiện lên đầy lãng mạn qua những nẻo đường Rome khi Gregory Peck chở Audrey Hepburn trên xe Vespa trong Roman Holiday (1953) hay dưới ánh nắng rực rỡ của Under the Tuscan Sun (2003) nhưng Cinema Paradiso dường như là bộ phim mộc mạc và đẹp nhất.
Được quay tại thị trấn Bagheria và Cefalù, những con đường nhỏ hẹp mang sắc màu thời gian, những tòa nhà cổ kính, những cánh đồng vàng ươm của mùa thu là những hình ảnh đọng mãi trong lòng khán giả và làm dậy nên niềm khao khát được một lần được đặt chân lên mảnh đất hình chiếc ủng.
10 năm sau, Toto lớn và trở thành chàng Salvatore (Marco Leonardi) điển trai, còn tình bạn giữa anh và Alfredo ngày càng bền chặt. Thay thế Alfredo làm người chiếu bóng tại Paradiso sau một biến cố, anh thường xuyên nghe những lời khuyên của ông trong cuộc sống. Cho tới một ngày, trái tim Salvatore lần đầu lạc nhịp khi gặp và đem lòng yêu nàng Elena (Agnese Nano) kiều diễm. Mối tình đầu đẹp với những đêm dài chờ đợi của Salvatore dưới cửa sổ nhà nàng, với những đêm dài cùng nhau xem phim tại Paradiso, với những nụ hôn say đắm trong cơn mưa... đã kết thúc trong dang dở, khiến Salvatore rời bỏ quê hương và "không bao giờ ngoái lại" theo lời Alfredo - cho tới ngày ông mất.
Xuyên suốt 155 phút của bộ phim kinh điển này, người xem không chỉ bị cuốn theo câu chuyện sâu sắc mà còn bị quyến rũ bởi phần nhạc nền của Ennio Moricone. Nhà soạn nhạc lừng danh này từng tạo ra những giai điệu nổi tiếng cho những phim cao bồi của Clint Eastwood, chinh phục khán giả qua những nốt piano dịu dàng của The Legend of 1900 (1998) nhưng có lẽ chưa khi nào nhạc của ông lại lãng mạn đầy chất thơ như trong Cinema Paradiso. Ngay cả khi chưa từng xem phim thì nhạc nền của Cinema Paradiso cũng xứng đáng nằm trong tuyển tập album nhạc không lời hay nhất mà bạn nên sở hữu.
Từng phân cảnh của phim đều được Moricone soạn ra những giai điệu hợp lý, như khi Toto tung tăng thời thơ ấu là First Youth đầy tươi vui, rồi khi Salvatore đứng đợi 99 đêm dài dưới cửa nhà Elena là tiếng guitar thổn thức For Elena... Đỉnh cao của phim là phân cảnh cuối khi Salvatore được nhận lại món quà của Alfredo quá cố và hiệu ứng cộng hưởng giữa cảnh phim và nhạc nền thực sự đã chạm vào tim khán giả. Trong cảnh phim dài hai phút ấy, giai điệu Love Theme vang lên vừa ngọt ngào, sâu lắng, lại vừa da diết - đặc biệt là khúc vĩ thanh ở những giây cuối cùng.
Việc Moricone đặt tên phần nhạc chủ đề là Love Theme cũng không ngạc nhiên bởi Cinema Paradiso là bài ca lãng mạn về cuộc sống, tình bạn và tình yêu. Mỗi người sẽ có những chiêm nghiệm, cảm xúc riêng khi xem phim với những ký ức về tuổi thơ, mối tình đầu đẹp đẽ hay tình bạn tri kỷ. Với những người ở làng quê nghèo Giancaldo ấy, rạp Paradiso là nơi để họ tụ tập giải trí, tìm sự thư giãn trong cuộc sống; còn người xem Cinema Paradiso lại coi bộ phim như tác phẩm để chiêm nghiệm vẻ đẹp của cuộc sống và tìm sự bình yên, chốn thiên đường của riêng họ trong tâm trí.
Là một phim khắc họa sâu sắc lịch sử và điện ảnh của nước Italy, Cinema Paradiso là tác phẩm không có tuổi, giống như hình ảnh nụ cười của ông già Alfredo. Đây là bộ phim bạn nên xem ít nhất một lần trong đời, để được nghe bài học về cuộc sống, thả hồn trong ký ức tuổi thơ, chứng kiến thời hoàng kim của rạp chiếu bóng và đắm mình trong tiếng nhạc du dương của Ennio Moricone.
Thịnh Joey