NSƯT Bùi Cường đột ngột qua đời rạng sáng 3/8 ở Hà Nội, để lại niềm thương tiếc cho nhiều đồng nghiệp và người hâm mộ. Trước đó vài tháng, nghệ sĩ vẫn giữ tinh thần, sức khỏe tốt. Trước khi mất không lâu, ở tuổi ngoài 70, ông thường xuyên xa nhà, vào miền Nam làm đạo diễn phim truyền hình. Ông thuê dài hạn một căn hộ ở TP HCM để tiện cho công việc. Những lúc ở Hà Nội, ông vùi đầu làm việc tại nhà riêng ở Đội Cấn.
Dịp cuối tháng 5, ông khoe đang nghiên cứu kịch bản phim Nắng ấm tình anh mà ông sắp bấm máy: "Tiến độ làm việc của các hãng phim trong TP HCM rất nhanh. Có khi, tôi hoàn thành một tập phim tình cảm trong hai ngày. Để được như vậy, tôi phải nghiên cứu kỹ lưỡng cốt truyện, nhân vật, bối cảnh để đến khi ra hiện trường không lúng túng". Trước đó, ông vừa hoàn thành phim Tổ ấm gió lùa về đề tài tình cảm gia đình.
Cuối đời, ông nung nấu ý định thực hiện một phim điện ảnh về nhân vật Lão Hạc của nhà văn Nam Cao. Nghệ sĩ say sưa nói về cái hay của nhân vật này - một lão nông khốn khổ chấp nhận chết để giữ được mảnh đất cắm dùi cho thằng con trai đi làm ăn xa. "Lão Hạc trước đây được tái hiện trong Làng Vũ Đại ngày ấy cùng Thị Nở, Chí Phèo, ông giáo... Tôi muốn khắc hoạ nhân vật này trọn vẹn, sâu sắc hơn", Bùi Cường giãi bày.
Ông có hai cô con gái nhưng cả hai đều không làm nghệ thuật. Bù lại, con rể út theo nghiệp bố vợ. Anh xuất thân là diễn viên, sau chuyển hướng làm trợ lý, phó đạo diễn cho bố. Đến nay, anh đã đủ sức đứng riêng, tự thực hiện nhiều dự án. Trên phim trường, mỗi khi hai người bất đồng quan điểm, ông một mực dùng kinh nghiệm của mình để thuyết phục con.
Bùi Cường chuyển hướng làm đạo diễn khi nổi tiếng với vai Chí Phèo trong Làng Vũ Đại ngày ấy. Thập niên 1990, đồng lương diễn viên thấp, ông loay hoay tính kế sinh nhai. Lúc đó, ông mạnh dạn vay vốn bà xã, vào Sài Gòn thực hiện phim truyện Người hùng râu quặp. Trong phim, lần đầu Minh Vượng bén duyên với lối diễn hài. Tác phẩm khá ăn khách, Bùi Cường có tiền trả vợ và thực hiện tiếp phần hai. Năm 1996, ông làm đạo diễn phim truyện nhựa tâm lý Người đàn bà không con, được giới chuyên môn đánh giá cao. Phim truyền hình Vị tướng tình báo và hai bà vợ ra đời năm 2003 được khán giả cả nước yêu thích.
Ông tự nhận gia tài phim ảnh của mình khá phong phú, thế nhưng thành công quá lớn của vai diễn Chí Phèo "phủ bóng lên tất cả". "Mỗi khi gặp gỡ bạn bè, đối tác, mọi người đều giới thiệu tôi là 'anh Chí'. Tôi đi ra đường, khán giả cũng nhận ra và gọi Chí Phèo. Tôi hạnh phúc nhưng cũng đôi lúc tủi thân vì nhiều việc mình làm không ai biết đến". Tuy vậy, ông vẫn vô cùng trân trọng, yêu mến vai diễn. Trong căn phòng làm việc rộng gần 30 mét vuông ở Hà Nội, nghệ sĩ lưu giữ nhiều kỷ vật liên quan đến nhân vật Chí Phèo. Bức áp phích phim Làng Vũ Đại ngày ấy đóng khung, treo cao, gần cửa ra vào. Hai bức tượng Chí Phèo - Thị Nở nằm ngay ngắn phía trên ghế sô pha. Trong tủ kính, bức họa Chí Phèo do Thành Chương sáng tác được đặt trang trọng.
Trước đây, ở độ tuổi trai tráng, Bùi Cường thu hút với ngoại hình lãng tử, thường được đóng vai chính diện. Vì vậy, nghệ sĩ bất ngờ khi được đạo diễn Phạm Văn Khoa mời đóng Chí Phèo. Trước khi vào vai, ông tìm đọc truyện, ngẫm nghĩ từng câu chữ của nhà văn Nam Cao. Ông tự sáng tạo ra điệu cười khùng khục như chó hóc xương, ánh mắt nửa say nửa tỉnh và một số câu thoại của Chí Phèo. "Bạn phải sống với vai diễn, đau đáu với nhân vật mới mong nó thành công và đi vào lòng khán giả", Bùi Cường giãi bày.
Đam mê nghệ thuật, Bùi Cường thừa nhận không có nhiều thời gian dành cho gia đình. Ông tự hào mỗi lần nhắc đến người vợ đảm đang, tháo vát đứng sau thành công của mình. Bà bỏ công việc thuộc biên chế nhà nước, xoay xở kinh doanh cà phê rồi chuyển sang may áo dài, áo cưới để có đồng ra đồng vào, giúp ông yên tâm làm nghệ thuật. "Hồi trẻ, bà xã tôi đẹp lắm, cánh diễn viên nữ còn thua. Chí Phèo lại lấy được vợ đẹp", ông cười khà khà. Ở tuổi thất thập, ông bà vẫn xưng hô ngọt ngào, tình cảm. Do thường xuyên đi làm xa, bà xã Bùi Cường hay trách chồng: "Ông cứ như bộ đội, ở nhà được vài ba hôm lại đi biền biệt". Ông lại nhẹ giọng an ủi: "Giờ tôi có sức khỏe, tình yêu nghề vẫn còn thì phải tranh thủ làm. Sau này, khi yếu rồi, có muốn tôi cũng chẳng làm được. Lúc đó, tôi tha hồ ở nhà với bà".
Tinh thần làm việc hăng say, tính cách cởi mở giúp nghệ sĩ Bùi Cường được bạn bè, đồng nghiệp yêu mến, kính trọng. Nhiều bạn bè nhận xét ông là người hiền lành, ấm áp, yêu động vật. Xem Chí Phèo trên màn ảnh với ánh mắt trắng dã, giọng cười khả ố, điệu bộ bê tha, lúc nào cũng sẵn sàng rạch mặt ăn vạ, nhiều người bất ngờ khi ngoài đời, Bùi Cường có chất giọng trầm ấm, ánh mắt hiền từ.
Sự ra đi của ông là mất mát lớn cho nền nghệ thuật nước nhà. NSND Minh Châu chia sẻ chị thấy hụt hẫng như mất đi người thân trong gia đình. "Anh Bùi Cường học cùng tôi khóa thứ hai trường Điện ảnh Việt Nam (nay là Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội). Anh lớn tuổi nhất lớp nên được bầu làm lớp trưởng. Mỗi lần có chuyện vui, buồn, chúng tôi đều kể lể với anh. Cả hai còn đóng chung vở kịch tốt nghiệp, trong đó tôi vào vai người yêu của anh", Minh Châu kể.
NSND Trà Giang sửng sốt khi hay tin, bà phải gọi điện cho NSND Minh Châu để xác nhận. Bùi Cường học sau Trà Giang một khóa, hai người từng hợp tác trong phim Kẻ giết người năm 1988. Bà ấn tượng với đàn em bởi tinh thần giàu nhiệt huyết, trách nhiệm và tình yêu nghề của ông. "Tôi biết ông còn sung sức, nung nấu nhiều dự định cho phim ảnh lắm", Trà Giang ngậm ngùi.
Nghệ sĩ Bùi Cường ra đi khi đang chờ kết quả xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân năm 2018. Sinh thời, ông chia sẻ không đặt nặng chuyện danh hiệu. "Tôi hài lòng vì mình có vai diễn để đời và được khán giả ghi nhận, như vậy là đủ". Diễn viên Minh Châu cũng bày tỏ: "Bùi Cường vốn đã là nghệ sĩ của nhân dân từ rất lâu rồi".
Lễ viếng diễn viên diễn ra lúc 7h30 sáng 7/8 tại Nhà tang lễ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ hỏa táng diễn ra cùng ngày tại Đài hóa thân Hoàn vũ, Thanh Trì, Hà Nội.
Hà Thu