Khi tham dự cuộc hội thảo về công tác chuẩn bị cho bộ phim cùng với đạo diễn Trịnh Hiểu Long, Mạc Ngôn nói, ông hy vọng bộ phim mới này sẽ thu hút được khán giả xem truyền hình hiện nay. Ông cũng tiết lộ thêm, vào năm 2008, ông đã từng thử chuyển thể cuốn tiểu thuyết nhưng không thành công vì quá khó.
“Cao Lương Đỏ” từng được đạo diễn Trương Nghệ Mưu chuyển thể thành phim điện ảnh vào năm 1987. Sau khi công chiếu, bộ phim nhận được nhiều lời ca tụng và giành giải thưởng Gấu Vàng tại LHP Quốc tế Berlin năm 1988.
Nhưng tác phẩm này chưa bao giờ được chuyển thể thành phim truyền hình, thậm chí ngay cả khi nó giành vị trí đầu tiên trong bảng xếp hạng sách bán chạy nhất và cả sau khi Mạc Ngôn giành giải Nobel Văn học. Theo Mạc Ngôn, lý do là “Bộ phim điện ảnh Cao Lương Đỏ của đạo diễn Trương Nghệ Mưu quá tuyệt vời và có sức ảnh hưởng trên toàn thế giới nên nhiều nhà làm phim truyền hình không muốn thử sức”.
Mạc Ngôn hy vọng phiên bản phim truyền hình sẽ đem lại nhiều sự bất ngờ cho ông giống như bản điện ảnh đạo diễn Trương Nghệ Mưu đã làm trước đây. Ông nói: “Trong những năm gần đây, những bộ phim với đề tài chiến tranh chống Nhật được chiếu quá nhiều trên màn ảnh, vì thế rất khó để có thể biết được thị hiếu của khán giả hiện nay. Tôi chỉ nghĩ rằng, chúng ta nên thêm chút hài hước một cách chua chát vào bộ phim hơn là chỉ miêu tả bi kịch của dân tộc”.
Mạc Ngôn cho biết thêm ông không thể nhớ tất cả ý tưởng chuyển thể từ năm 2008 nhưng ông hy vọng đạo diễn Trịnh Hiểu Long sẽ chú ý tới cả một số nhân vật phụ trong tác phẩm, những người mà đạo diễn Trương Nghệ Mưu không phác họa trong bộ phim của ông.
Đạo diễn Trịnh Hiểu Long là một trong những đạo diễn dòng phim truyền hình nổi tiếng nhất Trung Quốc. Ông chính là đạo diễn các bộ phim truyền hình rất nổi tiếng như: “Yearning”, “ Người Bắc Kinh ở New York”, và gần đây là “Hậu Cung Chân Hoàn Truyện”, bộ phim này đã được một vài quốc gia khác mua lại bản quyền công chiếu.
Trịnh Hiểu Long nói rằng khi đồng ý tham gia dẫn dắt bộ phim, ông phải chịu áp lực rất lớn vì sự thành công của đạo diễn Trương Nghệ Mưu trước đây. Cộng thêm đó là áp lực đến từ người hâm mộ tác phẩm cũng như khán giả truyền hình. Tuy nhiên, khi đọc kịch bản, ông tin là ông có thể làm được.
Ngoài ra, nhà văn Mạc Ngôn cũng cho Trịnh Hiểu Đông quyền tự do chuyển thể kịch bản theo ý của ông, điều này khiến cho Trịnh Hiểu Long cảm thấy nhẹ nhàng hơn. Ông nói: “Tôi có thể thoải mái sáng tạo, nếu không tôi sẽ chết vì sợ mất”.
Lê Phượng