Hồi tháng 5, bộ phim Love gây chấn động khi ra mắt ở Liên hoan phim Cannes. Tác phẩm về tình yêu của đạo diễn người Pháp – Gaspar Noé – khiến người xem chóng mặt bởi hàng loạt cảnh tình dục trần trụi, đặc biệt có cảnh sex thật cũng như mô tả cận cảnh trạng thái hưng phấn của nam chính. Sau khi công chiếu rộng rãi ở Pháp với mức kiểm duyệt 18+, tác phẩm được lựa chọn tham gia liên hoan phim Toronto trong hạng mục Vanguard - vinh danh những thử nghiệm điện ảnh độc đáo, tiên phong trong sáng tạo.
Trước Love, hai phim trở thành hiện tượng trong cộng đồng người yêu điện ảnh là Blue is the warmest Color và Stranger by the Lake đều là những tác phẩm châu Âu có nhiều cảnh "nóng" hết cỡ. Blue is the warmest Color chứa cảnh làm tình kéo dài tới hơn 10 phút của hai diễn viên nữ. Tác phẩm giành giải cao nhất Liên hoan phim Cannes - Cành Cọ Vàng.
Phim Stranger by the Lake mang về cho đạo diễn người Pháp - Alain Guiraudie - giải "Đạo diễn xuất sắc", hạng mục Un Certain Regard (Một cái nhìn khác) cũng tại Liên hoan phim Cannes. Phim gây sốc với bất kỳ người xem không chỉ bởi nhiều lần phơi bày trên hình bộ phận nhạy cảm của nam giới, mà còn chứa cảnh sex thật bởi các diễn viên đóng thế.
Được làm bởi đạo diễn châu Âu cực đoan – Lars Von Trier, Nymphomaniac (2012) và Antichrist (2009) vừa nổi tiếng vừa tai tiếng như những tác phẩm phá cách bậc nhất. Trong khi Nymphomaniac đi sâu khai thác tâm lý của một người đàn bà cuồng dâm thì Antichrist mô tả cuộc sống mất cân bằng của đôi vợ chồng bị ám ảnh nặng nề về tình dục. Đầy rẫy các cảnh khỏa thân, cảnh làm tình trong mọi bối cảnh và mọi tư thế, phim cũng pha trộn nhiều cảnh sex thật của chính các diễn viên.
Theo cây bút Chris Heard của tờ BBC, cảnh sex trần trụi - cực đoan nhất là sex thật - đang đẩy điện ảnh tới biên giới mới. Hơn 50 năm trước, Hollywood gần như không ghi hình ngay cả cảnh khỏa thân của diễn viên. Những năm 1970, những làn sóng văn hóa mới diễn ra, kéo theo thay đổi về cảnh tình dục trong điện ảnh. Last Tango in Paris (1972) hay In the Realm of Senses (1976) là những bộ phim đầu tiên khiến người xem choáng váng khi khai thác trần trụi tình dục trên màn ảnh rộng.
Trào lưu phim có chứa cảnh sex thật nở rộ với các phim The Idiots (1998), Romance (1999), Baise-moi (2000), Intimacy (2001), 9 Songs (2002). Bằng cách đưa những khuôn hình cận cảnh các hoạt động tình dục lên hình, những bộ phim như phá bỏ hẳn mọi cấm đoán về tình dục trong phim.
Mặc dù vậy, Hollywood hiếm khi khai thác cảnh sex trần trụi hoặc cảnh sex thật trong phim chiếu rạp rộng rãi. Nhà phê bình Jonathan Romney của tờ The Guardian từng chỉ ra rằng cảnh sex trần trụi hoặc cực đoan khiến phim bị khán giả đại chúng tẩy chay và thường lỗ vốn. Thay vào đó, tình dục bắt đầu được các nhà làm phim độc lập và nghệ thuật tận dụng tối đa, mang đến những thử nghiệm phá cách nhất.
Hầu hết nhà làm phim dùng cảnh sex thật trong các câu chuyện của mình đều thấy cảnh phim quan trọng với sức nặng của câu chuyện khi chúng lột tả chân thực hơn cảm xúc và mạch truyện. "Love khắc họa con người đang yêu bằng hành vi tình dục. Để mô tả tình dục không thể không phơi bày bộ phận nhạy cảm lên hình hoặc không có cảnh trần trụi, sex thật", đạo diễn Gaspar Noé nói.
Chứa những cảnh trần trụi “vượt rào”, phim không dành cho trẻ em luôn phân luồng giới phê bình và công chúng.
Tới nay, Love là tác phẩm điện ảnh gây tranh cãi nhất năm khi thách thức biên giới giữa phim nghệ thuật và sản phẩm khiêu dâm. Khi ra rạp Pháp, phim Love bị một nửa số ý kiến chỉ trích là tác phẩm đồi bại. Luật sư Patrice André khẳng định trên AlleCine rằng: "Đây là phim khiêu dâm trở lại rạp chính thống" và đệ đơn lên tòa án Paris đòi phim phải có nhãn 18+ thay vì 16+. Yêu cầu này được chấp thuận - điều chưa có trong lịch sử phát hành Pháp.
Tuy nhiên, một số nhà chuyên môn bảo vệ phim như câu chuyện nhiều tính thơ. Nhà tuyển phim Colin Geddes cho Liên hoan phim Toronto ca ngợi: "Chúng tôi công nhận rằng tác phẩm này không gây hấn và tai tiếng như nó đáng phải chịu. Trên hết, bộ phim này đẹp và gây sững sờ. Love là một cái nhìn đầy tình cảm về cách chúng ta làm tình". Tương tự Love, Blue is the warmest color cũng bị nhiều giới phê bình chê bai là tác phẩm vi phạm ranh giới giữa khiêu dâm quá đà ngay cả khi giành được giải Cành Cọ Vàng.
Nhà phê bình Jonathan Romney chia sẻ: “Đề tài tình dục đang là phương tiện hữu hiệu cho các đạo diễn độc lập đưa ra tiếng nói riêng. Trong khi những bộ phim này bị chỉ trích mang nặng tính khiêu dâm, không ít tác phẩm là những công trình nghiên cứu thực thụ về tính cách con người, là những câu chuyện gợi suy ngẫm. Những cảnh sex trần trụi cùng lúc đốt mắt người xem, lại là phương tiện rõ nhất để mô tả trạng thái tinh thần của nhân vật chính".
Cây bút bày tỏ thêm cảnh sex đủ mọi kiểu ngập tràn trong phim không có nghĩa phim khiêu dâm. "Điện ảnh giờ có làn sóng phim coi tình dục như một phần nghiêm túc, đề tài của cuộc sống", Jonathan Romney nói.
Vũ Văn Việt