Một cảnh trong phim Gái nhảy. |
Các bộ phim đang được sản xuất theo kiểu Gái nhảy như Những cô gái chân dài, Công nghệ lăng xê… đều tập trung khai thác đề tài hậu trường sân khấu, hậu trường quán bar, vũ trường… Những ông chủ đầu tư cho các phim này đều kỳ vọng thu được lợi nhuận lớn, ít ra thì cũng cỡ 1/2 Gái nhảy. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều đạo diễn, và ngay cả đạo diễn Lê Hoàng cũng phải thừa nhận, Gái nhảy đã đem lại doanh thu cao nhưng về phương diện nghệ thuật, còn bộc lộ quá nhiều lỗ hổng. Trên thực tế, giới điện ảnh quốc tế ngày càng biết đến phim Việt Nam, nhưng chính là nhờ những tác phẩm có doanh thu thấp như Thương nhớ đồng quê, Ngã ba đồng lộc, Đời cát, Mùa ổi… chứ không phải Gái nhảy. Bộ phim này vừa tham gia Liên hoan Phim Châu Á Thái Bình Dương lần thứ 48 ở Iran và không gây được sự chú ý nào đáng kể, bởi đề tài phim chỉ mới mẻ ở Việt Nam.
Nhà phê bình Đức Kôn có một tham luận khá gay gắt về vấn đề phim thương mại. Ông cho rằng thực tế hiện nay những người làm phim, cả quốc doanh và tư nhân, đều nung nấu một ước mơ "cháy bỏng" là làm sao để ra mắt một bộ phim ăn khách. Họ chỉ vì đồng tiền mà chạy theo những thị hiếu tầm thường khiến khán giả "tử tế" phải đỏ mặt. "Họ lợi dụng sự dễ dãi, nham nhở và đa tạp của đại chúng để cho ra đời những “thương phẩm” tạp nham với mục đích vừa móc túi họ, vừa vuốt ve đầu độc họ. Đó không chỉ là một trò đùa vui thiếu văn hoá mà còn là một sự phá hoại, phản lại một nền nghệ thuật tử tế", ông Kôn nói.
Còn đạo diễn, NSND Huy Thành, Tổng thư ký Hội điện ảnh TP HCM lại có ý kiến: "Đừng gọi phim Gái nhảy là phim thương mại theo cái nghĩa xem thường về đẳng cấp. Những người làm phim này đã làm được cái việc thu hút đông đảo người xem vốn đã lãng quên không khí thánh đường của điện ảnh ở các rạp chiếu từ hàng chục năm nay. Điện ảnh Việt Nam tồn tại hay không tồn tại, không thể tách rời chuyện thu hút khán giả làm quen lại, dẫn đến nghiện xem phim ở rạp như thuở nào. Quan tâm và coi trọng tính thương mại không đồng nghĩa với việc thương mại hoá giá trị sản phẩm".
Ý kiến này của ông Thành đã được các giám đốc rạp chiếu phim hoan nghênh. Nhưng họ, những người được làng điện ảnh mệnh danh là "cây cầu đưa công chúng đến nghệ thuật thứ 7", cũng không quên đòi hỏi các đạo diễn phải làm thế nào để yếu tố nghệ thuật và doanh thu gặp nhau trong cùng một phim. Trên thế giới có rất nhiều phim như Titanic, vừa đạt doanh thu vừa mang tính nghệ thuật cao; hay mới đây là Ngọa hổ tàng long của Trung Quốc, vừa đem lại lợi nhuận rất cao, vừa có những đột phá về chất lượng nghệ thuật, mở ra một hướng làm phim mới cho điện ảnh nước này.
Thu Hằng