Liên hoan phim Cannes là sự kiện điện ảnh lâu đời và có uy tín bậc nhất thế giới. Kỳ liên hoan lần thứ 71 vừa diễn ra từ ngày 8 đến 19/5 tại Pháp. Đến nay, chỉ có chín phim châu Á đoạt giải cao nhất tại đây, trong đó Nhật Bản chiếm tới năm phim. Các quốc gia còn lại từng đoạt Cành Cọ Vàng là Trung Quốc (Bá vương biệt Cơ), Ấn Độ (Lowly City), Iran (Taste of Cherry), Thái Lan (Uncle Boonmee Who Can Recall His Past Lives).
Năm tác phẩm giúp nền điện ảnh Nhật Bản gây tiếng vang tại Cannes:
Gate of Hell (Cửa địa ngục)
Dài 86 phút, Gate of Hell của đạo diễn Teinosuke Kinugasa là phim màu đầu tiên do hãng Daiei Studios sản xuất, ra mắt năm 1953. Tác phẩm đoạt Giải thưởng lớn của Liên hoan phim quốc tế năm 1954 (Grand Prix). Đây là tên gọi cũ dành cho tác phẩm đoạt giải quan trọng nhất tại LHP Cannes. Từ năm 1975, giải này được gọi là Cành Cọ Vàng.
* Trailer phim "Gate of Hell"
Nhân vật chính của phim là samurai Morito Endo (Kazuo Hasegawa đóng), trong một cuộc bạo loạn đã cứu được Kesa (Machiko Kyō đóng). Morito muốn cưới Kesa nhưng nàng đã có chồng. Bỏ mặc luân lý, sự chê cười, trách cứ, Morito quyết tâm cưới nàng làm vợ. Tình yêu trong Morito dần trở thành sự khao khát chiếm hữu. Trong mắt chàng, Kesa quan trọng hơn tất thảy, từ danh hiệu samurai tới đạo đức. Ham muốn đó dần làm lu mờ những phẩm chất tốt đẹp của Morito, biến chàng thành ác quỷ, không từ việc giết người. Morito dự định giết chồng của Kesa nhưng trớ trêu lại tự tay giết người mình yêu. Chỉ tới lúc đó, chàng mới tỉnh ngộ.
Không chỉ lột tả sự chuyển biến tâm lý nhân vật, phim gây choáng ngợp bởi sự phối hợp các gam màu, nhất là sự tương phản giữa trang phục hoa lệ giữa khung cảnh chém giết thời loạn lạc. Trong giai đoạn phim màu chưa phát triển, Gate of Hell là bữa tiệc màu sắc thịnh soạn nhờ sử dụng công nghệ quay phim hiện đại nhất thời bấy giờ.
Ngoài giải thưởng lớn nhất tại LHP Cannes, Gate of Hell còn đoạt giải Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất và Thiết kế trang phục đẹp nhất ở giải Oscar của Mỹ năm 1954. Tờ The New York Times nhận định mọi sắc thái của văn hóa cổ Nhật Bản được truyền tải sống động trong tác phẩm này.
Kagemusha (Võ sĩ thế thân)
Phim của đạo diễn bậc thầy thế giới Akira Kurosawa ra mắt năm 1980, lấy bối cảnh quần hùng tranh bá thời Chiến quốc Nhật Bản hồi thế kỷ 16. Lãnh chúa Takeda Shingen (Tatsuya Nakadai đóng) bị quân địch bắn trọng thương, trước khi chết, ngài dặn thuộc hạ giấu kín cái chết của mình trong ba năm đồng thời không động binh, chỉ giữ vững lãnh thổ.
Tên trộm Kagemusha có tướng mạo giống Takeda Shingen nên được chọn đóng giả ông để qua mắt binh lính, đối thủ. Ông lộ thân phận đóng giả sau khi bị con ngựa của Takeda Shingen hất ngã. Lúc bấy giờ, mọi người mới vỡ lẽ mình bị qua mắt, chỉ trừ con ngựa.
Kagemusha bị đuổi đi trong một ngày mưa tầm tã. Một người khác tiếp quản ngôi lãnh chúa, mang quân đi mở mang bờ cõi. Kagemusha - lúc này là một dân thường - chứng kiến trận đánh kinh hoàng của phe Shingen và đối thủ. Binh lính đổ máu, nằm la liệt, những con ngựa trúng thương giãy giụa trong đau đớn. Kagemusha cũng trúng đạn, ánh mắt ông vừa thảng thốt vừa căm phẫn khi thấy cảnh điêu tàn của binh lính Shingen.
* Cảnh giao tranh trong "Kagemusha"
Akira Kurosawa thiếu thốn kinh phí khi làm phim này. Không có công ty nào chấp nhận đầu tư tác phẩm vì những phim trước đó của ông thất bại thảm hại về doanh thu. Sau đó, hai nhà làm phim tên tuổi của Mỹ là Kagemusha George Lucas và Francis Coppola giúp đỡ kinh phí để Akira Kurosawa thực hiện tác phẩm.
Tổng vốn đầu tư của Kagemusha lên đến 2,5 tỷ yen (22,5 triệu USD). Phim có những cảnh quay giao tranh hùng tráng, không dùng đến kỹ xảo. Hơn 300 con ngựa được sử dụng trong tác phẩm. Ngoài giải Cành Cọ Vàng, tác phẩm được đề cử Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất tại Oscar năm 1981.
The Ballad of Narayama (Bài ca núi Narayama)
Phim của đạo diễn Shohei Imamura kể câu chuyện thảm khốc, đầy ám ảnh tại một ngôi làng nghèo khổ của Nhật Bản thế kỷ 19. Làng được bao quanh bởi núi rừng trùng điệp, gần như tách biệt thế giới bên ngoài. Thực phẩm khan hiếm, làng có tập tục mỗi hộ gia đình chỉ có con trai cả được kết hôn, những con trai thứ chỉ được làm lụng kiếm đồ ăn cho cả nhà. Ngoài ra, những ai sống đến 70 tuổi, dù còn khỏe mạnh, đều phải tới một ngọn núi cách xa thôn xóm để tự chết, nhằm giảm gánh nặng thực phẩm cho gia đình và dân làng. Bà Orin (Sumiko Sakamoto đóng) sắp tới lúc phải lên núi nhưng không hề bận tâm về điều đó, mà chỉ canh cánh chuyện tục huyền cho con trai cả. Bà còn tìm một cô gái để giúp con trai thứ được trải nghiệm thú hoan lạc nam nữ.
Xong việc, bà an lòng để con trai cả cõng mình lên núi. Phim khắc sâu cảnh người con cõng mẹ già và bỏ lại bà giữa núi non điệp trùng, hiểm trở. Khung cảnh tuyết rơi, bầy quạ chờ rỉa xác làm tăng sự thê lương, thảm khốc và tính ám ảnh của câu chuyện. Phim được đánh giá cao vì lột tả chân thực cuộc sống đói khổ, ham muốn trần tục, tình thương của người mẹ trong bối cảnh con người lạnh lùng với nhau. Tác phẩm giành Cành Cọ Vàng năm 1983.
The Eel
Với phim The Eel (1997), đạo diễn Shohei Imamura lần thứ hai có tác phẩm thắng giải Phim hay nhất tại LHP Cannes. Tác phẩm chuyển thể tiểu thuyết của nhà văn Akira Yoshimura, kể về Takuro Yamashita - một người đàn ông lao động bình thường - nhận được tin báo vợ ngoại tình. Bắt quả tang vợ vụng trộm, anh phẫn nộ giết chết cô và phải ngồi tù. Sau khi được trả tự do, Takuro Yamashita mở một tiệm cắt tóc nhỏ nhưng không trò chuyện cởi mở cùng ai. "Người bạn" duy nhất anh giãi bày cùng là một con lươn. Một hôm, Takuro tình cờ cứu sống Keiko Hattori - cô gái uống thuốc ngủ quá liều để tự tử. Keiko tới tiệm cắt tóc làm việc cùng Takuro nhằm báo đáp anh. Sự lương thiện, trong sáng của cô gái cảm hóa trái tim băng giá của Takuro Yamashita. Người tình cũ của Keiko xuất hiện làm đảo lộn cuộc sống của Takuro. Dù biết nếu xảy ra xung đột với người khác sẽ lại bị tống vào tù, Takuro Yamashita vẫn ra tay để bảo vệ cô gái.
Tác phẩm được giới phê bình đánh giá cao về cách xây dựng tuyến nhân vật cùng câu chuyện thấm đẫm tính nhân văn, giúp tinh thần tác phẩm của Shohei Imamura vượt qua không gian Nhật Bản. Như chính đạo diễn từng nói, phim của ông quan tâm tới nửa đời cuối của con người và tầng lớp thấp trong xã hội.
Shoplifters
LHP Cannes 2018 mới đây khép lại với sự vinh danh dành cho phim của đạo diễn Hirokazu Kore-eda. Tác phẩm xoay quanh một gia đình hành nghề trộm cắp. Một ngày nọ, người bố - Osamu (Lily Franky đóng) - gặp một bé gái bị bạo hành tên Juri (Sasaki Miyu) và đưa về nuôi. Gia đình bắt đầu xào xáo với thành viên mới, còn Osamu dần dạy cô bé cách trộm vặt để hành nghề cùng ông. Cate Blanchett - chủ tịch ban giám khảo - cho biết phim có cái kết tràn ngập cảm xúc, khiến những người chấm giải suy nghĩ suốt nhiều ngày.
Trương Chấn - thành viên ban giám khảo - chia sẻ trên Sina đề tài của Shoplifters quá đặc biệt, xoay quanh khúc mắc khó hóa giải giữa tình yêu và tội lỗi, lột tả sự tàn khốc của hiện thực sống. Anh cho rằng đó là một mặt của cuộc sống và cần được nhiều người nhìn thấy, thấu cảm.