Hôm 29/1, New York Times trích dẫn nghiên cứu của nhà sản xuất phim kiêm giáo sư Đại học Điện ảnh và Truyền hình quốc gia Anh - Stephen Follows, lần đầu tiên công bố những con số thú vị về những chiến dịch đua giải Oscar ở kinh đô điện ảnh.
Viện Hàn lâm Mỹ có hơn 6.000 thành viên chia thành các nhánh tương ứng hoạt động chuyên biệt như đạo diễn, nhà sản xuất, biên kịch, diễn viên, nhà phê bình. Quá trình bầu chọn Oscar được thực hiện bởi 6.000 thành viên này.
Trong vòng lựa chọn đề cử từ hàng trăm phim gửi đến, thành viên của mỗi nhánh chỉ bầu chọn cho đề cử tương ứng. Đạo diễn chỉ bỏ phiếu cho đề cử hạng mục "Đạo diễn xuất sắc" và diễn viên chỉ bỏ phiếu cho đề cử ở mục "Diễn viên xuất sắc". Ở các hạng mục Phim nước ngoài, Phim tài liệu, Phim hoạt hình và Phim xuất sắc, tất cả thành viên mọi nhánh bỏ phiếu đề cử. Bước vào vòng trong - khi danh sách đề cử ở mỗi hạng mục đã được công bố, 6.000 thành viên của Viện Hàn lâm đều được bỏ phiếu bầu chọn giải thưởng ở tất cả hạng mục.
Hoạt động của các hãng phim trong chiến dịch tranh Oscar gồm mọi việc nhằm gây ảnh hưởng lên 6.000 thành viên Viện Hàn lâm, theo luật. Các hoạt động chủ yếu gồm trình chiếu phim, quảng cáo trên mọi phương tiện in ấn và truyền thông, quảng bá trực tiếp phim đến từng thành viên Viện Hàn lâm bằng cách gửi các thông tin và phim, PR cho phim và vận động hành lang - đưa ngôi sao đến các giải tiền Oscar và trả tiền cho các hoạt động nhằm làm tăng uy tín phim của hãng và giảm uy tín phim của địch thủ.
Chiến dịch tranh giải Oscar của các hãng sản xuất Hollywood cũng chia theo hai giai đoạn: vòng đề cử và vòng tranh giải. “Để một phim giành giải lớn nhất, hãng phim thường chi hết khoảng 10 triệu USD toàn chiến dịch - gấp đôi chi phí chiến dịch tranh cử giành một ghế trong Quốc hội Mỹ”, ông Stephen chia sẻ.
Khâu quảng cáo tốn nhiều tiền nhất, khoảng nửa chi phí cả chiến dịch. Các trường quay tiêu trung bình 3,5 triệu USD để quảng cáo ở khắp nơi vào mùa Oscar. Một trang quảng cáo trên tờ The Hollywood Reporter cho một đề cử "Phim xuất sắc" hết 72.000 USD. Khoảng 850.000 USD được sử dụng cho việc thực hiện và gửi các bản DVD cho hơn 6.000 thành viên Viện Hàn lâm.
Khoảng 1 đến 2 triệu USD được sử dụng cho các hoạt động khác như tổ chức sự kiện chiếu phim, đưa sao đến tham dự các lễ trao giải tiền Oscar, thuê chuyên gia quảng bá. Năm 2013, nhà sản xuất phim Harvey Weinstein đã thuê chuyên gia từng phụ trách chiến dịch tranh cử cho Tổng thống Obama với giá gần 20.000 USD chịu trách nhiệm chiến dịch tranh giải Oscar cho phim Silver Linings Playbook.
Ước tính tổng số tiền Hollywood sử dụng mỗi năm để quảng bá phim của mình đến các thành viên Viện Hàn lâm từ 100 triệu USD đến 500 triệu USD. Những phim như Shakespeare in Love (1998) hoặc The Hurt Locker (2008) ban đầu bước vào chiến dịch như những đề cử yếu thế. Tuy vậy, các phim này được cho là giành được giải "Phim xuất sắc" phần lớn nhờ thành công của các chiến dịch quảng bá triệu đô. Chi phí chiến dịch tranh giải Oscar cho phim The Hurt Locker năm 2009 là 5 triệu USD còn chi phí cho Shakespeare In Love hết tới 15 triệu USD.
Bỏ ra triệu đô để tranh giải Oscar, các hãng phim thường thu lại danh tiếng hơn là lợi ích doanh thu, trong trường hợp phim giành giải. Năm 2013, nhà nghiên cứu Edmund Helmer tính toán rằng lợi ích phòng vé nhờ được giải Oscar của một phim là 3 triệu USD (thâm hụt so với 10 triệu chi phí). Lý do bởi những bộ phim tranh giải Oscar luôn được trình chiếu trước khi lễ trao giải được công bố, vì thế khán giả Bắc Mỹ khi biết phim giành giải cũng không có cơ hội ra rạp xem. Một nam diễn viên giành Oscar có thể tăng thêm 3,9 triệu USD tiền thù lao đóng phim trong vòng 3 năm sau đó. Con số cho nữ diễn viên tương ứng chỉ là 500.000 USD.
Vũ Văn Việt