Một chiếc xuồng máy lao vút trên mặt hồ, dựng nước thành những luồng sóng lớn. Chiếc xuồng chạy phía ngoài một lúc rồi bỗng quay ngoắt lại, lao thẳng vào sàn nổi. Một tiếng va mạnh, một tiếng kêu “ối”.
Cô gái bật đứng dậy. Thằng bé đã biến mất dưới sàn ván. Trên mặt nước cuồn cuộn bập bềnh miếng xốp trắng. Người lái xuồng máy cúi xuống vớt miếng xốp ném lên xuồng, chửi:
- Mẹ kiếp!
Anh ta nhổ nước bọt rồi tăng tốc. Chiếc xuồng phóng vút đi như tên bắn và biến mất phía bờ xa.
*
Phải mất khá nhiều thời gian cô gái mới tìm được tới đây. Xóm sau ga bụi than bám đầy trên các bức tường cũ. Ánh sáng mờ đục của các ngọn đèn nhấp nhô trong các nhà làm con đường lồi lõm, vấp váp. Cô phải từng bước dò dẫm.
Cuối cùng, cô cũng tìm được đến nơi cô muốn đến.
Người đàn bà ra mở cửa cho cô không còn trẻ nhưng chưa già. Bà có đôi mắt đã nhìn một lần thì phải nhớ mãi: Đó là một đôi mắt đen và sâu. Màu da khô sạm nắng và những nếp nhăn làm nó trở nên khô khốc. Có lẽ không thể có người nào gầy hơn thế.
Nhưng đằng trong cái cơ thể gầy guộc ấy như đã chôn vùi cả một thời nhan sắc lộng lẫy, phi thường mà cô gái, bằng những cảm giác đồng giới nhận ngay ra điều đó. Và cô cũng nhận ngay ra ngôi nhà mà bà ta đang ở chỉ nên có ở bảo tàng - kỷ niệm của một thời nghèo khổ xa xưa. Tường đất, mái đắp đủ loại, giấy bia phên liếp, bao tải. Tưởng như chỉ cần giơ tay ấn mạnh một cái ngôi nhà sẽ sụp đổ. Vậy mà nó lại gợi lên sự ấm cúng đến lạ lùng khi cô gái lom khom cúi xuống để bước vào.
Vật cô nhìn thấy trước tiên là một lò than hồng. Mùi thuốc bắc. Bên cạnh cái siêu đất là hai củ khoai lang nướng vỏ đã bắt đầu cháy.
Trong bóng tối mờ của ngọn đèn dầu, cô nhìn thấy cánh màn trằm bằng đủ miếng vá. Cái bàn gỗ mộc, chiếc ghế cũ. Trên đó có mấy quyển vở, lọ mực.
- Cháu Bình đâu? - Cô hỏi và nhìn quanh.
- Cháu bị ốm - Người đàn bà nói nhỏ - Cô là cô giáo cháu ạ.
- Không, tôi quen cháu. Cháu ốm thế nào?
Người mẹ thở dài:
- Số cháu gặp hạn. Chẳng biết va đập vào đâu, tối qua về đầu cháu vỡ một miếng. Tôi băng cho rồi. Da cháu cũng lành. Vậy mà đêm qua bị sốt…
- Nhiễm trùng rồi! - Cô gái kêu lên. Chị phải cho cháu uống kháng sinh.
- Đã uống rồi.
Cô vén cánh màn, giật mình, lùi lại. Một đôi mắt mở to trừng trừng nhìn cô. Ngạc nhiên hay căm thù? Tại sao vậy?
Cô thả màn ngồi xuống cái ghế nhỏ và thấp bên bếp lò. Cạnh cái túi đựng ống bơ và đống bao nilông, giấy bìa. Người đàn bà lấy que sắt cời than gắp củ khoai nướng để ra ngoài.
- Cháu nó chẳng chịu ăn gì, chỉ đòi ăn khoai nướng.
Người đàn bà tiếp tục cời than và đặt lên đó cái ấm nhỏ. Cô tiếc là mình đã không mua cái gì làm quà. Lại nghĩ rằng vẫn còn nhiều dịp.
- Chị buôn bán hay đi làm? - Cô hỏi và cảm thấy câu hỏi nhạt nhẽo. Người đàn bà hơi thu người lại.
- Có hồi đi làm, có hồi chạy chợ nhưng số tôi vất vả lắm. Chẳng cái gì ra cái gì cả. Có hồi tôi làm đường sắt. Phục vụ trên tàu. Tôi vẫn nhớ ngày thông tàu Bắc Nam, tôi đi chuyến tàu đầu tiên vào TP HCM. Nhiều đêm tôi thức suốt. Đêm trăng sáng, qua đèo Hải Vân sóng biển trắng xoá vỗ sát đường tàu.
Người đàn bà nói rồi thở dài, ngồi im như đá.
- Người ta có con nhỏ thì ở nhà, tôi vẫn theo tàu. Thằng bé này lớn lên trên các chuyến tàu. Con tày đã ru nó ngủ thay bàn tay đưa nôi…
- Chị làm em cũng mê các chuyến tàu của chị - Cô gái cười nho nhỏ - Chắc hồi đó chị hạnh phúc lắm.
- Hạnh phúc à? Đúng. Hồi đó tôi hạnh phúc lắm.
Ai mà chẳng có một thời hạnh phúc? Tôi đã chờ đợi gần mười năm chiến tranh. Rồi anh ấy trở về, ngày con ra đời. Một thằng con trai kháu khỉnh, tưởng như thế là đủ còn cần gì hơn nữa. Nhưng người ta ngày càng nhiều ham muốn, ngày càng phức tạp.
- Chị nói đúng. Nhưng chị nói ai kia?
- Ấy là người ta…
- Còn chị?
- Còn tôi ư? Tôi ngày càng bần cùng. Những mong ngày càng thu hẹp lại. Sau vụ va quệt trên đường. Thế là tất cả tuột khỏi tay tôi - Đôi mắt người đàn bà thoáng long lanh. Ngôi nhà chìm vào im lặng.
- Mẹ ơi! Mẹ nói làm gì? Ai thương mẹ!
Một tiếng nói cất lên sau cánh màn. Tiếng thằng bé. Rồi nó vùng dậy, chạy tới chỗ cô gái rít giọng:
- Bà đến đây làm gì? Bà làm tôi đau đớn như thế này không đủ à?
- Tôi làm gì? - Cô gái ú ớ - Tôi đã làm gì em?
- Bà còn chối à? Đồ độc ác!
- Em nhầm rồi! Tôi rất thương em và rất giận việc đó - Cô gái đứng vụt lên - Chính vì việc đó mà tôi đã không còn gặp ông ta nữa - Cô im bặt. Đứa bé đã chạy ra ngoài.
- Chuyện gì thế cô? Cô đã làm gì nó? - Người mẹ thảng thốt, ngơ ngác. Cô gái ngồi sụp xuống, hai tay ôm đầu.
Người đàn bà chạy tới chạy lui. Rõ ràng bà đang bối rối, đang không hiểu chuyện gì. Bà châm ba nén hương cắm lên bàn thờ. Bàn tay bà run rẩy, ba nén hương cháy không đều. Gió bật hồng đám than và mùi khoai khét lẹt.
“Mình đến đây làm gì? Để làm một việc thiện ư? Đâu có dễ khi cái ác đang còn đấy. Người ta mong muốn sự tốt đẹp, nhưng lại không tin rằng có nó vì cái ác luôn hiện hình”.
Người đàn bà vặn to ngọn đèn và vung chổi quét. Trong đêm tối, cô gái như nhìn thấy những tia lửa tung lên từ ngọn chổi. Cô nóng mặt. Bà ta đuổi mình đây. Tại sao không đứng lên và chỉ cần ba bước chân là ra đến đường. Là giải thoát tất cả. Tại sao mình không thể?
Cô gái tựa lưng vào tường đưa mắt nhìn quanh. Như cầu cứu. Mùi hương thơm nhẹ nhàng. Cô ngẩng đầu lên. Mắt cô chạm vào những chấm lửa chân hương. Mắt cô chạm vào bức ảnh treo trên bàn thờ nhỏ.
Dưới vành mũ tai bèo là một khuôn mặt hơi dài. Tóc dầy đen hơi xoăn. Nụ cười của đôi môi rộng ngạo nghễ. Đôi mắt màu thau. Cái nốt ruồi trên môi. “Nốt ruồi trên môi ăn trôi cửa nhà”. Cô đã từng nói thế về cái nốt ruồi trên môi người đàn ông - người yêu của cô. Bây giờ cô nhìn thấy nó ở trên ảnh.
Cô giật mình lùi lại mở to, nhìn.
- Ảnh ai đây bà? - Cô hỏi và vịn tay vào tường. Cô cảm thấy chân cô như rời khỏi đất, đang bay lên.
- Cô hỏi làm gì? - Đôi mắt người đàn bà loé sáng.
- À, tôi thấy… đây là một anh bộ đội giải phóng.
- Đúng, đây là ảnh chụp ngày trở về đoàn tụ với gia đình.
- Người trong ảnh là thế nào với chị?
- Ông ta là bố thằng con tôi.
- Ông ấy tên là gì? - Cô hỏi nhanh và cảm thấy sắp nghẹt thở.
- Khi lấy tôi tên là Sâm. Còn bây giờ ông ấy giàu có, ông ấy đổi tên gì tôi không biết.
- Như thế nghĩa là ông ta còn sống à?
- Tôi không biết. Nhưng đối với mẹ con tôi, ông ta đã chết.
- Vì sao người ta còn sống mà bà đã để ảnh lên bàn thờ?
- Vì con tôi thôi! Tôi muốn cho nó biết rằng nó đã từng có một người bố.
- Một người bố đã chết?
- Vâng, một người bố tốt đã chết còn hơn một người bố xấu mà đang sống - Người đàn bà nói nhanh, giọng ráo hoảnh và khô khốc.
Cô gái giơ tay ôm đầu, ngẩng lên nhìn bức ảnh một lần nữa rồi lao ra khỏi nhà.
(Hết)