- Sau "Đường thư", "Những người viết huyền thoại"... anh đang hoàn thiện hậu kỳ phim tiếp theo cũng về đề tài lịch sử. Điều gì khiến đề tài này hấp dẫn anh?
- Có lẽ tôi có duyên và hứng thú với đề tài lịch sử. Những bộ phim trước đã cho tôi kinh nghiệm, bản lĩnh cũng như sự say mê cần thiết để nhận đề tài này.
Tôi đang làm bộ phim thứ tư có tên gọi Thầu Chín ở Xiêm, nói về quá trình hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thái Lan. Làm phim về Chủ tịch là một vinh dự và cũng là thách thức mà bất cứ đạo diễn nào cũng muốn thử sức.
- Điểm gì ở phim mới khiến anh tự tin nhất?
- Đây không phải là phim chiến tranh như những bộ phim trước đó, mà là phim về nhân vật lịch sử. Xúc động và lãng mạn là điều chúng tôi thể hiện ở bộ phim này. Mỗi phim tôi đều có một chìa khóa riêng và tôi không lặp lại mình. Tóm lại, thật khó để nói về một bộ phim, phải chờ để xem nó đã.
- "Thầu Chín ở Xiêm" vừa hé lộ khá nhiều bối cảnh đẹp, anh chia sẻ gì về những cảnh quay này?
- Tất cả đều do chúng tôi dựng ra. Dù ở Thái Lan hay Việt Nam, đoàn phim vẫn phải dựng bối cảnh mới hoàn toàn. Phim nói về thời kỳ cũ, năm 1928, nên không có bất cứ bối cảnh hay hiện vật gì tồn tại nguyện vẹn cả. Chỉ còn một ít hiện vật nhưng chúng đều cũ nát và không thể đưa vào phim.
Tôi muốn mọi thứ đều phải mới, từ chiếc xe đạp, đến cái máy bay, ôtô... Đồ bảo tàng chỉ giúp chúng tôi tham khảo, cung cấp mẫu để copy cho chuẩn. Tôi có hai ê-kíp thiết kế. Ê-kíp chính ở Hà Nội, đội còn lại ở Sài Gòn. Trước khi quay, chúng tôi dọc ngang cả tháng khắp Thái Lan, dọc theo con đường mà nhà hoạt động cách mạng Nguyễn Ái Quốc đã đi, trò chuyện với bà con Việt kiều khắp các tỉnh để có sự hình dung tốt về văn hóa đời sống, sinh hoạt của các nhân vật trong phim.
Tôi cũng nghiên cứu rất kỹ đề tài rồi nghĩ giải pháp để thực thi nó. Có nhiều cách để tái tạo lịch sử, trong đó việc can thiệp của kỹ xảo hình ảnh là không thể thiếu. Làm phim, nhất là phim lịch sử, cần phải hiểu biết về công nghệ. Điều gì con người không làm được trên phim trường, máy tính sẽ làm.
- Kinh phí cho việc tái hiện chân thực bối cảnh những năm 1920 của anh thế nào?
- Tôi biết cách điều tiết công việc trong chi phí hợp lý. Phim này tôi có hơn 10 tỷ đồng để làm. Phần lớn số tiền đúng là để dựng bối cảnh. Giải pháp quan trọng nhất vẫn là phải hiểu rõ lịch sử, văn hóa, tính mục đích của bối cảnh mình tạo dựng để không lãng phí những chi tiết thừa.
- Vừa qua phim "Sống cùng lịch sử" của đạo diễn Thanh Vân rơi vào tình trạng vắng khách khi ra rạp. Thông tin này ảnh hưởng gì đến tâm lý làm phim của anh?
- Tôi sống đủ lâu và làm đủ nhiều để đối diện với công việc mà không bị áp lực trước bất cứ đề tài nào, không riêng gì lịch sử.
- Phim lịch sử trước nay được coi đề tài khó tiếp cận khán giả. Anh có giải pháp gì trong phim của mình?
- Vấn đề cốt lõi nằm ở khâu con người và vốn tri thức về lịch sử của người làm phim. Họ có nghiên cứu, có chịu đi, xem, đọc, học hỏi, tham khảo những tư liệu liên quan đến đề tài mình đang làm không? Khi đã hiểu rõ mọi thứ rồi họ có khả năng tái hiện được không? Đến đây, bài toán về giải pháp thực thi mới quan trọng. Không hẳn là phim lịch sử, với bất cứ đề tài nào thì việc tái tạo một không gian và đặt vào đó một nhân vật cho người xem có cảm giác đó là nơi anh ấy (hay cô ấy) thuộc về cũng đã là vấn đề lớn rồi.
Tôi thường làm việc kỹ với ê-kíp về thiết kế phục trang, thiết kế bối cảnh. Khi nhân vật làm chủ không gian mình tái tạo trong bộ phim, khán giả sẽ không có cảm giác khó chịu vì lỗi phông văn hóa và dễ dàng tiếp nhận phim hơn.
- Anh đặt ra những tiêu chí gì cho mình khi làm phim lịch sử?
- Tôi không biết tiêu chí của các đạo diễn khác là sao nhưng với tôi, khi làm phim lịch sử thì phải đối diện với chính lịch sử chứ đừng trốn tránh, đừng sợ hãi, xu nịnh nó. Tôi muốn tái hiện lịch sử một cách chân thực nhất trong điều kiện có thể và nhìn lịch sử bằng cái nhìn trung thực ở góc độ của một công dân có trách nhiệm.
Châu Mỹ thực hiện