Sau khi công diễn thành công ở TP HCM vào cuối năm ngoái và được giới chuyên môn đánh giá cao, biên đạo múa Tấn Lộc đem vở múa đương đại Sương sớm (The Mist) ra Hà Nội với một đêm diễn duy nhất ở rạp Công Nhân tối 22/1. Kéo dài khoảng 80 phút, Sương sớm đem tới một không gian của làng quê Nam Bộ qua phần dàn dựng đặc sắc và những điệu múa đương đại - sự tổng hòa đủ để đưa khán giả thủ đô trải nghiệm một hành trình giao thoa giữa thị giác và thính giác.
Ở những phút đầu tiên, Sương sớm chưa đem tới hình ảnh mà dẫn dắt khán giả bằng những âm thanh đồng quê. Tiếng côn trùng kêu trên đồng cỏ, tiếng gà gáy sáng, tiếng nước chảy tí tách và cả những tĩnh âm của buổi sáng sớm mà chẳng ai có thể gọi tên được. Hình ảnh người nông dân cần cù, chăm chỉ ra đồng từ sớm tinh mơ được thể hiện đầu tiên một cách ấn tượng với dáng đi lom khom.
Suốt chiều dài của vở diễn, Tấn Lộc và Arabesque thể hiện những ý tưởng độc đáo mang đậm tinh thần làng quê Việt trong từng cách dàn dựng, từng màn múa. Những hoạt động đời thường như xay lúa, giã gạo, đi chợ, gặt lúa đến cảm xúc của con người như khi vật lộn với thiên tai; khi chờ nhau trong nỗi nhớ man dại; khi yêu nhau nồng say... đều được thể hiện bằng ngôn ngữ hình thể, kết hợp với âm thanh, âm nhạc, ánh sáng làm nên sự tổng hòa của những mỹ cảm.
Gần 30 diễn viên trong vũ đoàn Arabesque đã kể một câu chuyện mà trong đó có bao thăng trầm thường nhật của người nông dân Nam Bộ. Người xem được đưa đẩy đi từng nhánh chuyện, từ tiếng gọi nhau trên cánh đồng, sự lam lũ và hoảng sợ của người dân trước thiên tai ập đến, việc quét dọn lúc cơn bão đi qua, sự chăm chỉ lao động thể hiện ở tiếng hò reo, thậm chí là những lời tán tỉnh của các anh trai làng - cô thôn nữ trên đường ra về sau một ngày làm việc hay nỗi niềm mong mỏi một mùa gặt bội thu.
Gây ấn tượng mạnh mẽ ở phần múa là trường đoạn phòng the của đôi trai gái, do hai nghệ sĩ múa Tố Như và Ngọc Khải trình diễn. Múa đương đại gần như là một sự đối chọi với múa ballet - vẫn có nét mềm mại, uyển chuyển nhưng phải có cả sự mạnh mẽ, năng động. Những cú xoay người, nhấc bổng, kẹp chân của hai nghệ sĩ trong màn múa quan trọng này đều thể hiện cho những cung bậc cảm xúc của "chuyện phòng the" - khi dịu dàng, ngọt ngào, mơn trớn nhưng có lúc lại hừng hực, mãnh liệt.
Ánh sáng được dàn dựng tinh tế và có chiều sâu, đặc biệt là hình ảnh nắng vàng lên cao xuyên qua từng tán lá hay thứ ánh sáng mờ sương của buổi sáng sớm. Biên đạo Tấn Lộc cũng rất kỳ công khi đưa vào vở múa tiếng của 60 loài động vật, côn trùng sống được thu trực tiếp hoặc mua trên mạng tạo thành một bản giao hưởng của vùng quê. Tiếng động cũng được làm rất tốt. Có những trường đoạn không có nhạc, diễn viên vừa múa, vừa phải tạo nên những âm thanh như tiếng va đập trên sàn, tiếng quét lá, tiếng khóc vật vã trong tâm tưởng của người chinh phụ ngồi trên chiếc cầu khỉ chờ chồng trong đêm...
Âm nhạc của vở diễn phần lớn là những giai điệu dân gian Việt Nam như tiếng đàn tranh, đàn bầu, câu vọng cổ, câu hò da diết đặc trưng Nam Bộ hay những điệu lý tạo không khí vui vẻ. Bản Dạ cổ hoài lang nổi tiếng cũng được đưa vào Sương sớm như một điểm nhấn giới thiệu về âm nhạc truyền thống của Việt Nam.
Dù được dàn dựng công phu về mọi mặt nhưng Sương sớm vẫn có gì đó hơi duy mỹ, tôn vinh cái đẹp mà chỉ có thể cảm thụ bằng thị giác và thính giác chứ khó có thể diễn giải. Số đông khán giả không hiểu về bộ môn nghệ thuật múa đương đại vẫn cảm thấy được cái đẹp của Sương sớm nhưng khó có thể hiểu hết được ý nghĩa của tác phẩm - dù đều là những hình ảnh quen thuộc của người Việt.
Ngôn ngữ múa của Sương sớm có thể cũng không mạnh bằng các tác phẩm múa đương đại trước đây nhưng phần dàn dựng, ý tưởng, câu chuyện làm nên sự tổng hòa, day dứt trong cảm xúc của khán giả khi xem xong. Nghệ thuật Việt Nam cần nhiều hơn những tác phẩm thế này để tôn vinh những giá trị truyền thống qua một hình thức thể hiện hấp dẫn hơn, hiện đại hơn và khiến người Việt cảm thấy trân trọng hơn văn hóa nước mình.
* Hình ảnh vở múa "Sương sớm" tối 22/1 tại Hà Nội |
* Trailer "Sương sớm" |
Nguyên Minh
Ảnh: Anh Tuấn