Cuối thập niên 1980, khi đang là sinh viên đại học tại Paris (Pháp), Michiko Yoshii ngày một thêm yêu văn hóa, ngôn ngữ và con người Việt. Một trong những tình yêu lớn nhất của cô gái Nhật thời ấy là nhạc Trịnh. Michiko yêu nhạc Trịnh đến nỗi lúc đó, dù có bằng cao học về văn hóa Nhật Bản, bà vẫn tiếp tục theo đuổi đề tài cao học nghiên cứu về âm nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn.
* Video: Giáo sư Michiko Yoshii hát "Diễm xưa" ở TP HCM
Để gần hơn với nhạc Trịnh, Michiko nhiều lần gọi điện từ Pháp về Việt Nam trò chuyện cùng nhạc sĩ. Bà còn trực tiếp đến Việt Nam để gặp gỡ tác giả mình ngưỡng mộ. Luận án cao học và âm nhạc Trịnh Công Sơn là cầu nối cho cuộc tình của họ.
Gia đình của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cho biết họ không nhớ chính xác thời điểm cuộc tình của Trịnh Công Sơn và Michiko Yoshii trở nên sâu đậm. Tuy vậy, họ không thể quên được cảm giác hạnh phúc khi biết tin hai người chuẩn bị làm đám cưới. Ba người em gái của Trịnh Công Sơn lúc này đang ở Canada gồm ca sĩ Trịnh Vĩnh Trinh, chị Diệu và chị Tâm háo hức đi sắm đồ cưới cho anh trai. Trong khi đó, mẹ của Trịnh Công Sơn cũng tất bật sắm sửa, chuẩn bị lễ nghi cưới theo phong tục Việt Nam.
Michiko kể lúc đó, ba mẹ của bà đã rất già, không thể sang Việt Nam nên muốn nhờ ông bà đại sứ người Nhật tại Việt Nam đại diện nhà gái khi hai bên gặp gỡ. Theo phong tục cưới của người Nhật, Trịnh Công Sơn và Michiko quỳ gối xuống lạy tạ bố mẹ. Trịnh Công Sơn không đồng ý. Ông nói người mẹ sinh ra mình cả đời còn chưa quỳ lạy bao giờ thì sẽ không quỳ gối trước ông bà đại sứ Nhật. Đám cưới sau đó bị hủy.
Cuộc tình ngoài đời của cả hai dở dang nhưng âm nhạc luôn là sợi dây gắn kết họ. Tháng 7/1991, tại Paris, Michiko Yoshii đã bảo vệ thành công luận án cao học về ảnh hưởng nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn trong xã hội Việt Nam thời chiến. Luận án này được giám khảo của Đại học Paris VII xếp loại tối ưu. Sau ngày Trịnh Công Sơn mất, Michiko cũng thường về thắp hương cho ông.
Về phần mình, Trịnh Công Sơn gửi nỗi niềm vào tác phẩm. Ông có bài hát tặng riêng Michiko. Nhạc phẩm này chưa bao giờ được công bố, hiện vẫn nằm ở tủ kính riêng của gia đình.
Hiện Michiko Yoshii là giáo sư giảng dạy tại Trung tâm nghiên cứu giáo dục quốc tế tại Đại học Mie, miền Trung nước Nhật.