Battleship Island (Đảo địa ngục) của điện ảnh Hàn Quốc năm nay gây chú ý khi được đầu tư 21 triệu USD. Phim lấy bối cảnh cuối Thế chiến thứ hai, xoay quanh câu chuyện về cuộc đào thoát của 400 người Triều Tiên bị quân Nhật giam cầm, ép làm lao động khổ sai trên đảo Hashima (Nhật).
Nhạc sĩ Gang Ok (Hwang Jung Min) cùng con gái tám tuổi (Kim Su An) tìm đường sang Nhật với mong muốn cuộc sống tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, hai cha con bị bắt vào phục dịch ở mỏ than Hashima cùng hàng trăm người Triều Tiên khác trong điều kiện gian khổ.
Bước ngoặt diễn ra khi Park Moo Young (Song Joong Ki) - một gián điệp được Mỹ huấn luyện - trà trộn vào nhóm lao động. Ban đầu, Park chỉ định giải cứu một lãnh tụ Triều Tiên trong trại, nhưng nhiều biến cố xảy ra khiến anh chỉ huy cuộc đào thoát lịch sử khỏi "đảo địa ngục".
* Cuộc đào thoát đẫm máu trong "Đảo địa ngục"
Cuộc đấu tranh gian khổ của người Triều Tiên ở mỏ than được tái hiện qua nhiều cảnh khốc liệt. Ngay khi thuyền đến nơi, họ bị hàng chục lính Nhật lao lên boong đánh đập. Sau đó, những người lao động bị lột trần để tắm rửa, sống trong điều kiện vệ sinh tệ hại. Họ phải làm việc dưới những mỏ sâu, ngày ngày đối mặt tử thần. Không gian hẹp và nguy cơ từ những vật liệu dễ cháy được đạo diễn khéo mô tả qua nhiều góc máy và tình huống, giúp khán giả hình dung được tình cảnh nguy hiểm của các nhân vật.
Nhiều hình thức tra tấn dã man của người Nhật như chích điện, dùng bàn chông được tái hiện. Trong khi đó, các phụ nữ bị bắt làm kỹ nữ mua vui. Phim gây xúc động trong trường đoạn con gái của Gang Ok khóc thét, tìm mọi cách né tránh việc phục vụ cho các sĩ quan Nhật.
Sự tàn bạo của kẻ thống trị lên đến đỉnh điểm vào hồi ba khi Nhật Bản sắp đầu hàng và nhóm quản lý đối mặt nguy cơ ra tòa vì tội ác chiến tranh. Sau một tình tiết bất ngờ, kịch bản đưa hai phe Nhật và Triều Tiên vào thế một mất một còn.
Mâu thuẫn bùng phát thành trận chiến dữ dội kéo dài hơn 20 phút cuối phim. Nhiều cảnh tử trận do trúng đạn được thể hiện trực diện, xen lẫn các màn cháy nổ và cận chiến đẫm máu. Sự bi tráng được đẩy cao trong trích đoạn hàng chục người Hàn cố nâng chiếc thang, cứ mỗi người bị bắn hạ lại có người khác thay thế.
Trường đoạn được dàn dựng với kỹ thuật tốt, mô tả trận đánh ở nhiều góc độ. Ngoài các vai chính, số đông diễn viên quần chúng được tổ chức kỹ lưỡng, có chuyển động linh hoạt và hành động rõ ràng chứ không bị cứng nhắc trong khung hình. Đồng thời, cảnh này phô diễn được sự rộng lớn của phim trường ở Gangwon (Hàn Quốc), được nhà sản xuất giới thiệu có kích thước 66.000 mét vuông (khoảng hai phần ba diện tích đảo Hashima).
Tuy nhiên, tinh thần dân tộc trong phim bị đẩy lên quá đà gây cảm giác gượng gạo. Nhiều trích đoạn chủ ý ca ngợi lòng yêu nước của người Triều Tiên nhưng lối thể hiện còn thô, nặng tính biểu tượng, như cảnh xé rách cờ Nhật hay khi hàng chục người giơ ngọn nến quanh Song Joong Ki.
Nhóm người Nhật được mô tả đơn điệu, chủ yếu thể hiện sự bạo lực và tàn nhẫn. Ở thời điểm quả bom nguyên tử đầu tiên được thả và quốc gia sắp đầu hàng, tâm lý của các quân nhân Nhật lẽ ra phải rất phức tạp nhưng chỉ được bộc lộ sơ sài. Việc phân giới tuyến thiện - ác quá rõ ràng khiến một phim lấy bối cảnh lịch sử vướng lỗi tiếp cận một chiều. Theo báo Korean Joongang Daily, ngay cả một số khán giả Hàn Quốc cũng không thích lối mô tả này.
Kịch bản mắc điểm yếu ở kết cấu lỏng lẻo. Sau màn mở đầu thuyết phục về thân phận cha con Gang Ok, các nhân vật liên tiếp xuất hiện làm loãng mạch chuyện. Người xem bị dẫn dắt theo nhiều hướng khác nhau, không theo đường dây nhất định nào. Lúc đầu, nhân vật của So Ji Sub gây chú ý với cuộc đấu dữ dội để giành quyền cai quản nhóm lao động. Tuy nhiên, khi chàng điệp viên xuất hiện, tay anh chị bỗng trở nên mờ nhạt.
Cũng như các phim trước là The Berlin File (2013) và Veteran (2015), đạo diễn Ryoo Seung Wan ôm đồm nhiều tuyến chuyện phụ, chiếm nhiều thời lượng nhưng không có vai trò lớn trong câu chuyện. Tình tiết bất ngờ để nhân vật của Song Joong Ki thay đổi mục đích được cài cắm vội vã và gượng .
Dù là tâm điểm báo chí, Song Joong Ki chỉ nằm một trong ba tuyến chính của phim. Diễn xuất của tài tử tròn trịa nhưng chưa đột phá khi thể hiện hình mẫu người hùng. Nhân vật này nổi bật ở nửa sau phim với những cảnh hành động. Ngược lại, So Ji Sub chiếm ưu thế trong nửa đầu nhưng ít đất diễn sau đó. Tài tử 39 tuổi thủ vai một tên giang hồ Triều Tiên, giành lấy quyền quản lý nhóm lao động bằng nắm đấm. Dù sở hữu vẻ ngoài gai góc, nhân vật thật ra là người có trái tim nhân hậu.
Hai diễn viên chiếm thiện cảm nhất phim là Hwang Jung Min và Kim Su An trong vai cha con nhạc công. Ngoài tình thương con, nhân vật của tài tử sinh năm 1970 còn gây ấn tượng bằng sự láu cá để sinh tồn giữa chốn hiểm nguy. Biểu cảm lúc hài hước, lúc xúc động của anh khiến vai diễn gần gũi hơn so với kiểu người hùng lý tưởng của Song Joong Ki.
Trong khi đó, diễn viên nhí Kim Su An bộc lộ tốt nhiều cung bậc cảm xúc, từ vẻ hoảng hốt khi bị bắt phục vụ người Nhật đến sự sợ hãi trong trận đánh cuối phim. Tình cha con của hai nhân vật là điểm nhấn xuyên suốt tác phẩm với nhiều câu thoại dung dị.
Phim khởi chiếu ở Việt Nam từ ngày 18/8 với nhãn C18 (cấm người dưới 18 tuổi).
Lam Anh