Thoại Hà -
- Cảm xúc của chị như thế nào khi vào dịp cuối năm 2009 cùng lúc ra mắt 3 quyển sách?
- Vui. Tập truyện ngắn Làn gió hôm qua là dư âm của ký ức mà bất kỳ ai cũng có thể bất chợt gặp lại trong làn gió của ngày hôm nay. Với Trăng mật ở đảo, tập truyện ngắn hài đầu tay, khi đọc lại, tôi vẫn thấy ngỡ ngàng, thú vị. Đặc biệt là tiểu thuyết Thế giới xô lệch, tôi thấy phấn chấn vì đã vượt qua được những... xô lệch của chính mình.
Nhà văn Bích Ngân. |
- Chị chắp bút tiểu thuyết "Thế giới xô lệch" từ năm 1992 khi học trường viết văn Nguyễn Du, nhưng đến năm 2009 mới ra mắt bạn đọc cả nước. Trong khoảng thời gian dài như thế, làm sao chị giữ mạch cảm xúc?
- 17 năm là khoảng thời gian dài với bao nhiêu đổi thay của đời người và xã hội. Nhưng cuộc đời các nhân vật vẫn đủ sức ám ảnh, âm thầm thôi thúc tôi tiếp tục viết. Hầu như tôi chưa rời xa thế giới nhân vật của tôi. Họ đã trở thành phần máu thịt trong tôi.
- Nhân vật tôi trong "Thế giới xô lệch" là một người tật nguyền, mất hẳn hai chân. Anh ta sống nhiều với thế giới nội tâm. Dạng nhân vật tàn tật thế này xuất hiện chưa nhiều trong văn học đương đại, chị lấy chất liệu từ đâu để xây dựng hình ảnh đó?
- Người tật nguyền (do chiến tranh, tai nạn, bệnh tật hay bẩm sinh), theo tôi, thường là những người có thế giới nội tâm không ngừng xê dịch với giằng xé âm thầm và họ chiếm một số lượng không nhỏ trong cộng đồng. Còn trong văn học đương đại, nhân vật có hình hài không nguyên vẹn ít xuất hiện trong tác phẩm (với Việt Nam lại càng hiếm). Có lẽ, đó là một thế giới nhân vật khó nắm bắt, khó xây dựng.
Tuy vậy, người tật nguyền vẫn hiện diện. Cũng như một người lành lặn, họ khát khao sống, khao khát yêu thương và nỗi khao khát nhiều khi cồn cào, mãnh liệt hơn người may mắn có được cuộc sống bình thường. Và tôi muốn thể hiện không phải là sự tật nguyền nơi hình hài mà chính ở những xô lệch trong tâm hồn con người.
Chất liệu viết nên cuốn tiểu thuyết này được tôi manh nha sau những lần đến thăm một quân y viện, lúc đó tôi là phóng viên của một tờ báo. Khi thăm hai trại thương binh (một trại dành riêng cho người mất chân trái và một trại dành cho người mất chân phải), tôi nấn ná thật lâu ở trại thương binh toàn người trai trẻ bị mất hết hai chân do vướng bom mìn. Nhìn gương mặt trẻ măng và cặp mắt trong veo của họ, lòng tôi đau nhói, rồi tôi không sao cầm được nước mắt khi nghĩ, nếu họ là anh trai, em trai hay là người yêu của tôi. Hình ảnh và ý nghĩ đó ám ảnh tôi và nhân vật của tôi dần hình thành.
Nhà văn Bích Ngân (trái) bên các bạn viết. |
- Trong "Thế giới xô lệch", các nhân vât nam nếu không tàn tật về thể chất thì lại có "vết thương" trong tâm hồn. Nếu độc giả nhận xét chị thiên kiến đàn ông, chị nghĩ sao?
- Nếu đọc lại Thế giới xô lệch một lần nữa, tôi tin độc giả sẽ thấy tôi không dằn hắt mà nhiều lúc còn nương nhẹ, còn biện minh cho những chuỗi hành động chủ động và bị động của đàn ông. Thậm chí tôi còn thấy mình... thiên vị họ.
Bởi, những vết thương trong tâm hồn của những người đàn ông, suy cho cùng không phải do mưu cầu lợi ích cho chính họ. Một người cha, tận tụy với lợi ích cộng đồng mà quên đi hạnh phúc được nhìn thấy tâm hồn của vợ con và người thân. Một người chồng sống đơn giản hồn nhiên đến nỗi không có chút hoài nghi để rồi trượt chân vào vũng lầy thù hận khi biết cô vợ ngoại tình. Một người chồng nữa (nhân vật "tôi"), có lúc chao đảo ngả nghiêng cũng vì cô vợ kém cỏi đua đòi. Một người tài xế lợi dụng triệt để lòng tốt và sự liêm khiết của "thủ trưởng", trước hết cũng để lo cho gia đình sáu miệng ăn...
Đằng sau mỗi nhân vật đàn ông là hình ảnh, tính cách có sức chi phối của những người đàn bà. Và đàn bà thường là nguyên nhân trực tiếp khiến người đàn ông của họ vững vàng hoặc trượt ngã.
- Tiểu thuyết của chị hấp dẫn ở những chi tiết miêu tả đời sống gia đình tưởng như nhỏ nhặt nhưng sống động. Chị góp nhặt từ cuộc sống như thế nào để có được các chi tiết này?
- Chịu khó quan sát và cảm nhận, những chi tiết gắn kết tình cảm, tính cách con người từ những sinh hoạt rất đỗi đời thường như thế có ở bất cứ gia đình nào. Hình ảnh người vợ ấy cũng có thể là từ mẹ tôi và cô tôi, dì tôi, thím tôi và cả chính tôi... Người đàn bà, nhất là đàn bà Việt Nam mà không hiểu, không cảm và làm được điều đó thì chưa thể gọi là đàn bà.
- Để có trang viết hay về đời sống tình dục của người lành lặn đã khó. Vậy mà chị viết khá xúc động về chuyện sex của người chồng tật nguyền và cô vợ trẻ. Làm thế nào chị truyền được chất "sống" vào trang viết về đề tài bị cho là nhạy cảm?
- Tình dục trong đời sống lứa đôi là nhu cầu không thể thiếu. Nó khiến đôi lứa hòa quyện, hạnh phúc, thăng hoa và nhiều khi cũng chính nó xô đẩy, chia rẽ, khiến họ lẻ loi và cô đơn đến cùng cực. Để miêu tả được trạng thái đó quả là không đơn giản. Giống như diễn viên xiếc đi trên dây, nếu không giữ được thăng bằng, anh ta sẽ... rơi và gặp nạn. Viết về những khoảnh khắc của sex cũng vậy. Sẽ mạo hiểm một cách điên rồ nếu người viết không có sự chuẩn bị kỹ càng. Tôi đã tốn công tốn sức rất nhiều vào những trang viết về sex để khi đọc, tôi tin rằng điều đọng lại trong lòng độc giả không còn là sex mà là chính niềm khao khát cháy bỏng của con người là được hòa quyện tâm hồn.
- Khi viết "cái thế giới xô lệch chực ngả nghiêng chao đảo, bất ngờ được kéo lại, được vực dậy và được giữ thăng bằng bởi sức mạnh của sự chia sẻ", chị có hoàn toàn tin điều đó xảy ra trong đời thực hay đó chỉ là phép màu trong tiểu thuyết?
- Trong mỗi con người ai không có những lúc xô lệch. Song, điều quan trọng hơn là sự ứng xử của mỗi nhân cách khi tự giác biết mình đang bị xô lệch khỏi chính mình. Và lòng tin cần được tạo ra.
Lòng tin đó không phải từ trên trời rơi xuống mà phải được tạo ra từ logic đời sống. Các thành viên của gia đình trong Thế giới xô lệch, nhìn ở một góc hết sức bình thường thì đều là những con người tử tế, thậm chí họ còn có lối sống mẫu mực. Họ đều có chữ nghĩa, biết đọc sách, biết thưởng thức âm nhạc, biết lưu giữ ký ức, biết phản biện, biết tự vấn và biết thương yêu nhau. Để rồi, sau những vấp ngã, ngộ nhận, lầm lạc, cô đơn, tuyệt vọng, chính cái lõi văn hóa đó kéo họ nhích lại gần nhau, cho đến khi tất cả cùng thấy lối đi chung là tìm về cội nguồn, tìm về giá trị huyết mạch gia đình, về giá trị nhân cách và tìm thấy giá trị sống còn là yêu thương và được yêu thương. Khi có tình yêu, cánh cửa của những tâm hồn từ lâu bị khép kín sẽ hé mở...
- Khác với quyển tiểu thuyết mang đậm chất tự sự, tập truyện hài "Trăng mật ở đảo" của chị lôi cuốn bằng lối viết cường điệu với câu văn ngắn, gọn và kết thúc bất ngờ. Trước khi viết để độc giả cười, chị tự cười với các tình huống trải nghiệm thế nào?
- Để viết được một truyện gây được tiếng cười, bao giờ cũng phải chộp được cái chi tiết có thể tạo ra cái tình huống gây cười. Chi tiết đó nhiều khi bắt gặp đâu đó hoặc cũng có thể là tưởng tượng hoặc "suy bụng ta ra bụng người".
Ví dụ truyện Bạo hành, được viết từ chi tiết tôi đang ngồi trên ghế đá thì bị con khỉ ở đảo khỉ Cần Giờ giật túi xách (tôi tháp tùng một chị bạn đi dự cuộc tọa đàm về vấn đề đàn ông bạo hành do Hội phụ nữ tổ chức). Tôi liền nghĩ ra tình huống một ông chồng ghen gọi điện thoại cho vợ, vợ vừa "Alô" thì bị con khỉ đột cướp điện thoại rồi cười cợt hú hét vào điện thoại khiến ông chồng lồng lộn. Rồi tính cách của ông chồng ghen được tôi đẩy lên đến mức là... ghen với bộ lông mềm mại của con miu hay cò cọ vào chân vợ và tức sôi với cả mấy sợi râu ngo ngoe của con gián...
- Chị vừa là nhà quản lý trong ngành xuất bản lại vừa cầm bút viết văn, hai công việc này song hành với nhau như thế nào?
- Lấn cấn lớn nhất giữa hai công việc này, theo tôi là quỹ thời gian. Công việc xuất bản các tác phẩm văn học đòi hỏi người quản lý dành nhiều thời gian và cả tâm trí, cho nên ít nhiều cũng ảnh hưởng đến dự định sáng tác của tôi. Và đó cũng là một nguyên nhân khiến tiểu thuyết Thế giới xô lệch "đẻ lâu" như vậy. Tuy nhiên, cái lợi của người làm công tác xuất bản là được tiếp xúc với nhiều tác giả và nhiều bản thảo, điều này giúp tôi "biết người, biết ta" và cũng biết rõ hơn trang viết của mình.
- Chị tiếp xúc khá nhiều bản thảo của các cây bút trẻ, chị nhận xét tình yêu văn chương của họ ra sao?
- Đối với văn chương, nếu không có một tình yêu đầy đam mê sẽ không có sự theo đuổi dai dẳng. Đã là một cây bút, một tên tuổi với những quyển sách đã in và những bản thảo sắp in thì tình yêu ấy đã ở mức sâu sắc rồi, dù với mỗi tác giả mức độ thành công của tác phẩm và sự đón nhận của độc giả là khác nhau.
Riêng tôi, tôi luôn thích tiếp xúc với bản thảo của cây bút trẻ thực sự có khả năng văn chương. Đọc họ, tôi luôn thấy bất ngờ. Họ sống thật trên trang viết và vì vậy trang viết họ "đời" hơn, hiện thực cuộc sống phong phú hơn. Tôi đặc biệt yêu quý cây bút thật sự có trách nhiệm với ngòi bút.
Thoại Hà thực hiện