Câu chuyện xoay quanh mối quan hệ của một giám đốc trẻ tên Dũng (Dương Lâm) với vợ (Kim Hiền) và người tình đồng giới tên Cường (Dương Cường). Hai người đàn ông luôn bị dằn vặt khi phải che giấu tình cảm, thân phận để hoàn thành vai trò làm cha, làm chồng, làm con của mình trước gia đình và xã hội.
Một ngày, người vợ phát hiện ra sự thực về giới tính của chồng kèm theo nguy cơ bệnh HIV sẽ bủa vây cả gia đình. Trải qua quá trình đau khổ, tuyệt vọng và đấu tranh nội tâm, cuối cùng, người vợ cũng hiểu và đồng cảm với khúc mắc của chồng. May mắn mỉm cười khi họ biết mình không là nạn nhân của căn bệnh thế kỷ. Kim Hiền đã sát cánh cùng chồng và người tình cũ của anh, chung tay giúp đỡ những số phận lầm lỡ làm lại cuộc đời như Tuấn (Tài Phên) hay cô gái điếm do diễn viên Puka thủ vai.
Kịch lấy nhiều nước mắt người xem ở những phân đoạn đấu tranh nội tâm của nhân vật. Sự dằn vặt trong mối quan hệ giữa vợ và người tình của giám đốc Dũng, khao khát sống trọn vẹn với người mình yêu của chàng trai đồng tính tên Cường và khát khao cháy bỏng được gia đình, xã hội thừa nhận của Tuấn. Cảnh Tuấn bị chính chị ruột (Kim Khánh) chối bỏ, phỉ báng bằng những lời lẽ xúc phạm nặng nề là phân đoạn lấy nước mắt của người xem hơn cả. Giữa thái độ dứt khoát, quyết liệt của người chị và sự đau khổ, tuyệt vọng níu kéo của người em là hình ảnh một bà mẹ đau đớn đến tột cùng khi bất lực trước khao khát hòa nhập xã hội của con trai và sự rạn nứt trong quan hệ gia đình. Cả ba nhân vật, ở ba góc sân khấu, với những biểu cảm gương mặt, động tác, lời nói khác nhau, đã lột tả chân thực thân phận của nhiều người đồng tính bị kỳ thị trong chính gia đình mình. Không lối thoát, Tuấn tìm đến ma túy để hủy hoại cuộc đời. Anh vô tình gây ra nỗi đau cho những người khác như Cường và Dũng.
Khi người vợ phát hiện ra chồng bấy lâu nay che giấu bản năng đích thực, cô đứng trước lựa chọn buông tay hay dũng cảm đối đầu. Sự đối mặt giữa ba nhân vật chính đẩy mâu thuẫn của vở kịch lên cao trào. Khuôn mặt hoảng hốt, ánh mắt hoang dại, tuyệt vọng, cùng những động tác luống cuống và sự nghẹn đắng, ngắt quãng trong lời thoại của Kim Hiền lột tả sự bàng hoàng, đau đớn của người vợ trẻ. Đối diện với cô là người chồng Dũng, dù hoang mang không kém, vẫn đủ tỉnh táo và bản lĩnh để ứng xử giữa hai mối quan hệ mà anh trân trọng. Cách xử lý tình huống phù hợp với tính cách, địa vị, học vấn của mỗi nhân vật cho thấy hiểu biết của đạo diễn Kim Khánh về thế giới của những người đồng tính.
Hiện thực khốc liệt về cuộc sống của người đồng tính, của cô gái điếm bị mẹ bỏ rơi khi mới 5 tuổi, của một thế hệ người trẻ bơ vơ đi tìm lý tưởng sống được diễn viên trẻ tái hiện thành công với 90 phút ngắn ngủi trên sân khấu. Giữa gam màu xám của những mảnh đời buồn vẫn toát lên thanh âm lãng mạn, ấm áp của tình yêu.
Ngoại hình đẹp của cặp Dũng - Cường cùng hiệu ứng ánh sáng mờ ảo, âm nhạc êm dịu cho thấy một tình yêu đồng giới say đắm, nhiều đau khổ, dằn vặt nhưng vẫn lãng mạn và đẹp như bất cứ đôi tình nhân khác giới nào. Sự bao dung của người vợ, tình yêu vô bờ bến của người mẹ... đã dẫn lối cho những con người đang tuyệt vọng đến đáy nhìn thấy hướng đi cho cuộc đời. Từ lối đi nhỏ này, họ trở thành vị cứu tinh đối với những người đang lầm lỡ như mình.
Ngoại trừ cái kết quá nhanh và khá êm đềm ngay sau cao trào của vở kịch khiến người xem có chút hẫng, Cầu vồng khuyết là tác phẩm thành công khi đề cập đến đề tài đồng tính và những vấn nạn xã hội mà không mang nặng tính giáo điều, tuyên truyền.
Vở kịch ra mắt nhân dịp "Ngày Thế giới phòng chống HIV/AISD" dưới sự tài trợ của một tổ chức phi chính phủ. Sau đêm công diễn đầu tiên vào ngày 1/12, êkíp dự định tiếp tục phục vụ miễn phí nhiều đối tượng khán giả tại TP HCM và miền Tây Nam bộ.
Châu Mỹ