Kể từ khi New York Times đăng loạt bài điều tra về scandal lạm dụng tình dục của Harvey Weinstein hồi tháng 10, hàng trăm nạn nhân đã tiết lộ họ từng bị quấy rối hoặc bị tấn công bởi những tên tuổi lớn trong ngành giải trí.
Hàng chục diễn viên tuyên bố họ là nạn nhân của Harvey Weinstein - một trong những nhà sản xuất quyền lực nhất, có ảnh hưởng nhiều nhất Hollywood, đứng sau thành công của Shakespeare In Love, The King’s Speech hay Silver Lining’s Playbook. Trong khi người phát ngôn của Harvey Weinstein phát biểu trên The New Yorker: "Ông Weinstein phủ nhận bất cứ cáo buộc tình dục vô căn cứ nào", hàng loạt nạn nhân tiếp tục đứng ra tố cáo như Rose McGowan, Salma Hayek, Angelina Jolie, Ashley Judd, Gwyneth Paltrow, Cara Delevingne, Kate Beckinsale...
Loạt bài viết của The New Yorker khẳng định Harvey Weinstein lợi dụng vị thế, sự giàu có và ảnh hưởng của mình để "săn" các diễn viên trẻ, các nhân viên nữ...
* Ba thập niên quấy rối tình dục của Weinstein bị phanh phui
Theo Guardian, ngày 14/10, sau cuộc họp đặc biệt của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh ở Los Angeles (Mỹ), Harvey Weinstein bị đuổi khỏi Viện Hàn lâm. Harvey còn bị BAFTA - Viện hàn lâm Điện ảnh và Truyền hình Anh - tạm ngừng các hoạt động, đồng thời bị sa thải khỏi hãng Weinstein - công ty do chính ông sáng lập.
Những cáo buộc này làm dấy lên mối lo ngại về môi trường không lành mạnh trong làng giải trí và ngày càng nhiều cáo buộc chống lại những người đàn ông quyền lực.
Phái nữ lên tiếng chia sẻ câu chuyện họ từng bị lạm dụng, hành hung... và sử dụng chung hashtag #MeToo (Tôi cũng vậy). Phong trào này ngày càng mở rộng và có tiếng nói mạnh mẽ. Hôm 5/12, tạp chí Time công bố bình chọn "Nhân vật của năm" chính là những nạn nhân đã dũng cảm đứng ra tố cáo hành vi quấy rối tình dục.
Sau vụ việc của Harvey Weinstein, nhiều diễn viên, nhân vật có ảnh hưởng trong làng trí cũng bị tố cáo từng có hành vi sai trái như diễn viên Kevin Spacey, đạo diễn James Toback, diễn viên hài Louis CK, nhà làm phim Brett Ratner, diễn viên Ed Westwick, Dustin Hoffman, Steven Seagal, đạo diễn Bryan Singer, MC Matt Lauer...
Diễn viên Kevin Spacey bị đuổi khỏi loạt phim House of Cards và Netflix dừng hợp tác sau khi bị Anthony Rapp tố cáo từng có hành vi đồi bại vào năm 1986, khi anh này mới 14 tuổi. Nhà hát The Old Vic ở London, Anh sau đó điều tra và tiếp nhận tố cáo của khoảng 20 người khác cũng từng là nạn nhân của Kevin Spacey. Diễn viên, nhà sản xuất 58 tuổi từng có giai đoạn làm giám đốc nghệ thuật của nhà hát từ năm 2004 tới 2015. Kevin Spacey cũng bị loại khỏi tác phẩm All The Money In The World và diễn viên Christopher Plummer thay thế.
* Kevin Spacey trong "House of Cards"
Những lời tố cáo lạm dụng tình dục cũng khiến chục diễn viên, nhà sản xuất, MC mất việc. MC Matt Lauer không còn đảm nhận việc dẫn chương trình buổi sáng tại Mỹ, hợp đồng quảng cáo và đóng hài với Netflix theo đó cũng bị hủy bỏ. Nhà làm phim Brett Ratner bị hãng Warner Bros. chấm dứt quan hệ. Đạo diễn Bryan Singer không được chỉ đạo bộ phim tiểu sử về Freddie Mercury...
Toàn bộ diễn biến này được nhiều báo Âu Mỹ xem là đánh dấu bước chuyển lớn ở Hollywood. Ngoài việc lên án Harvey Weinstein và những người khác, vấn đề lớn hơn được đặt ra là sự thay đổi văn hóa của ngành phim ảnh Mỹ - nơi mặc định chuyện "đổi tình lấy vai diễn" là thông lệ và phụ nữ phải giữ im lặng.
Theo sau những bê bối tình dục trong làng giải trí, Viện Hàn lâm thông qua các quy tắc ứng xử cho các thành viên để hạn chế nạn lạm dụng và quấy rối. Theo Independent, hậu quả của scandal tình dục trong năm nay có thể kéo dài suốt năm 2018 và ảnh hưởng trực tiếp tới mùa trao giải điện ảnh đầu năm tới.