Đám tang nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo diễn ra ở Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, Trần Thánh Tông, Hà Nội trưa 9/1. Ông qua đời hôm 7/1, hưởng thọ 72 tuổi. Lễ viếng bắt đầu từ 12h. Dù trời mưa, trước đó nửa tiếng, hàng trăm người có mặt để đưa tiễn ông. Bạn bè của Nguyễn Trọng Tạo đều luống tuổi, tóc bạc trắng hoặc điểm hoa râm. Họ lặng lẽ chuyện trò, hồi tưởng kỷ niệm về cố nhạc sĩ.
Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên có mặt từ sớm. Trong mắt ông, Nguyễn Trọng Tạo là người mang "chất Nghệ" điển hình. "Anh tài hoa, chăm chỉ và có chút gàn dở, khi quyết định điều gì khó ai lay chuyển. Chúng tôi vẫn nói, Nguyễn Trọng Tạo có khí chất ông đồ xứ Nghệ, sự thâm sâu của kẻ sĩ Bắc Hà và nét phóng khoáng của nhân sĩ Nam Bộ. Từ ngày bị tai biến rồi phát hiện thêm bệnh ung thư phổi, Nguyễn Trọng Tạo có buồn nhưng vẫn lạc quan, vui vẻ. Chúng tôi hay động viên anh: 'Cậu sống bằng ba cuộc đời người khác rồi, không có gì phải luyến tiếc cả. Trời gọi ai thì người đấy dạ'", Phạm Xuân Nguyên kể.
Nhà phê bình gọi cuộc đời của Nguyễn Trọng Tạo là "đời đế vương" bởi chẳng mấy ai tự do tự tại, làm được đủ việc mình thích như ông. Sinh thời, Nguyễn Trọng Tạo có ngôi nhà ở bãi giữa sông Hồng, gần cầu Vĩnh Tuy (Hà Nội). Đó là nơi ông cà kê, bàn chuyện văn chương cùng bạn bè. Nhà được đặt tên là "Đế vương", có đặt tấm bia khắc hai chữ này. Bạn văn bảo Nguyễn Trọng Tạo chơi ngông, ông giải thích: "Nhà sàn tôi ở ngoài bãi, phải qua đê, đúng là "vướng đê", đọc ngược lại là "đế vương" còn gì. Biệt danh "đế vương" của ông có từ đó. Phạm Xuân Nguyên đề trong sổ tang: "Đế vương nay đã về trời/ Để thơ, nhạc lại cho người trần gian".
Nhà thơ Thụy Kha nói: "Ba cuộc đời của Tạo là đời thơ, đời nhạc và đời rong chơi". Sinh thời, nhà văn mê đi đây đi đó, kết giao, gặp gỡ bạn bè. Nhà văn Ngô Thảo nhận xét ông "phóng túng, lang bang". Việc đi nhiều giúp ông có chất liệu sáng tác phong phú, từ đó tạo nên nhiều vần thơ, bài hát đậm chất trữ tình.
NSND Quang Thọ bày tỏ: "Dù Nguyễn Trọng Tạo đã ra đi, những vần thơ, câu hát của anh vẫn còn mãi với thời gian". "Tôi cảm thấy anh Tạo vẫn còn đâu đây, trong những tác phẩm của anh. Tất cả chúng tôi đều tin rằng anh chưa mất, như thể anh đang rong ruổi trong một chuyến đi dài như khi anh còn sống", nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ.
Những ngày cuối đời, dù mắc bệnh hiểm nghèo, Nguyễn Trọng Tạo vẫn giữ tinh thần lạc quan. Phạm Xuân Nguyên kể trưa 26/12/2018, ông cùng nhà văn Nguyên Ngọc, nhà văn Trung Trung Đỉnh đến bệnh viện Bạch Mai thăm Nguyễn Trọng Tạo. Gặp bạn bè, nhạc sĩ xúc động khóc. Phạm Xuân Nguyên bèn tếu táo: "Gặp Nguyễn Trọng Tạo phải có bia rượu chứ khóc buồn thế này đâu phải Nguyễn Trọng Tạo". Nghe vậy, nhạc sĩ phấn chấn hẳn lên, giục mọi người lấy bia trong tủ lạnh ra nâng cốc. Ông nhanh chóng trở về con người náo nhiệt, hoạt bát hàng ngày. Ông trêu chọc người này, hỏi han người kia, khiến không khí phòng bệnh rôm rả.
Nguyễn Thuỵ Kha nhớ lần gặp gỡ hôm Giáng sinh năm ngoái, Nguyễn Trọng Tạo lúc ấy đã xác định trước tinh thần. Ông lặng lẽ khóc khi bạn đến chơi. "Khi đón nhận cái chết, ai chẳng buồn nhưng Tạo không bi lụy. Cậu ấy chỉ tiếc những tháng ngày rong ruổi, đàm đạo cùng bạn bè", Nguyễn Thuỵ Kha nói. Chuyến đi xa cuối cùng của hai người là từ tháng 8 năm ngoái.
Trong mắt người bạn thân Thuỵ Kha, Nguyễn Trọng Tạo tình cảm, nồng ấm, ân cần. Ông từng đưa cô em gái bị ung thư máu đi thăm khám khắp nơi và chữa khỏi. Mẹ lâm bệnh, ông cõng bà leo năm tầng cầu thang. Theo nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, tính cách hào sảng, ga lăng khiến Nguyễn Trọng Tạo được nhiều phụ nữ thần tượng, say mê. "Ông đào hoa và có chút hư hỏng, nhưng đó là cái hư hỏng rất nghệ sĩ, đáng yêu. Hai lần đổ vỡ hôn nhân, Tạo vẫn là thỏi nam châm hút phái đẹp. Sức hấp dẫn ấy toát ra từ tính cách trượng phu của cậu ấy", Phạm Xuân Nguyên bày tỏ.
Ở tang lễ, nhà văn Nguyễn Trí Huân đọc điếu văn: "Những vần thơ, câu hát hồn hậu mà đằm thắm, bình dị mà sang trọng của anh sẽ còn mãi với đời. Anh sẽ trở về, ở lại trong tác phẩm của mình". Hàng trăm người đứng lặng, rớm nước mắt khi nghe những dòng điểm lại thành tựu của cố nhạc sĩ. Anh trai ông thay mặt gia đình cảm ơn những người tới viếng. Ông cất lên điệu hò Nghệ: "Mất em rồi, một nỗi đau không gì so sánh được", khiến những người có mặt tại nhà tang lễ bần thần.
Gia đình nhạc sĩ lặng lẽ đưa tiễn ông. Ba người con của Nguyễn Trọng Tạo mắt đỏ hoe đứng bên linh cữu, cảm ơn người thân, bạn bè, đồng nghiệp. Khi nhạc sĩ còn sống, con trai và con gái út làm việc, học ở xa nên không ở cùng bố. Con gái cả sống với gia đình riêng ở toà nhà cạnh ông. Những ngày nhạc sĩ lâm bệnh, chị túc trực chăm bố.
13h45 phút, linh cữu nhạc sĩ được đưa lên xe về đài hóa thân Hoàn Vũ, Văn Điển. Tro hài nhạc sĩ sẽ được đưa về quê ở Nghệ An sau khi gia đình xây dựng xong khu tưởng niệm. Nhà thơ Nguyễn Thuỵ Kha kể khi còn sống, Nguyễn Trọng Tạo đã chỉ cho bạn nơi ông muốn an nghỉ. Đó là một gốc cây to trong khu vườn của gia đình ở Diễn Châu, Nghệ An.
Nguyễn Trọng Tạo sinh năm 1947 ở Nghệ An. Ông là nhà thơ, họa sĩ, nhà báo. Nguyễn Trọng Tạo từng là Trưởng ban biên tập báo Thơ thuộc báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 2003 đến 2004. Ông là tác giả các ca khúc đậm chất dân gian như Làng quan họ quê tôi, Đôi mắt đò ngang, Tình ca bên một dòng sông, Non nước Cao Bằng, Mẹ tôi... Ông cũng viết nhiều tập thơ, trường ca như Đồng dao cho người lớn, Nương thân, Thế giới không còn trăng, Con đường của những vì sao (Trường ca Đồng Lộc).
Hà Thu
Ảnh: Tuấn Minh
Video: Văn Bắc