H.T. -
Cốt truyện của O'Flynn xoay quanh câu chuyện giữa một nhân viên an ninh và một người bị rối loạn giấc ngủ. Người này thường xuyên đi lang thang trong đêm, tìm kiếm sự thật, sau khi nhìn thấy một đứa trẻ bị mất tích trên đài CCTV 20 năm trước.
O'Flynn tâm sự: "Trước đó, tôi có rất ít hy vọng về khả năng xuất bản cuốn sách. Tác phẩm dựa trên những trải nghiệm mà nhiều người trong số chúng ta từng đi qua, trong hành trình từ một đứa trẻ đầy năng lượng thành một người lớn nhợt nhạt, thiếu nhựa sống với cuộc đời".
"Người đưa thư" Catherine O'Flynn với cuốn sách đoạt giải. |
Trong khi các nhà xuất bản đều coi sách của O’Flynn là một tác phẩm "không thích hợp" với họ thì Joanna Trollope và các vị giám khảo giải Costa đã không hề kiệm lời khen khi coi đây là sáng tác "xuất sắc lạ thường", "một cuốn tiểu thuyết trộn lẫn giữa chất hài hước và tính bi ai trong một kết cấu thông minh và rất hấp dẫn".
Catherine O'Flynn không phải là người đầu tiên giành được thành công ngọt ngào sau một chuỗi thất bại liên tiếp. Nhà văn Beatrix Potter cũng từng phải đấu tranh bền bỉ để đứa con tinh thần của mình được khai sinh. The Tale of Peter Rabbit của Potter - cuốn sách được coi là một trong những tác phẩm văn học thiếu nhi quan trọng nhất thế kỷ 20 bị đã bị nhiều nhà xuất bản lắc đầu trước khi may mắn được ấn hành vào năm 1900.
The Wind in the Willows của Kenneth Grahame, The War of the Worlds của Herbert George Wells và Lord of the Flies của nhà văn đoạt giải Nobel William Golding cũng có số phận tương tự.
Rowling, tác giả bộ truyện Harry Potter đã tiêu thụ được hơn 350 triệu bản trên toàn thế giới cũng bị hơn chục nhà xuất bản khước từ trước khi lọt vào con mắt tinh đời của Bloomsbury. Wilbur Smith, người từng sản xuất ra những tác phẩm bán được hàng triệu bản, đã gần như tuyệt vọng đến mức muốn bẻ bút khi tác phẩm đầu tay của ông không được bất cứ nhà xuất bản nào ở London đếm xỉa đến.
Trước khi thành công, Rowling cũng rất lận đận khi tìm nhà xuất bản. |
Kỷ lục thất bại thuộc về tiểu thuyết gia truyện trinh thám John Creasey. Creasey đã ngậm ngùi đón nhận 743 cái lắc đầu của các nhà xuất bản, để sau đó, những tác phẩm của ông tiêu thụ được hơn chục triệu bản.
Nhà văn nổi tiếng Jack London cũng nhận được ít nhất 600 thư chối khéo của các biên tập viên văn học trước khi ông xuất bản được tác phẩm đầu tay. Những bằng chứng về sự thiếu sáng suốt của các nhà xuất bản đối với tác giả Tiếng gọi nơi hoang dã sẽ được tập hợp và trưng bày trong một triển lãm diễn ra ở San Francisco trong thời gian tới.
Vừa rồi, David Lassman - nhà văn vốn mang mối hận lâu dài với những người tuyển trạch ở các nhà xuất bản - đã làm một phép thử để xem, liệu một tác giả như Jane Austen có dễ dàng ký được hợp đồng xuất bản sách trong thời đại này.
Lassman đánh máy lại 3 chương đầu các tiểu thuyết kinh điển như Pride and Prejudice, Northanger Abbey và Persuasion của Austen, đổi tên sách rồi ký tên một tác giả khác và gửi đồng loạt đến 18 nhà xuất bản. Chỉ duy nhất một nhà xuất bản nhận ra đó là những sáng tác của Austen.
Tindal Street Press - nhà xuất bản có đôi mắt xanh phát hiện ra giá trị sáng tác của O’Flynn - được thành lập năm 1998. Alan Mahar - ông chủ của nó là một nhà văn từng quá chán nản vì bản thảo của ông liên tục bị giới biên tập viên từ chối. "What Was Lost đúng là không vừa với những cái chuồng chim mà các nhà xuất bản tự tạo ra để nhốt sáng tác của nhà văn vào đó. Họ tự khiến cho cái nhìn của mình trở nên hẹp hòi bởi cách phân sách thành loại này, loại nọ cho phù hợp với thị trường và danh mục sách nhập của hãng Waterstone", Mahar nói.
Tindal Street đã có 10 đầu sách đoạt các giải thưởng văn học quốc gia, trong đó có giải Booker năm 2003 với cuốn tiểu thuyết đầu tay của Clare Morrall - Astonishing Splashes of Colour. Tác phẩm của Morrall từng bị nhiều nhà xuất bản gạt đi trước khi đến tay Tindal Street. "Lần này, chúng tôi lại tìm được một tác giả tiềm năng. What Was Lost là một tác phẩm đặc sắc, rất tinh tế, rất hài hước và được kết cấu rất tốt. O'Flynn mang đến thông điệp mới về lối sống tiêu thụ của chúng ta ngày nay, về mối ám ảnh của chúng ta với thói quen mua sắm. Bên cạnh đó, cuốn sách còn là một câu chuyện bí ẩn với những cảm xúc mãnh liệt", Mahar nói.
Giải Costa 2007
- Sách thiếu nhi hay nhất: The Bower Bird - Ann Kelley - Tiểu thuyết đầu tay hay nhất: What Was Lost - Catherine O'Flynn - Tập thơ hay nhất: Tilt - Jean Sprackland - Truyện ký hay nhất: Young Stalin - Simon Sebag Giải Cuốn sách của năm sẽ được lựa chọn từ 5 tác phẩm này và công bố vào 22/1 tại lễ trao giải diễn ra ở London. |
(Nguồn: The Guardian, Independent)