Tên sách: Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối
Tác giả: Patrick Modiano
Dịch giả: Trần Bạch Lan
Nhà xuất bản Văn học
Năm phát hành: 2014
Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối là tác phẩm mới nhất của Patrick Modiano vừa được phát hành ở Việt Nam. Với chưa đầy 200 trang, tiểu thuyết tạm chia làm bốn phần được dựng trên lời kể của bốn nhân vật. Bốn nhân vật đó gồm một cậu sinh viên, một thám tử, Jacqueline và người yêu của cô; mỗi người kể về một phần đời của nhân vật nữ chính - Louki cũng chính là Jacqueline.
Tiểu thuyết mở ra với không gian quán cà phê Le Condé - nơi tập trung của những nhân vật đặc biệt, những Louki, Tazan, Zacharias, Mireille... Đó không phải là tên thật của các nhân vật, cũng giống như việc đời họ chẳng có gì rõ ràng. Các thực khách tới Le Condé đều ở độ tuổi từ mười chín tới hai mươi lăm, và họ ở đó không hẳn chỉ để thưởng thức đồ uống. Như cách của một cậu sinh viên quan sát Louki nói: "nàng tới ẩn náu ở đây, tại quán Le Condé này, như thể muốn chạy trốn điều gì đó...". Quả thực, quán cà phê của những tuổi trẻ lạc lối chính là một chốn trú ẩn khỏi mọi thứ u ám của cuộc đời. Đồng thời, cái phần tốt đẹp nhất đời họ - tuổi trẻ - cũng để lại nơi đó.
Cuộc đời Louki dần được hé mở. Qua lời kể của nhân vật "thám tử", Louki hóa ra chính là Jacqueline, và cô từng lấy chồng như một việc chẳng mấy quan trọng trong cuộc đời.
Tới phần Louki tự kể về mình, cô hồi tưởng lại quãng thời gian tuổi trẻ, khi trốn mẹ đi lang thang trong đêm lúc mười lăm tuổi. Sự cô đơn, trống trải của nhân vật được khắc họa rõ trong phần này, tới mức cô dùng cả ma túy theo cái cách mà cô gọi là "ăn tuyết".
Cái chết của Louki được kể qua lời người yêu cô. Việc Louki tự tử khép lại cuốn sách, nhưng mở ra những tiếc nuối vô hạn.
Không nhiều chi tiết, không theo trật tự tuyến tính thời gian, không gian, Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối dựng lên những nhân vật, những vùng đất của sự trung tính. Patrick Modiano đưa người đọc lang thang khắp nẻo Paris, nơi mà bao đại lộ, những ngã tư, phố xá, quảng trường, vùng ven tồn tại như những chi tiết, những phần không thể tách rời của tiểu thuyết. Những bến tàu điện ngầm Estoile, sông Seine, lối đi Thiên Nga, Quảng trường Respublique, phố Saigon... nơi các nhân vật đi qua ấy được gọi là "vùng trung tính". Louki đã phiêu bạt qua chỗ này, chỗ kia, cô thấy bầu trời "giống túp lều rách của một rạp xiếc nghèo" rồi cuối cùng bỏ mặc mọi thứ như nói lên cuộc đời của một tuổi trẻ bất thường.
Đọc Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối, có cảm giác tác giả đi tìm thời gian đã mất bằng những mẩu ký ức rời rạc. Sâu xa hơn, hành trình về quá khứ đó chính là một cuộc khám phá nội tâm, giải mã những bí ẩn trong con người.
Sự cô đơn không được tác giả gọi tên, định vị, mà người đọc vẫn cảm nhận được mảng xám trong những tâm hồn nhân vật: "Tôi cảm thấy nỗi hoang mang vẫn thường xuyên xâm chiếm con người tôi vào ban đêm và còn mạnh hơn cả nỗi sợ - cái cảm giác kể từ nay mình chỉ dựa được vào chính mình, không biết trông đợi vào đâu nữa".
Sự phiêu dạt của nhân vật được lý giải: "Làm thế nào mà tôi lại có thể co mình lại sát những bức tường để lẩn tránh như vậy? Và tôi sợ gì cơ chứ? Tôi sẽ đi tới những cuộc gặp. Chỉ cần bước vào bất kỳ quán cà phê nào".
Và để kết thúc cho những lơ lửng, những xám xịt, những vùng trung tính của cuộc đời, nhân vật chọn một cái chết, cũng lơ lửng: "Xong rồi. Để mặc đi".
Như một tiếng thở dài, như một bài thơ trầm buồn, Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối khiến độc giả tìm được sự đồng cảm trong những miêu tả tâm lý tinh tế, sâu sắc. Những tuổi trẻ bất thường ấy không phải là các nhân vật dị biệt, nó là một phần trong mỗi con người chúng ta.
Tác giả Patrick Modiano là một cái tên lớn trong văn chương đương đại Pháp. Ông từng nhận giải Goncourt cho tiểu thuyết Phố những cửa hiệu u tối, nhận Giải thưởng Văn học trọn đời Paul – Morand năm 2000. Tác phẩm của Modiano luôn có cảm giác trống rỗng, chông chênh, sự thiếu hụt hoang mang, ám ảnh. Trước Ở quán cà phê của tuổi trẻ lạc lối, Patrick Modiano có nhiều tác phẩm được xuất bản ở Việt Nam như: Phố những cửa hiệu u tối, Quảng trường Ngôi Sao, Những đại lộ ngoại vi.
Lam Thu