Trong phim kinh dị của Mỹ, nữ sinh Đại học Tree Gelbman (Jessica Rothe) bị một sát thủ đeo mặt nạ giết trong ngày sinh nhật. Một vòng lặp thời gian bí ẩn xuất hiện khiến Tree sống lại rồi phải trải qua ngày chết chóc này nhiều lần. Cô quyết tâm ngăn chặn hung thủ dựa trên những chi tiết phát hiện được từ mỗi lần hồi sinh.
Tác phẩm có trích đoạn một cô gái người Việt ngồi trước cửa căn hộ của Tree, nghe bài Số nhọ và chạm mặt nhân vật chính mỗi khi cô về nhà. Ca khúc vang lên ba lần trong phim và tên nhạc sĩ Huỳnh Hiền Năng xuất hiện trong phần giới thiệu đoàn làm phim (credits). Trên trang cá nhân của anh và fanpage của đơn vị phát hành, nhiều khán giả bày tỏ sự thích thú trước chi tiết này.
Huỳnh Hiền Năng cho biết anh được nhà sản xuất liên hệ qua email và facebook để đặt vấn đề mua bản quyền bài hát. Anh kể đại diện hãng phim nói thích thú khi nghe bài hát và muốn sử dụng cho Happy Death Day. Họ cũng mô tả cho anh cảnh phim có sử dụng bài hát.
"Tôi rất bất ngờ bởi đây là phim Mỹ, bối cảnh ở Mỹ nhưng êkíp lại đặt mua một bài hát Việt. Trước khi phim ra mắt, tôi cũng không chắc bản chiếu rạp của tác phẩm có sử dụng nhạc của mình không. Sau ngày công chiếu, tôi mới nghe bạn bè báo lại là bài Số nhọ đã vang lên ba lần trong phim Hollywood. Tôi rất vui vì tên mình xuất hiện ở phần credits", Huỳnh Hiền Năng bày tỏ.
* MV "Số nhọ"
Ra mắt năm 2016, ca khúc Số nhọ do nhóm nhạc nữ Lip B thể hiện gây ấn tượng bởi giai điệu vui tươi, phần trình diễn bắt mắt. MV bài hát này có 17 triệu lượt xem trên Youtube. Ngoài ca khúc Số nhọ, Happy Death Day còn có sự tham gia của nam diễn viên gốc Việt tên Phi Vu trong một vai phụ.
Hình ảnh cộng đồng người Việt ở Mỹ đôi khi xuất hiện trong các phim Hollywood. Phim hài Tower Heist (2011) của Ben Stiller có cảnh một nhân viên nói tiếng Việt. Trong The Fast and the Furious (2001), kẻ đối đầu với nhân vật Dominic Toretto (Vin Diesel) là một quái xế người Việt.
Happy Death Day thuộc kiểu kinh dị chặt chém (slasher), trong đó nhân vật thường bị kẻ ác truy đuổi rồi sát hại. Tuy nhiên, tác phẩm không quá máu me như các phim cùng thể loại mà được kể với giọng nhẹ nhàng, đôi khi hơi hài hước. Ở Mỹ, phim chỉ được dán nhãn PG-13 (không phù hợp với trẻ em dưới 13 tuổi). Ở Việt Nam, phim mang nhãn C16 (cấm người dưới 16 tuổi).
Tình huống của cô gái trong phim gợi nhớ đến phim kinh điển Groundhog Day (1993) hay gần đây là Edge of Tomorrow (2014) khi nhân vật phải trải qua cùng một ngày nhiều lần. Tác phẩm mào đầu nhanh khi giới thiệu nhân vật chính cùng những người xung quanh cô. Tree được khắc họa là người khó ưa, coi thường người khác và tham gia một hội nữ sinh "sang chảnh".
* Nữ sinh vướng vào vòng lặp chết chóc trong phim kinh dị
Qua việc mô tả một ngày của người đẹp, kịch bản gợi ra nhiều tình tiết để khán giả có thể suy đoán về danh tính hung thủ. Có ít nhất năm người có hiềm khích với Tree, bao gồm người bạn cùng phòng, cô trưởng nhóm nữ sinh, anh chàng bị cô từ chối tình cảm, chàng bác sĩ ngoại tình với cô và vợ anh ta.
Phản ứng của Tree khi rơi vào vòng lặp thời gian phù hợp với tâm lý bình thường của con người. Lần đầu hồi sinh, cô tưởng việc mình bị giết là một giấc mơ và vẫn sống như bình thường. Đến lần thứ hai, thứ ba, người đẹp bắt đầu hoảng loạn và nhận ra vấn đề. Sau đó, cô bình tĩnh lại, tận dụng vòng lặp để lên kế hoạch tự cứu bản thân.
Ở những lần Tree bị giết đầu tiên, đạo diễn Christopher Landon theo đúng khuôn mẫu của phim kinh dị với các màn jumpscare (chèn hình ảnh hoặc tiếng động âm thanh bất thình lình để gây sợ). Tên giết người ẩn nấp trong bóng tối rồi bất ngờ xuất hiện ra tay. Tuy nhiên, ở giữa phim, khi Tree đã hiểu ra vòng lặp, các trích đoạn ra tay lại có phần hài hước với tiết tấu nhanh, đôi khi kết thúc bằng việc nhân vật chính bị giết theo cách ngớ ngẩn. Có lúc người đẹp còn tận dụng việc chết đi sống lại để làm những chuyện điên rồ, như cảnh cô khỏa thân đi giữa sân trường.
Câu chuyện kịch tính hơn với tình tiết Tree phát hiện mình bắt đầu yếu đi mỗi khi hồi sinh. Lúc này, cô buộc phải nhanh chóng giải quyết vấn đề trước khi đuối sức. Trong hồi ba, đạo diễn giữ vững được nhịp độ và duy trì bất ngờ đến phút cuối.
Sự chuyển hóa về tâm lý nhân vật chính cũng mang đến nhiều thú vị. Thông thường, ở các phim kinh dị, mẫu nhân vật xinh đẹp nhưng khó ưa như Tree hay bị giết sớm. Tuy nhiên, với câu chuyện của Happy Death Day, cô có cơ hội để làm lại cuộc đời. Xuyên suốt tác phẩm, nhân vật chính dần thay đổi, nhận ra khuyết điểm của mình và cư xử tốt hơn với người xung quanh. Trong vai này, ngoài những cảnh sợ hãi, hoảng hốt quen thuộc của phim kinh dị, nữ diễn viên trẻ Jessica Rothe thể hiện khá tốt nhiều biểu cảm đa dạng.
Tác phẩm có kết thúc hợp lý, ăn khớp với các diễn biến trước đó. Tuy nhiên, một số tình tiết còn chưa logic, điển hình như việc Tree không cố gắng lột mặt nạ hung thủ mỗi khi bị tấn công. Ở vài cảnh kinh dị, thủ pháp jumpscare và dàn dựng của phim còn cũ kỹ, chưa có sự sáng tạo. Câu chuyện lãng mạn được lồng vào phim còn gượng gạo, diễn ra quá gấp gáp.
Phim khởi chiếu từ ngày 27/10 với tựa Việt là Sinh nhật chết chóc, thời lượng 97 phút.
Ân Nguyễn