Chiều 7/12, UNESCO tổ chức phiên họp tại Jeju, Hàn Quốc. Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc đã đưa bài chòi vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.
* Nghệ nhân hát bài chòi ở Hội An
Bài chòi là môn nghệ thuật đa dạng, kết hợp giữa âm nhạc, thơ ca, diễn xuất, hội họa và văn học. Loại hình này có xuất xứ Trung Bộ, phổ biến ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Những người lưu giữ và thực hành nghệ thuật bài chòi được gọi là các anh chị Hiệu.
Bài chòi có hai hình thức là chơi bài chòi và trình diễn. Khi chơi bài chòi, người tham gia sử dụng các thẻ bài. Trong các buổi trình diễn, anh chị Hiệu biểu diễn trên chiếu cói hoặc di chuyển từ nơi này đến nơi khác. Họ hát, đối đáp về tình yêu quê hương đất nước, sự gắn kết cộng đồng, những bài học đạo đức.
* Tố Ny hát bài chòi trong chương trình "Gương mặt thân quen"
Nghệ thuật bài chòi chủ yếu được lưu giữ qua phương pháp truyền miệng. Các nghệ nhân được học kỹ năng, kỹ thuật hô, hát từ thế hệ trước trong gia đình. Ngày nay, một số nghệ nhân cũng dạy bài chòi ở các hội nhóm, câu lạc bộ và trường học.
Bài chòi Phú Yên trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia hồi tháng 11/2014. Cũng trong năm này, tỉnh Bình Định được giao chủ trì kế hoạch xây dựng hồ sơ văn hóa phi vật thể Tục chơi bài chòi mùa xuân của người Việt để đệ trình lên UNESCO.
Trước bài chòi, nhiều môn nghệ thuật truyền thống Việt Nam như nhã nhạc cung đình Huế, dân ca ví giặm, dân ca quan họ Bắc Ninh, ca trù, hát xoan ở Phú Thọ, đờn ca tài tử Nam Bộ từng được đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.
Hà Thu