Một thực tập sinh giấu tên vừa kiện hãng Alexander McQueen tại Anh vì đã nợ lương cô trong suốt 4 tháng thực tập, từ cuối 2009 đến đầu 2010. Cô đã phải làm nhiều việc như vẽ họa tiết thêu trên trang phục, sửa quần áo đính phụ kiện bị lỗi và nhuộm vải số lượng lớn.
Wessen Jazrawi, luật sư của người này, khẳng định cả hai bên đã ký hợp đồng trước khi làm việc. Nếu làm đúng luật, thương hiệu thời trang Anh phải trả lương ở mức tối thiểu theo quy định của nước này là 6.145 bảng Anh (hơn 216 triệu đồng).
Bên nguyên đơn cho biết, cô chấp nhận thực tập tại Alexander McQueen vì "đây là cách duy nhất để bước vào ngành công nghiệp thời trang". Tuy vậy, sau một thời gian, thực tập sinh này phát hiện mình đang bị bóc lột sức lao động. "Làm sao tôi dám đối mặt với chủ thuê khi họ nắm giữ tấm vé đến tương lai của tôi trong ngành thời trang?", cô nói.
Chưa đầy một ngày sau khi bị kiện, hãng thời trang Anh đáp lại: "Chúng tôi không hề biết cô ấy gặp phải vấn đề như vậy khi làm việc ở Alexander McQueen. Chuyện lương lậu của thực tập sinh được chúng tôi cực kỳ quan tâm bởi chính sách của hãng là trả lương cho mọi cá nhân thực tập và đóng góp công sức tại đây".
Đây không phải lần đầu hãng này gặp rắc rối về chính sách trả lương và đãi ngộ nhân viên. Năm ngoái, Alexander McQueen tung ra quảng cáo kêu gọi sinh viên giỏi thuộc lĩnh vực dệt kim về thực tập cho mình trong 11 tháng ở London. Yêu cầu từ công ty này là làm việc 5 ngày một tuần và mỗi ngày là 9 tiếng rưỡi. Bên cạnh đó, hãng chỉ đồng ý trả tiền đi lại và phát voucher trị giá 60 bảng (hơn 2 triệu đồng) để nhân viên ăn trưa. Những chi phí còn lại đều do sinh viên thực tập tự túc.
Quảng cáo này ngay sau đó đã bị Shelly Asquith, chủ tịch hội sinh viên Đại học Nghệ thuật London lên án trong email gửi tới hãng này. Alexander McQueen buộc phải gửi thư xin lỗi vì chính sách trả lương bất công. Thương hiệu thời trang Anh thừa nhận mình đã sai lầm đồng thời khẳng định những gì đưa ra trong tờ quảng cáo không đúng với chính sách nhân sự của hãng.
Thành Trương