Thứ tư, 27/11/2024
Thứ hai, 15/6/2015, 08:00 (GMT+7)

9 sự thật về các món đồ thời trang

Mark Twain là người sáng tạo móc áo ngực, trong khi giày cao gót ban đầu là dành cho nam giới.

1. Nhà văn Mark Twain là người sáng tạo ra chiếc móc cài trên áo ngực

Bằng sáng chế móc cài trên trang phục vào năm 1871 thuộc về một nhân vật không thuộc trong làng mốt: nhà văn nổi tiếng người Mỹ Mark Twain. Ý tưởng ban đầu của ông là một chiếc dây đai có thể tùy chỉnh được độ rộng, dùng cho áo vest, quần tây hoặc bất kỳ trang phục nào cần buộc dây đai. Nhưng sau cùng, ứng dụng nhiều nhất của nó lại ở trên món phụ kiện thiết yếu của bất kỳ người phụ nữ nào.

2. Giày đế đỏ của Christian Louboutin lấy cảm hứng từ Andy Warhol

Vua Louis XIV từng nổi tiếng vì sở thích đi giày đế đỏ và cấm mọi người, trừ mình, sở hữu đế giày màu này. Vì thế, hầu hết mọi người đều nhầm tưởng Louis XIV là nguồn cảm hứng cho thương hiệu Christian Louboutin. Tuy nhiên, bức họa "Flower" màu sắc của nghệ sĩ pop art Andy Warhol mới là nguồn cảm hứng. Trong khi đang xoay sở mọi cách để thiết kế mô phỏng được cái hồn của bức tranh, Louboutin tình cờ nhìn thấy một nhân viên nữ đang sơn móng chân màu đỏ. Ông lấy màu sơn ấy phết lên đế giày và thiết kế trở nên gần như hoàn hảo. Đặc trưng giày đế đỏ gắn liền với Christian Louboutin từ đó.

3. New York từng không phải là nơi đầu tiên tổ chức Tuần thời trang

Hầu hết tín đồ đều biết thứ tự trình diễn của bộ tứ kinh đô thời trang quyền lực lần lượt là: New York, London, Milan và cuối cùng là Paris. Nhưng trong quá khứ, New York luôn đi sau các tuần thời trang của châu Âu cho đến tận năm 1998. Khi ấy, nhà thiết kế Helmut Lang chuyển toàn bộ lực lượng từ Vienna (Áo) sang New York (Mỹ) và đổi lịch trình diễn lên sớm hơn hai tháng, từ tháng 12 sang tháng 9, trước cả ba tuần thời trang còn lại. Ngay sau đó, nhà mốt Calvin Klein và Donna Karan cũng thay đổi tương tự tạo nên lịch trình cho New York thành tuần thời trang đầu tiên như hiện tại.

4. Giày cao đế bằng ban đầu chỉ dành cho diễn viên kịch

Những đôi giày độn chiều cao cả mũi lẫn gót (flatform) là xu hướng thời trang được lăng xê từ mùa Xuân Hè 2012. Nó ra đời năm 450 trước Công nguyên với tên gọi là cothurnus - giày da có đế phẳng bằng nứa, cao đến 15 cm. Kiểu giày này thường được các diễn viên kịch Hy Lạp mang trên sân khấu để tăng chiều cao. Vì thiết kế khá thô nên những đôi cothurnus luôn được giấu trong bộ áo choàng dài của diễn viên.

5. Christy Turlington được chọn làm mẫu cho mannequin

Năm 1993, Viện Trang phục thuộc Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan cần bổ sung thêm một số mannequin mới. Yêu cầu đặt ra là gương mặt mannequin phải có vẻ đẹp vượt thời gian, linh hoạt và đại diện cho bất kỳ giới tính và lứa tuổi nào. Để đáp ứng yêu cầu này, đại diện bảo tàng đã chọn gương mặt của siêu mẫu nổi tiếng Christy Turlington và cho đến nay, mẫu mannequin khắp thế giới được tạo ra từ hình tượng này.

6. Giày cao gót ban đầu dành cho nam giới

Theo bà Elizabeth Semmelhack - cán bộ của Bảo tàng Giày Bata, từ nhiều thế kỷ trước ở vùng Cận Đông, giày cao gót đã hiện diện như một phụ kiện khi cưỡi ngựa. Phần gót nhọn giúp người ngồi trên lưng ngựa bám vững vào kiềng chân trong lúc bắn cung. Mãi đến thế kỷ 17, phụ nữ bắt đầu dùng giày cao gót khi chơi thể thao - một xu hướng thời trang nam hóa trong giai đoạn đó. Đến giữa thế kỷ 18, giày cao gót trở thành đặc quyền của phái làm đẹp trong khi nam giới dần quên lãng nó.

7. Trang phục định hình do Miêu nữ sáng chế

Năm 1975, nữ diễn viên Julie Newmar - Miêu nữ trong show "Batman" - được trao bằng sáng chế "quần có băng quấn độn mông", bao gồm mẫu quần bó sát cơ thể có một dải thắt lưng thun giúp bó hẹp vòng bụng và định dáng vòng mông giúp cơ thể trông nở nang hơn. Sau đó, sản phẩm này được tung ra thị trường với tên thương mại là Nudemar, trở thành cảm hứng cho mẫu quần độn mông ngày nay.

8. Quần jeans trước đây không được gọi là "jeans"

Khi Levi Strauss được cấp bằng sáng chế mẫu quần denim đinh tán vào năm 1873, ông gọi nó là "quần yếm lưng cao" - một cách gọi theo đúng nghĩa đen như cách gọi short là "quần ngắn trên gối". Cái tên ấy tồn tại qua nhiều thế kỷ cho đến khi dân số bùng nổ, chúng được có tên mới là "jeans xanh" - lấy theo tên của thành phố Genoa (Italy), nơi có rất nhiều thủy thủ mặc loại quần này.

9. Kate Moss vô tình hồi sinh bốt thợ săn

Bốt thợ săn từng một thời rất phổ biến, thậm chí còn là trang phục của quân đội Anh và các đội quân hoàng gia, trước khi bị "thất thế" vì vẻ ngoài kém thời trang. Cho đến 2005, siêu mẫu Kate Moss vô tình "hồi sinh" mẫu giày này khi diện cùng với váy ngắn ánh kim và thắt lưng da cá tính, tạo nên phong cách năng động và hoang dã tại lễ hội Glastonbury. Bức ảnh được chia sẻ khắp nơi và đến năm sau, mốt bốt thợ săn đã bùng nổ thành công trên các sàn diễn lớn.

Sao Mai