Sáng 2/2 tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức buổi họp giới thiệu Hội nghị Quốc tế Quảng bá Văn học Việt Nam lần thứ ba và Liên hoan Thơ châu Á - Thái Bình Dương lần thứ hai.
Hội nghị sẽ diễn ra trong một tuần, từ 1 đến 7/3 tại Hà Nội, Quảng Ninh, Bắc Ninh. Tới nay, đã có 40 quốc gia và gần 200 tác giả, dịch giả, nhà nghiên cứu văn học, đại diện nhà xuất bản quốc tế đăng ký tham dự. Trong đó, một số quốc gia lần đầu gửi chuyên gia, tác giả tới sự kiện như Cuba, Nam Phi, Brazil, Australia...
Lễ khai mạc sẽ diễn ra sáng 2/3 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội với chủ đề "Văn học Việt Nam, biểu hiện rực rỡ của khát vọng độc lập, tự do và hạnh phúc con người". Tối 2/3, Liên hoan thơ Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ hai sẽ được khai mạc tại Nhà hát lớn Hà Nội. Chương trình dự kiến xen kẽ các tiết mục biểu diễn nghệ thuật và đọc thơ của các nhà thơ trong nước và quốc tế.
Hai cuộc hội thảo được tổ chức song song vào sáng 3/3 tại Nhà khách Quân đội (1A Nguyễn Tri Phương, Hà Nội). Trong đó, cuộc hội thảo văn xuôi có chủ đề: "Văn xuôi Việt Nam - hội nhập và phát triển" chủ yếu giới thiệu văn học chữ quốc ngữ; hội thảo thơ có chủ đề "Thơ Việt Nam - nơi lưu giữ tâm hồn Việt".
Trong thời gian diễn ra Hội nghị Quảng bá Văn học và Liên hoan Thơ Châu Á - Thái Bình Dương cũng đồng thời diễn ra Ngày Thơ Việt Nam (5/3). Hội Nhà văn Việt Nam đã mời các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, dịch giả quốc tế cùng tham dự Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 13 tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hà Nội.
Theo ông Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - thì Hội nghị Quốc tế Quảng bá Văn học Việt Nam là chương trình cần thiết. Bởi nền văn học của chúng ta đã "nhập siêu" quá nhiều. Số tác phẩm văn học Việt được dịch ra nước ngoài so với số tác phẩm nước ngoài dịch và phát hành ở Việt Nam chỉ như muối bỏ biển. Bởi thế, Ban tổ chức đã mời thêm các nhà xuất bản quốc tế tới Việt Nam để có những hoạt động tiếp xúc, trao đổi nhằm đưa tác phẩm văn học Việt ra thế giới.
Lam Thu