Năm qua, trong khi Beyonce quay ngược bánh xe thời gian để kể lại câu chuyện về những ngày tháng vật lộn trong ngành công nghiệp âm nhạc, thì Lana Del Rey lại u sầu với ám ảnh về bạo lực gia đình, những bóng ma chết chóc và nữ quyền gây tranh cãi. Chủ đề trong các album đình đám gần đây càng trở nên phức tạp và đòi hỏi người nghệ sĩ phải cố gắng nhiều hơn nữa để đem đến những trải nghiệm bất ngờ cho khán giả.
Nhưng album mới của Taylor Swift lại đi ngược trào lưu đó. 1989 là một hành trình theo đuổi niềm vui thuần khiết, khiến người nghe phải ngỡ ngàng bởi chính sự đơn giản đến không ngờ. Tiếp tục hát về những trải nghiệm cá nhân, album lần này có tất cả mọi thứ mà một người hâm mộ trẻ mong mỏi, từ những bản tình ca tha thiết đến các ca khúc vui nhộn có thể khiến người nghe vui vẻ nhảy nhót cả ngày.
Ở các album trước, khán giả khó tính có thể chỉ trích rằng Taylor không xứng đáng với danh xưng “công chúa nhạc đồng quê” khi các ca khúc đều ít nhiều bị ảnh hưởng bởi phong cách Pop. Đến 1989, album thứ năm đã có một định hướng rõ ràng khi tập trung vào thể loại Pop điện tử. Sự thay đổi lần này đánh dấu bước trưởng thành hơn, chuyên nghiệp hơn của Taylor, như một lời từ biệt hoàn toàn dòng nhạc xưa cũ.
Các sáng tác vẫn mang đậm phong cách không thể nhầm lẫn của Taylor. Mở đầu bằng Welcome to New York, ca khúc nằm trong chiến dịch quảng bá khi Taylor được mời làm người phát ngôn du lịch cho thành phố. Cô gái nhỏ miền Nashville đã mang nét ngây thơ, đánh yêu đến kinh đô của thế giới. “Ánh đèn chói lòa nhưng không bao giờ làm tôi lạc lối” vang lên trong giai điệu tươi sáng ấy, đã trở thành bài ca mời gọi dành riêng cho những người yêu nét sôi động mà không kém phần thanh lịch của New York.
Bỏ qua những câu chuyện ngoài lề về những mối quan hệ phức tạp với tình cũ và đồng nghiệp thường thấy trong các sáng tác của Taylor, dễ nhận ra sự ảnh hưởng của các biểu tượng nhạc Pop lên 1989. Đó là cách nhấn nhá, nhả chữ đầy cá tính của Rihanna “ella, ella, ay” trong Wonderland, hay cách xử lý ca khúc mạnh mẽ đầy kỹ thuật của Lorde trong Out of the Woods.
Gây ngạc nhiên nhất là Wildest Dreams. Sự thay đổi uyển chuyển giữa giọng nữ cao tha thiết sang nữ trầm cùng tiết tấu chậm rãi: “Bàn tay anh lùa vào tóc em, quần áo anh ở trong phòng em” không khỏi gợi nhớ đến những ca khúc ma mị của Lana Del Rey. Việc dám thử nghiệm những phong cách mới đã đem lại một diện mạo vô cùng phong phú và đa dạng cho album lần này.
Được xem như điều thú vị nhất cho những giây phút cuối cùng, Clean thực sự là một điểm sáng của 1989 khi Taylor Swift hợp tác cùng nhạc sĩ người Anh - Imogen Heap. Ca khúc giống như lời thủ thỉ tâm tình, vừa đớn đau, ngọt ngào lại xen lẫn dư vị đắng cay sau khi tình yêu tan vỡ. Khác hẳn so với tiết tấu sôi động của những bài hát ban đầu, giai điệu của Clean dịu dàng, tha thiết với sự ảnh hưởng rõ nét của Heap trên nền nhạc điện tử.
Tuy nhiên, sự vội vàng thay đổi để “đoạn tuyệt” với nhạc đồng quê đã để lộ vài điểm yếu của Taylor Swift. Blank Space, Styles, New Romantics, I Know Places… quá lạm dụng trống đệm, Bass, khiến bài hát đôi lúc trở nên chói tai, phô rõ chất giọng mỏng.
Từ bỏ phong cách đã đưa mình đến đỉnh cao sự nghiệp là một bước đi liều lĩnh với bất cứ nghệ sĩ nào. Như chính Taylor từng chia sẻ: “Người ta càng ghét tôi, càng mắng chửi tôi, tôi sẽ càng là chính bản thân mình hơn nữa”, Taylor chấp nhận những phản hồi dù là tiêu cực để theo đuổi đam mê của chính mình.
Có lẽ 1989 sẽ không có ca khúc nào được đánh giá cao về mặt chuyên môn như Begin Again (album Red) hay Teardrops On My Guitar (album Fearless)… nhưng không thể phủ nhận được thành công về mặt thương mại cũng như sự đón nhận nồng nhiệt từ người hâm mộ. Là ca sĩ duy nhất có ba album liên tiếp bán hơn một triệu bản chỉ trong tuần đầu tiên, Taylor Swift sẽ còn tiếp tục tiến xa hơn nữa trên con đường nghệ thuật rộng mở của mình.
MV "Blank Space" - Taylor Swift |
|
Phương Loan