[Author]
Đã 15.
Nhân dịp 15 năm “Kính Vạn Hoa”, NXB dự định cùng nhà văn Nguyễn Nhật Ánh thổi nến sinh nhật thật thịnh soạn. Sinh nhật bộ truyện, sinh nhật của nhóm bạn Quý ròm, của bang Tứ quái, của Văn Châu, Minh Vương, Dũng cò… Họ bao nhiêu tuổi?
Cũng là 15.
Mà thực ra không có tuổi. Mỗi mùa thu lại họ mừng tuổi mới, nhưng cho dù 100 năm sau thì vẫn ở tuổi trăng tròn. Trẻ trung, phơi phới, thích thú ngắm nhìn một vạn màu sắc của cuộc đời qua một chiếc kính vạn hoa dài sâu thăm thẳm do những tấm gương ghép lại, mãi mãi xoay tròn, qua mỗi vòng xoay hiện lên một hình thù mới.
Tuổi trăng tròn, thời nay không mấy ai còn dùng từ này. Bây giờ, nếu 15 tuổi, người ta sẽ gọi bạn là “teen”, 13 tuổi cũng là teen, 18 cũng vậy thôi. Từ lúc chập chững “tốt nghiệp” tiểu học cho đến lúc học xong năm nhất đại học, bạn sẽ là teen. Sẽ trẻ lâu hơn một chút, nhưng cũng mất đi một thời “trăng náu, trăng tròn, trăng xế”. Đó là những từ ngữ quen thuộc của ngày xưa, coi như tương đương với “teen bé, teen nhỡ, teen lớn”.
Ngày xưa đó cách đây khoảng 10 năm. Trong thế giới chúng ta đang sống, 10 năm cũng đủ dài để một thứ gì đó trở nên lỗi thời, không còn ai nhớ đến hoặc biến mất mãi mãi.
Nhưng Quý ròm cùng những thành viên lớp 9A4 của ngày xưa có lỗi thời, không còn ai nhớ đến hoặc biến mất mãi mãi?
Bìa tập 54 "Cà phê áo tím". |
Lần đầu đọc “Kính Vạn Hoa”, tôi 13 tuổi. Chúng tôi thuê từng tập nhỏ bìa tím có những hình vẽ nguệch ngoạc ở những hàng thuê sách nhỏ hẹp. Ở tuổi đó khó có thể đọc những cuốn sách dày dặn hơn, nghĩ lại thấy khá hổ thẹn. Nhiều em nhỏ bây giờ có thể say sưa ngấu nghiến những tập Harry Potter dày cộp. Bù lại, tập truyện nhỏ bé mỏng mảnh có thể nằm trong cặp theo chúng tôi đi khắp nơi. Hãy tìm những cuốn “Kính Vạn Hoa” cũ kỹ cho thuê trong các nhà sách nhỏ, trên bìa mỗi tập trong từng trang sách, có dấu vân tay của rất nhiều “teen” Việt Nam.
Tôi cũng giống như tất cả bạn bè của mình, khó lòng mượn các tập truyện theo thứ tự. Nhưng nhà văn từng nói, “Kính vạn hoa” là bộ truyện liên hoàn, các tập có nội dung độc lập, không liên quan đến nhau, có thể đọc tập nào trước cũng được. Một cách tự nhiên, “Kính vạn hoa” hoàn toàn phù hợp với phương thức tiếp nhận thô sơ đó. Viết cho độc giả thì sẽ đến được với độc giả.
Nhà văn Lê Phương Liên từng nhận xét khi đọc bản thảo những tập đầu tiên nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đưa cho NXB Kim Đồng: “Hiện thực truyện gần gụi với đời sống sinh hoạt ở nhà và ở trường của học sinh”. Một nhận xét đơn sơ và chính xác. Riêng tôi thích mê không gian lớp học mà tác giả dựng nên, một lớp học trong mơ đúng nghĩa, rất khác “lớp học trong mơ” của đạo diễn Lê Hoàng với phim “Những thiên thần áo trắng”. Lớp học của Nguyễn Nhật Ánh đáng mơ ước nhưng hoàn toàn chân thực.
Tôi nhớ bài thơ “Chị Hằng” mà Quý ròm sáng tác nhân cuộc thi cấp lớp ở tập 26 "Tiết mục bất ngờ".
“Anh Em Khuyên Hạnh Quý Long Vương
Dung Ngọc Như Hoa Lâm Mỹ Lương
Bá Đạo Linh Hà Cung Lễ Hải
Tần Kiều Ân Dưỡng Phước Hòa Quang”
Bài thơ của “thi sĩ Bình Minh” lớp 9A4, hay chính xác là của Nguyễn Nhật Ánh, ngộ nghĩnh và ngây ngô, “chẳng có nghĩa gì nhưng lại rất ý nghĩa” đúng như nhỏ Hạnh nhận xét. Bài thơ là bản hòa âm những cái tên của các thành viên trong lớp học. Chỉ riêng tên lớp trưởng Xuyến Chi bị chấm thêm dấu thành chữ “Chị” ở tiêu đề, còn lại cả lớp ai nấy đều mãn nguyện khi tìm thấy tên của mình, nguyên vẹn, được ghép vào đâu đó trong bài thơ, làm thành bản hòa ca vui tai.
Tôi từng bắt chước Quý ròm phóng tác một bài thơ tương tự dịp làm báo tường vào năm lớp 8. Thật giản dị, mỗi lớp học đều là một bài thơ, thậm chí nhiều bài thơ nếu ta hứng thú với trò chơi con chữ và âm thanh.
Năm 2002, Nguyễn Nhật Ánh tạm dừng bộ truyện ở tập 45 có tên gọi “Kính Vạn Hoa”, lúc đó ông thổ lộ không hề nghĩ có ngày sẽ viết tiếp. Năm 2007, được NXB Kim Đồng và một tờ bào thuyết phục, và nhất là lòng hâm mộ không có dấu hiệu giảm sút của bạn đọc nhỏ tuổi, nhà văn lại tiếp nối những câu chuyện muôn màu về tuổi học trò. "Kính Vạn Hoa" trở lại với một diện mạo mới. Sau 5 năm, Quý ròm và các bạn đã tốt nghiệp trung học cơ sở, lên lớp 10, chiếc kính vạn hoa phản ánh thế giới học trò trong trang sách đã được lắp thêm tấm gương công nghệ hiện đại cùng nút thắt mới mẻ: rung động tuổi mới lớn. Các học sinh lớp 10 xuất hiện sành điệu với iPod, điện thoại di động, đã bắt đầu biết để ý trước bạn khác phái rồi. (Thực ra học sinh ngoài đời còn bắt đầu sớm hơn). Mặc dù vậy, nét hóm hỉnh sinh động của "Kính Vạn Hoa" và các nhân vật trong sách vẫn thân thuộc như ngày trước.
Đọc tập 53 “Má lúm đồng tiền”, tôi bắt gặp Quới Lương năm lớp 10 ấp úng vì một nụ cười của nhỏ Thạch Anh ngồi cạnh.
“Nhỏ Thạch Anh bắt gặp nó nhìn trộm, nhoẻn miệng cười:
- Bộ mặt mình có dính lọ nồi hả?
- Đâu có!
- Hổng có sao bạn nhìn mình hoài vậy?
- Nhìn đâu mà nhìn!
Quới Lương bối rối đáp và quay mặt đi chỗ khác. Con gái cười có lúm đồng tiền trông xinh tệ! Quới Lương nhủ bụng, nhưng nó chỉ nghĩ thoáng qua thế thôi. Lúc này nó đang nghĩ đến những đồng tiền trong bóp của Thạch Anh nhiều hơn. Đồng tiền trên má, nó đâu có cần”.
Chi tiết đó khiến tôi nhớ lại trước đây khi Lâm, cậu chàng quậy phá nhất lớp 9A4, từng bồi hồi khó tả nhìn vào mắt Hải Ngọc trong tập 37 “Lớp phó học tập”.
“Ánh mắt đó, nụ cười đó và lòng tin cậy đó khiến thủ lĩnh băng "tứ quậy" trong một thoáng quên bẵng mình là ai. Lâm cũng không nhớ mình là "thi sĩ Hoàng Hôn" có biệt tài xuất khẩu thành thơ. Nó lúng búng một câu kỳ cục:
- À... à... à...
Hình như sợ "thi sĩ" sẽ làm bài thơ "à, à" đến vài ngàn câu, nhỏ Hải Ngọc vội leo lên yên, tủm tỉm:
- Hải Ngọc về trước nhé!
Lâm gật đầu và đáp lại lời từ giã của cô bạn gái cũng bằng "điệp khúc" quái đản đó:
- À... à... à...
Khi Lâm "à" đến tiếng thứ mười hai thì Hải Ngọc đã biến mất chỗ cua quẹo.
"Nàng thơ" đã mất hút thì tất nhiên "thi sĩ" cũng không có lý do gì để làm tiếp bài thơ "à, à" nữa. Lâm lững thững bước, và từ giây phút đó, nó bỗng nhiên biến thành con người khác”.
Hay như trong tập 47 “Ngủ quên trên đồi”, Quý ròm tinh ranh cũng trở nên xao xuyến trước nhỏ Hường, cô học trò “vừa đẹp vừa ngoan”, nhà nghèo nhưng hiếu học mà cậu nhận làm gia sư miễn phí.
“Được học trò khen, ông thầy lâng lâng như đang ngồi trên mây.
Ông thầy ngồi trên mây, nhưng ông thầy quay mặt đi chỗ khác.
Ông thầy không dám nhìn vào mắt học trò.
Không hiểu sao mỗi khi đôi mắt học trò long lanh là ông thầy lại đâm ra bối rối”.
Nguyễn Nhật Ánh thích tả ánh mắt, thích tả nụ cười, thích vẽ lên trang sách những nét thẹn thùng mới chớm mong manh như khói mây. Đó là một thứ tình cảm mơ hồ khó nắm bắt, có thể chạm nhẹ vào trái tim ta và làm ta mỉm cười. Chẳng biết là có đi đến đâu không, nhưng điều đó quan trọng lắm sao? Chỉ biết khi nhớ về cảm giác của cái chạm khẽ khàng ngọt ngào thuở đó, ta trở lại tuổi 15.
“Một đứa con trai gặp một đứa con gái xinh đẹp thì sao nhỉ? Quý ròm tự hỏi, xoa cằm, thở dài, đá chân vô bụi cỏ bên đường một cái, rồi xoa cằm, rồi thở ra. Chắc là đứa con trai sẽ thích đứa con gái! Quý ròm bứt một chiếc lá trên nhánh cây chìa ra dọc lối đi, ngậm trên môi tự hỏi tiếp: Thích thì sao nhỉ? Câu này khó trả lời hơn một chút nhưng loay hoay một hồi Quý ròm vẫn không “giải đáp” được: Thích thì chắc là mắc cỡ, chắc là sợ người khác biết được! Nghĩ tới đây, mặt Quý ròm tự nhiên ửng lên”. (Trích “Ngủ quên trên đồi”).
Vậy đó, họ lớn mà không lớn.
Bìa tập 53 "Má lúm đồng tiền". |
"Kính vạn hoa" không phải tác phẩm dành riêng cho trẻ con hay tuổi mới lớn. Tôi không thích xếp những cuốn sách vào một cái ngăn nào đó dành riêng cho lứa tuổi này, lứa tuổi kia. Muốn đi trọn con đường với văn chương, tốt nhất đừng viết những câu chuyện chỉ dành cho một lứa tuổi nào đó. “Kính vạn hoa” trong mắt tôi dành cho những ai khi đọc vẫn còn mỉm cười và tìm thấy chính mình trong đó, một “chính mình” có thể lẩn khuất đâu đó, nhưng chưa bao giờ biến mất, thi thoảng lại trở về. Người lớn hoàn toàn có thể lật lại những trang truyện cổ Andersen hay Doraemon, hoàn toàn không phải để hồi tưởng về một thời xa lắm.
Nhân nói đến Doraemon, cũng phải nhắc luôn một sự việc mà nhà văn Lê Phương Liên từng tiết lộ: “Năm 1995, ông Nguyễn Thắng Vu, giám đốc NXB Kim Đồng lúc đó phân công tôi đi gặp Nguyễn Nhật Ánh trao đổi để đặt anh viết một tập truyện dài kỳ cho NXB Kim Đồng. Ước vọng làm truyện dài kỳ Việt Nam của NXB Kim Đồng bắt nguồn từ thắng lợi của bộ truyện tranh Doraemon (Nhật Bản) và bộ truyện trinh thám TKKG (Đức). Đây là thời điểm chuyển biến của NXB Kim Đồng và cũng là sự thay đổi tư duy của văn học thiếu nhi Việt Nam. Trước đây, sách cho thiếu nhi tính giáo dục được đề cao hơn tính giải trí. Giờ đây, nhu cầu giải trí của trẻ em được quan tâm, trẻ em vui vẻ thì mới tiếp thu được những điều bổ ích”.
“Nguyễn Nhật Ánh tỏ ý muốn viết thử 5 tập truyện sinh hoạt thiếu nhi theo kiểu truyện dài kỳ. Chẳng bao lâu sau NXB Kim Đồng nhận được bản thảo 5 tập đầu tiên của Nguyễn Nhật Ánh từ TP HCM gửi ra Hà Nội. Bản thảo đánh máy rất sạch sẽ. Lúc đó, ông Nguyễn Thắng Vu đã có một quyết định rất táo bạo: tạm ứng cho Nguyễn Nhật Ánh một khoản tiền là 50 triệu đồng để anh yên tâm sáng tác Kính vạn hoa”.
Có thể nói, một phần nhờ Doraemon mà thiếu nhi Việt Nam được đọc “Kính vạn hoa”. Nhưng sẽ không có một “Kính vạn hoa” đáng nhớ đến vậy nếu tác giả không một lòng viết cho thiếu nhi. Trong Kỷ yếu năm 2005 của Hội nhà văn TP HCM, Nguyễn Nhật Ánh từng viết: “Nghĩa vụ quan trọng nhất của một hội viên với tôi là tích cực sáng tác, góp phần cùng Hội tạo ra nhiều sách hơn nữa cho trẻ em, với tư cách là một nhà văn viết cho thiếu nhi”.